Truyền hình thực tế ‘giết chết’ cải lương?

Chương trình Đường đến danh ca vọng cổ - một sân chơi tôn vinh bộ môn cải lương chuẩn bị vào mùa phát sóng thứ hai (từ ngày 6-10 trên HTV7). Thế nhưng nhiều lo lắng cho rằng khi cải lương lên truyền hình thực tế, với những áp lực chiêu trò, thắng thua… chất cải lương sẽ mất. Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện với NSƯT Thoại Mỹ, huấn luyện viên của chương trình suốt hai mùa qua, về những vấn đề này.

Lo lắng về quán quân đại trà

. Phóng viên: Theo chị, truyền hình thực tế có là nơi để cải lương có thể sống lại không?

+ NSƯT Thoại Mỹ: Tôi nghĩ đó là cách để cải lương không bị quên lãng. Trong các chương trình truyền hình thực tế, các game show… những tiết mục cải lương hoặc khi ca sĩ cất câu vọng cổ vẫn được khán giả ủng hộ nồng nhiệt.

Qua Chuông vàng vọng cổ, Đường đến danh ca vọng cổ… sẽ thấy rõ nhiều người vẫn mê cải lương, đến với cải lương bằng đam mê; như mùa hai Đường đến danh ca vọng cổ có thí sinh 65 tuổi và có cả thí sinh mới14 tuổi.

. Có những lo ngại rằng tương lai truyền hình thực tế sẽ “giết chết” cải lương nếu có nhiều chương trình khai thác cải lương tràn lan, sản sinh ra nhiều quán quân…

+ Tôi nghĩ đừng lo quá xa, bởi từ trước đến nay trên truyền hình chỉ có hai chương trình tìm kiếm tài năng cải lương là Chuông vàng vọng cổĐường đến danh ca vọng cổ.

Riêng về việc nhiều quán quân cải lương, tôi nghĩ rằng sau danh hiệu quán quân, các em tiếp tục với nghề như thế nào mới là quan trọng. Nghệ thuật thì không thể cá mè một lứa. Dù được đào tạo như nhau thì quan trọng nhất vẫn là định hướng đường đi của mình. Nếu các em có được sân khấu để tiếp tục nghề thì không lo bão hòa mà giúp giữ được lửa nghề cho các em và cải lương có thêm một thế hệ tiếp nối.

. Ngày trước một bản dựng rất mất thời gian, trong khi áp lực ghi hình của truyền hình thực tế có thể mỗi ngày hai, ba tập, làm sao giữ được hồn cốt cải lương?

+ Tôi không biết các chương trình khác ra sao nhưng với Đường đến danh ca vọng cổ, mỗi vòng thi các thí sinh có một tuần để chuẩn bị và tiết mục dài nhất cũng chỉ 20 phút. Tôi nghĩ thời gian như thế là đủ cho huấn luyện viên và thí sinh làm tốt bài thi của mình.

Còn để trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp với những vở tuồng dài mấy tiếng thì các em còn phải một hành trình để tập luyện. Quán quân chỉ là điểm khởi đầu; một quán quân không tập luyện thêm, không có đất diễn thì xa lắm chỉ đi được một thời gian mà thôi. Nếu các em có một đoàn chính quy để tập luyện thì càng lợi thế để đi dài với nghề hơn. Như Thu Vân, Bùi Trung Đẳng, Thanh Tâm… của mùa đầu Đường đến danh ca vọng cổ có Sân khấu Trần Hữu Trang, Đoàn cải lương Đồng Nai nên càng ngày các em càng vững vàng.

Nếu có sân khấu để tiếp tục nghề thì sẽ giữ được lửa nghề.

Tung hứng với nghệ sĩ Thanh Hằng

. Trong vai trò huấn luyện viên, chị có dám thẳng thắn nhận xét thí sinh mà không ngại áp lực dư luận hay không?

+ Tôi nghĩ khi mình thẳng thắn góp ý cho thí sinh thì đó là tôi muốn các bạn hoàn thiện và tốt hơn.

. Chị có cho rằng mùa một quán quân thuộc về đội mình thì đó sẽ là lợi thế để mùa hai thí sinh giỏi sẽ chọn đội chị?

+ Tôi không nghĩ vậy. Các bạn sẽ có bạn này hợp với đội tôi, sẽ có bạn hợp với đội anh Kim Tử Long hay chị Thanh Hằng, đó là các bạn tự chọn. Các bạn đi thi ngộ lắm, có khi lúc đầu các bạn nghĩ sẽ về đội này nhưng đến khi ra sân khấu bỗng chọn đội khác.

. Năm nay nghệ sĩ Thanh Hằng thay nghệ sĩ Ngọc Huyền, vậy với cá nhân chị, ngồi ghế nóng cùng Ngọc Huyền - Kim Tử Long và ngồi ghế nóng cùng Thanh Hằng - Kim Tử Long, đội hình nào phù hợp với chị hơn?

+ Tôi nghĩ đội hình nào không quan trọng bởi với Đường đến danh ca vọng cổ, tôi thường chọn làm việc độc lập. Tuy nhiên, mỗi đội hình sẽ mang đến một thú vị riêng. Năm ngoái, tôi, Ngọc Huyền và Kim Tử Long cùng trang lứa thì năm nay sự tung hứng sẽ là đàn chị và đàn em.

. Chị nói vậy chứ một chương trình luôn có vấn đề tranh cãi, nếu chị cãi thua thì thí sinh chị thiệt làm sao?

+ Suy cho cùng tất cả huấn luyện viên đều vì thế hệ tiếp nối của cải lương, lo cho thí sinh, còn tình đồng nghiệp, chị em vẫn khó mà thay đổi. Có chiêu trò gì trên sân khấu cũng là chiêu trò cho kịch tính thôi chứ ai thắng, ai quán quân cũng được.

. Xin cám ơn chị.

Gương mặt của những giải thưởng cải lương

Từ năm 13 tuổi, Thoại Mỹ đỗ vào khoa đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang. Năm 16 tuổi, Thoại Mỹ ra trường và đi hát nhiều nơi, ghi dấu ấn với nhiều vai diễn đa dạng, từ vai ác, vai mùi, vai độc, vai lẳng đến con nít, bà già. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật nghiêm túc Thoại Mỹ được công chúng yêu mến và đón nhận; điều đó thể hiện qua những giải thưởng như huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, giải Mai Vàng báo Người Lao Động, huy chương Văn hóa, Gương mặt nghệ sĩ sân khấu ấn tượng của báo Tuổi Trẻ, huy chương vàng hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc… Năm 2007, Thoại Mỹ đón nhận danh hiệu NSƯT vì những đóng góp cho nền cải lương nước nhà. Cô cũng là huấn luyện viên được yêu thích ở mùa đầu tiên của Đường đến danh ca vọng cổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm