Tình lá diêu bông: Rưng rưng những phận đời

Chuyện kịch kể cảnh của một gia đình nghèo sát đất ở miền Tây. Cha mẹ mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Người chị lớn phải hy sinh tình duyên, không dám lập gia đình, tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi hai em nhỏ ăn học. Người chị kế muốn gia đình khỏi khổ, muốn có tiền giúp đỡ chị nuôi em, đành nhắm mắt đưa chân lấy một người chồng giàu có dù biết nhân cách anh ta chẳng ra sao, tương lai mình không chắc gì hạnh phúc. Hai đứa trẻ tuổi còn thơ ngây, thương các chị cực khổ quá đã lén bỏ học đi bán vé số lấy tiền mua gạo. Nhưng cảnh ngộ ấy không chỉ khiến người xem khóc như mưa vì quá xót xa, mà còn làm người xem ấm lòng bởi sự đùm bọc, hy sinh của các nhân vật kịch dành cho nhau để thấy tình yêu thương luôn là một cứu cánh cho cuộc đời này.

Nhiều cảnh diễn trong Tình lá diêu bôngđã lấy nước mắt của người xem - Ảnh: Hòa Bình

Thêm vào đó, Tình lá diêu bông còn bày ra một câu chuyện tình đầy bi thương của người chị lớn và người yêu của mình. Anh ta đã luôn đợi chờ người chị lớn bằng một tình yêu sắt son, luôn bên cạnh giúp đỡ cô nuôi nấng các em nhỏ mà không hề oán trách. Thậm chí anh ta còn ở tù oan mười mấy năm vì tội giết người thay cho người chồng của cô chị kế để trả ơn nghĩa ba mẹ các cô đã cưu mang anh từ nhỏ. Bi kịch lên tới đỉnh điểm khi cô chị lớn vẫn vò võ chờ đợi anh này, còn anh ra tù thì không dám bước đến với cô. Cô chị hóa điên khi biết sự thật vì em gái và em rể mình im lặng che giấu sự thật mà người anh bị tù oan, và vì anh bỏ đi mất. Nhưng chuyện kịch đã cho anh ta quay về cô chị, cho hai vợ chồng người em không chịu nỗi tòa án lương tâm đã thú tội. Câu chuyện tình này, cái kết này cũng  đã lấy không biết bao nhiêu là nước mắt của người xem, để lòng người xem thấy nhẹ nhàng, thấy tin vào cuộc đời, tin vào tình người đáng để con người ta sống tốt.

Từ trái qua, hai nữ nghệ sĩ Tú Sương và Mỹ Uyên đã rất thành công khi vào vai hai người chị lớn trong vở kịchTình lá diêu bông - Ảnh: Hòa Bình

Xem kịch mà khán giả cứ thấy chuyện kịch bàn bạc như những cảnh ngộ đâu đó trong đời thực. Người  xem dễ dàng liên tưởng đến quá nhiều những vụ tai nạn giao thông gần đây để lại hậu quả thương tâm. Liên tưởng đến rất nhiều những đôi quang gánh tảo tần của các người mẹ, người chị quê nghèo vất cả nuôi con em ăn học đang ngày càng nhiều trong cuộc sống hôm nay. Liên tưởng về bi kịch của biết bao nhiêu cô gái miền Tây lấy chồng gần chồng xa đủ kiểu với đủ hạng người nhằm mục đích giúp gia đình thoát nghèo. Hay liên tưởng đến đám trẻ con nghèo miền Tây, miền Trung có nguy cơ bỏ học ngày càng cao vì gia đình nghèo khó. Hoặc nghĩ đến chuyện có nhiều người đã chịu án tù oan bao nhiêu là năm tháng…

Một trong những cảnh lấy nước mắt của Tình lá diêu bông - Ảnh: Hòa Bình

Chính vì chuyện kịch gần gũi đời thực như thế nên tác giả Hà Nam Quang và đạo diễn Hữu Quốc đã làm nên một vở kịch có tính chân thực cao. Đặc biệt là dân cải lương gốc, Hữu Quốc đã đem trọn cái chất trữ tình ngọt ngào, dung dị mà sâu lắng của cải lương đích thực vào vở kịch Tình lá diêu bông khiến vở diễn lay động, thẳm sâu con tim khán giả. Làm nên thành công của Tình lá diêu bông còn là diễn xuất rất ngọt, rất chắc tay của các nghệ sĩ Mỹ Uyên, Tú Sương, Hữu Quốc, bé Gia Bảo, Hùng Thuận và Hồng Nhung… Sau Gương mặt kẻ khác, Đêm vượn hú…, thêm Tình lá diêu bông nữa, Sân khấu Nhỏ 5B đang dần lấy lại phong độ đáng tự hào của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm