3 bài hát góp phần thay đổi lịch sử TG của Bob Dylan

Trong những năm chiến tranh Việt Nam, âm nhạc của Bob Dylan trở thành thông điệp chung của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ.

CNN đã không ngoa khi nhận định âm nhạc của Bob Dylan đã góp phần tạo nên những khúc ngoặt của lịch sử.

Có lần, khi ca sĩ-nhạc sĩ Bruce Springsteen trình bày diễn từ về Bob Dylan, khi tên của ông được đưa vào vinh danh ở Rock and Roll Hall of Fame, Bruce Springsteen nói: “Âm nhạc của Bob đem lại sự tự do trong tâm trí của bạn theo cách Elvis (Presley) giải phóng cơ thể của bạn. Bob Dylan cho chúng ta thấy rằng chỉ vì âm nhạc tưởng chừng nghiêng về thể chất, không có nghĩa là nó phi trí tuệ…”.

Gần nửa thế kỷ sau khi gây chấn động âm nhạc bằng chiếc guitar điện, Bob Dylan lại trở thành tâm điểm của nghệ thuật thế giới. Ảnh: GETTY

Ảnh hưởng của Bob Dylan với âm nhạc trong thời đại tuổi trẻ của ông quả bất ngờ, trong thời đại công nghiệp và bùng nổ khoa học kỹ thuật đầu năm 1960, ngành phát thanh với những quy chế chặt chẽ về ưu tiên đưa các tác phẩm có tính thương mại lên “giờ vàng” thì Bob Dylan với những ca khúc hết sức chính trị của mình đã chứng minh rằng âm nhạc nói về thời sự cũng có thể trở thành sự hấp dẫn bất ngờ.

Dưới đây là một số bài hát được coi là đã tác động không ít đến các chương lịch sử vào thập niên 1960-1970.

1. Blowin’ in the wind

Những người cùng thời nói Bob Dylan đã viết bài hát này trong 10 phút tại một quán cà phê. Và Bob Dylan không biết rằng trong các phong trào cách mạng dân quyền, mọi người đã hát như một bài hát chủ đề chính của tranh đấu. Giờ đây nhắc về nó, Bob nói khiêm tốn: “À, chỉ là một bài hát thôi mà”.

Blowin’ in the wind đã được hát tại một cuộc tuần hành ở Greenwood, Mississippi. Peter Yarrow hát nó trong suốt cuộc biểu tình từ Selma đến Montgomery. Và bộ ba Peter - Paul - Mary trình diễn gần đài tưởng niệm Lincoln vào tháng 3 tại Washington, trước khi Martin Luther King Jr. đứng trước hàng ngàn người và tuyên bố: “Tôi có một giấc mơ”.

Blowin’ in the wind đứng đầu trong các danh sách bài hát chống chiến tranh. Năm 1997, nó là chủ đề của một bài giảng của Đức Giáo hoàng John Paul II. Đây là ca khúc nhạc pop duy nhất đã trở thành chủ đề của một bài giảng như vậy. Trong đó, Đức Giáo hoàng nói: “Bạn nói rằng câu trả lời là bay trong gió, người bạn của tôi. Nhưng nó không phải là gió thổi đi xa mọi thứ. Nó là hơi thở và sự sống của Chúa Thánh Thần, là giọng nói của lời gọi và đáp: Hãy đến!”.

2. The times they are a changin

Trong những bài hát kinh điển vượt thời gian, bài hát này luôn ở tốp đầu, được nhắc tới. Bài hát như một tiếng gọi thức tỉnh để các bậc cha mẹ, các chính trị gia và công chúng cùng chọn đứng phía đúng của lịch sử trong phong trào dân quyền. Bài hát nhắc con người lựa chọn can đảm và lòng thấu cảm hơn là chỉ bất mãn hoặc chỉ góp mặt mà thụ động. Bob Dylan đã viết nó: “Tôi biết chính xác những gì tôi muốn nói và những người tôi muốn nói đến”.

Bài hát này đầy tính thi ca, tiên tri, mạnh mẽ - và nó đã luôn được hát lên bởi ca sĩ-nhạc sĩ từ Joan Baez cho đến Bruce Springsteen.

People are crazy and times are strange. I’m locked in tight, I’m out of range. I used to care, but things have changed. (Tạm dịch: Con người đã điên loạn và thời đại đã lạ lùng lắm. Tôi bị trói chặt trong chật chội, tôi muốn thoát ra.Tôi từng xao động nghĩ suy nhưng mọi thứ đã đổi thay ngoài kia rồi đó).

3. Subterranean homesick blues

Đối với những người quá trẻ để nhớ về thời kỳ sôi động của thập niên 1960-1970, có một tổ chức cực đoan tên là Weather Underground đã tìm cách lật đổ chính phủ Hoa Kỳ và thực hiện một loạt vụ đánh bom vào giữa những năm 1970, trong đó có một vụ xảy ra tại Bộ Ngoại giao. Nhóm này, với các thành viên là Weathermen, đã lấy ý từ bài hát của Bob Dylan, với dòng Subterranean homesick blues: You don’t need a weather man to know which way the wind blows (tạm dịch: Bạn chẳng cần ai dự báo thời tiết để biết gió sẽ thổi phương nào).

Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - bà Sara Danius nói Bob Dylan (năm nay 75 tuổi) là “một nhà thơ lớn trong truyền thống ngôn ngữ tiếng Anh”. Bà Sara đã so sánh tương đồng giữa tác phẩm của Dylan với các nhà thơ Hy Lạp cổ đại. “Nếu bạn nhìn trở lại, 2.500 năm hoặc lâu hơn, bạn sẽ khám phá rằng Homer và Sappho viết văn bản thơ, với mục đích để được công chúng lắng nghe, để được trình diễn thường xuyên với các nhạc cụ thì đó là cách không khác gì với Bob Dylan hôm nay” - bà Sara nói.

Danius, một giáo sư văn chương tại Stockholm University, khuyến nghị người nghe bằng album 1966 của Bob Dylan có tên Blonde on Blonde. GS Danius nói rằng các bài hát trong đó chứa đựng “nhiều ví dụ sáng chói về cách Bob Dylan tạo nên vần điệu trên nhịp âm nhạc, kết hợp ngôn ngữ và âm nhạc với tư duy bằng hình ảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm