Trả giá và Bụi đời - tái bản lần thứ mười

Nhà văn Triệu Xuân đón nhận niềm vui ấy, đó là anh vừa tái bản hai tiểu thuyết "Trả giá" và "Bụi đời".

Tiểu thuyết Trả giá viết trong vòng sáu năm, in lần đầu tiên vào năm 1988 và nhận giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1990). Đa số những tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân được viết theo mạch hiện thực phê phán. Vậy dựa vào đâu để có sức mạnh phê phán?

Trả giá và Bụi đời - tái bản lần thứ mười ảnh 1

Trong lời đề từ đầu sách Trả giá, nhà văn đã viết: “Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều phải trả giá rất đắt cho sự thành đạt cũng như những lỗi lầm của mình”. Và Bụi đời: “Trên trần gian này, có gì khó khăn hơn và tuyệt vời hơn là Sồng làm Người?”.

Theo nhà văn Triệu Xuân cho biết: “Với Trả giá, lần đầu tiên có một tác phẩm văn học dám phê phán rất mạnh sai lầm, do ấu trĩ, do nôn nóng, chủ quan khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Tôi viết cuốn tiểu thuyết đó năm 1985, đến 1986 thì xong. X1 (đánh tư sản mại bản) là tất yếu phải làm, nhưng X2, tức là cải tạo những nhà tư sản dân tộc, đã gây ra hậu quả không tốt, rất nhiều người vượt biên… Phải mất vài năm sau, trong các văn kiện chính thức của Đảng mới nhìn nhận điều đó. Có những người lao động chân chính, nhờ tài năng, nhờ vốn liếng, họ trở thành những ông chủ giầu có, có thời ta gọi là tư sản dân tộc.

Nhà văn Triệu Xuân tên thật là Triệu Xuân Điến, sinh ngày 4 tháng 9 năm 1952 tại An Đức, Ninh Giang, Hải Dương.

Hiện anh là Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại TPHCM. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi; đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM.

Anh cũng là người sáng lập và Chủ tịch nhóm Văn chương Hồn Việt và tạp chí Văn chương Ngày nay.

Một đất nước muốn phát triển, muốn xóa đói giảm nghèo, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải có một đội ngũ những doanh nhân, doanh nghiệp giỏi. Chúng ta đã từng có cả một thế hệ những doanh nghiệp giỏi, yêu nước, nhưng chúng ta đã cải tạo họ bằng những biện pháp rất nóng vội, ấu trĩ. Cái giá phải trả quá đắt!

Từ năm 1989, khi Đảng ta đưa đất nước vào sự nghiệp đổi mới, chúng ta khuyến khích các thành phần kinh tế trong đó có tư nhân đầu tư phát triển kinh tế. Thế nhưng mấy năm liền, đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó tìm ra nhà doanh nghiệp chân chính.

Những vụ án nước hoa Thanh Hương, Epco-Minh Phụng… chứng tỏ điều đó. Hiện nay thì giới doanh nhân chân chính đã xuất hiện nhiều, nhưng sau cải tạo công thương nghiệp thì hiếm lắm! Trong Trả giá tôi phản ánh, phân tích thực trạng đau lòng ấy, bằng tất cả tấm lòng của một công dân mong muốn cho đất nước có nhiều người có tài, có tâm được trọng dụng để ích nước lợi dân…”.

Tiểu thuyết Bụi đời được viết tháng 6-1988 và xuất bản năm 1990. “Bụi đời là cuốn tiểu thuyết viết về sự tha hóa của con người. Tư liệu tôi thu nhặt được trong hơn chục năm nhiều lắm, chỉ dám chắt lọc để viết ra một phần rất nhỏ. Viết kỹ quá thành tự nhiên chủ nghĩa, phản tác dụng, nhưng nếu không miêu tả như thế thì người ta không hiểu thực tế nó ê chề, rùng rợn như thế nào. Đây là cái khó nhất của nhà văn khi xử lý tư liệu.

Tôi lao vào đề tài này từ năm 1976, từ bài báo đầu tiên cho đến năm 1987 mới bắt tay vào viết tiểu thuyết, thời gian gần mười hai năm.

Trả giá và Bụi đời - tái bản lần thứ mười ảnh 2

Nhà văn Triệu Xuân là người biên tập những cuốn sách lịch sử, nhân vật lịch sử rất có giá trị - Ảnh Nguyễn Tý

Thời còn là sinh viên, tôi thích câu: “Thông qua giọt nước để nói biển cả”. Tôi luôn say mê săn tìm tư liệu để viết, và tôi luôn làm theo lời dặn của bố tôi: Phải biết mười để viết một!.

Cũng là vấn đề con người, trong cuốn Bụi đời, tiểu thuyết đầu tiên đi trực diện vào đề tài tệ nạn xã hội với những con người thuộc tầng lớp dưới đáy: lưu manh trộm cướp, gái mại dâm, nghiện ngập xì ke, ma túy… Viết về họ, phê phán sự tha hóa, sa đọa.. nhưng từ đầu đến cuối tác phẩm, tấm lòng tôi luôn chia sẻ và thương yêu họ.

Tôi lên án môi trường dẫn đến sự buông thả của họ và chính họ tự đào huyệt chôn mình. Tôi lên án một bộ phận trong xã hội làm giàu dã man trên thân xác những nạn nhân vừa kể trên. Tôi phê phán bọn buôn bán ma túy, bọn chứa gái mại dâm và một số người trong guồng máy quản lý nhà nước ở các cấp có hành vi tiếp tay cho bọn buôn bán ma túy, bọn kinh doanh mại dâm. Và chuyện tiêu cực, tham nhũng được phơi bày nhãn tiền.

Trên báo chí ngày nay, chuyện đó được phản ánh hằng ngày, nhưng thời kỳ tôi viết cuốn Bụi đời là năm 1988-1989, báo chí chưa dám nói nhiều, không dám nói đến một cán bộ có chức sắc to mà tiếp tay cho bọn buôn lậu ma túy...” - nhà văn Triệu Xuân tâm sự.

NGUYỄN TÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm