Bùi Giáng: Chênh vênh giữa hai thái cực

Có khi ông như một kẻ lãng du phiêu bồng coi cuộc đời là một chuyến rong chơi bất tận, có khi ông lại như một bậc thi ca đạt đến tầm nhà thơ của những nhà thơ, có khi ông lại toát ra vẻ hiền triết… và có lúc ông trở về với trạng thái của một người chếnh choáng trong cơn điên đời… Ông chính là nhà thơ Bùi Giáng, một Hoàng Tử Bé từng để lại dấu ấn với nhiều người dân Sài Gòn một thuở. Nhân dịp ra mắt tuyển tập Bùi Giáng - đười ươi chân kinh, những người yêu mến con người độc đáo này đã có dịp ngồi lại với nhau để hồi nhớ về ông.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mở đầu buổi tọa đàm bằng câu hỏi: “Ở đây có ai không biết Bùi Giáng không?”… Tất cả im lặng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại dành toàn bộ phần trò chuyện của mình để cố gắng giải thích cho người nghe rằng: “Biết về Bùi Giáng là một từ không bó hẹp ở khuôn ngữ bởi bủa vây xung quanh con người tài hoa này là một tầng hư ảo của giai thoại, của đồn đoán và của cả những điều khó lý giải…”. Rồi ông kể về lần đầu tiên “diện kiến” Bùi Giáng. Hôm đó, khi ông ngồi bên một quán cóc vỉa hè cùng một người bạn thì trông thấy một cảnh tượng “xưa nay hiếm”: Một người đàn ông gầy nhom, râu tóc bạc phơ… ngồi quay lưng với người lái xe đạp thồ, hai tay giơ lên múa lượn như đang nói chuyện với trời xanh. Mãi sau đó, người bạn đi cùng mới nói cho ông biết đó chính là thi sĩ Bùi Giáng.

Bùi Giáng: Chênh vênh giữa hai thái cực ảnh 1

Nhà thơ Bùi Giáng và nghệ sĩ Kim Cương. Ảnh tư liệu gia đình

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thi sĩ Bùi Giáng có một chiếc danh thiếp rất độc đáo, chỉ ghi vỏn vẹn mấy câu thơ “Hỏi tên rằng Biển Dâu Ngàn - hỏi quê rằng xứ Mơ Màng đã quên” hoặc “Hỏi tên rằng Biển Xanh Dâu - hỏi quê rằng Mộng Ban Đầu đã xa”.

Có mặt với tư cách một nhà nghiên cứu đồng thời là một người họ Bùi khá thân thiết với nhà thơ Bùi Giáng, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cung cấp cho những người có mặt nhiều câu chuyện mà ông đã chứng kiến trong thời gian Bùi Giáng vẫn còn “rong chơi” ở trần gian.

“Ở nhà tôi ông ấy rất hiền… Tôi chỉ tiếc những chậu lan đẹp vì mỗi lần đến chơi ông ấy lại lấy một chậu đặt lên vai và đi mất” - nhà nghiên cứu Nam Sơn kể. Hành động trên của Bùi Giáng có vẻ không bình thường. Tuy nhiên, với lý do Bùi Giáng đưa ra, khó có thể nói ông điên được; đó là: Có hoa đẹp sao lại ngắm một mình, phải cho thiên hạ ngắm cùng chứ.

Bùi Giáng điên hay tỉnh, câu hỏi từng dấy lên nhiều hồi tranh luận mà đến tận bây giờ vẫn chưa có một câu trả lời chung. Thế nhưng có một điều mà ai cũng phải thừa nhận là ông có một trí tuệ tinh nhạy, siêu phàm, một hồn thơ hiếm hoi đưa được thơ ca lên một tầm tư tưởng bậc cao.

“Không ai thấy Bùi Giáng làm việc bao giờ nhưng thành quả sáng tạo của ông luôn khiến người ta kinh ngạc” - nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ. Thế nên có lẽ con người này luôn đứng chênh vênh giữa hai thái cực: điên và tỉnh. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bổ sung thêm: “Người ta bảo ông điên nhưng điên mà tuôn ra thơ, múa ra triết thì chắc nhiều kẻ muốn điên như ông”.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm