Vĩnh biệt tác giả "Miền Nam nhớ mãi ơn Người"

Linh cữu nhạc sĩ Lưu Cầu đang được quàn tại Nhà Tang lễ TPHCM, sau đó sẽ được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa vào ngày 13-1.

Vĩnh biệt tác giả "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" ảnh 1

Nhạc sĩ Lưu Cầu. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhiều nghệ sĩ đến viếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp tại Nhà Tang lễ TPHCM đều bàng hoàng khi thấy bên cạnh linh cữu của ông là linh cữu nhạc sĩ Lưu Cầu - người nhạc sĩ được anh em đồng nghiệp yêu mến. Nhạc sĩ Phan Nhân bật khóc: “Có ai ngờ hai anh này lại rủ nhau đi trước tôi...”.
 
Nhạc sĩ Lưu Cầu tên thật là Nguyễn Hoàn Cầu, sinh năm 1930, quê Sóc Trăng, tham gia cách mạng rất sớm. Trong thời gian công tác tại Đài Tiếng nói Nam Bộ, ông đã để lại ấn tượng trong lĩnh vực âm nhạc qua ca khúc Khu rừng miền Đông.

Khi tập kết ra Hà Nội, Lưu Cầu vào học Trường Âm Nhạc Việt Nam và về công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ca khúc nổi bật của ông: Quê tôi, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Anh và tôi, Anh lại về bên sông Vàm Cỏ, Cần Thơ mến thương….  Không chỉ tạo nhiều dấu ấn qua các tác phẩm âm nhạc trữ tình hào sảng, ông còn được yêu thích với những ca khúc  viết về thanh niên xung phong như Về đây với đường tàu. Nhạc sĩ Lưu Cầu cũng dành một khoảng thời gian lớn của mình để nghiên cứu và sáng tác thể loại khí nhạc, hợp xướng. Tác phẩm hợp xướng đỉnh cao của ông có thể kể đến là Bài ca đất nước anh hùng và bản tráng ca Cửu Long giang.
Vĩnh biệt tác giả "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" ảnh 2

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn thắp hương thương tiếc nhạc sĩ Lưu Cầu. Ản: T.Hiệp

GS-NS Ca Lê Thuần kể lại: “Cùng với bài Quê tôi, nhạc sĩ Lưu Cầu còn viết tiểu phẩm khí nhạc cho violon mang tên Quê hương, một tác phẩm đầy ấn tượng qua tiếng đàn mê đắm của nghệ sĩ Phan Phúc thời đó. Khi cùng đồng đội bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh mang nhiệt huyết cháy bỏng với hai hành khúc Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền và Miền Nam ơi! Chúng tôi đã sẵn sàng, khí thế rất kiên cường, thúc giục toàn quân, toàn dân đứng lên đấu tranh giành chiến thắng”.

“Tôi từng say mê ca khúc đặc biệt viết về thanh niên xung phong Về đây với đường tàu của Lưu Cầu. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, ông đã sáng tác một ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ thật sâu sắc mang tên Miền Nam nhớ mãi ơn Người. Ca khúc này trở nên bất tử... Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc nước nhà” - NSƯT Phi Điểu thương tiếc.

Sau ngày thống nhất, nhạc sĩ Lưu Cầu trở về TPHCM. Bên cạnh ca khúc hợp xướng, sau tiểu phẩm violon Quê hương, ông còn viết nhạc cho phim tài liệu, phim truyện. Âm nhạc Lưu Cầu để lại nhiều ấn tượng trong lịch sử âm nhạc VN. Ông xứng đáng với các giải thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng III, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I (2001). 

Theo T.Hiệp - T.Trang (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm