Cặp vợ chồng yêu sách

Có một cặp đôi đã chọn đường chỉ làm sách mình thích, bất chấp thế giới ngoài kia đang đọc sách theo thời thượng, theo trào lưu gì; đó là cặp vợ chồng biên tập viên Phạm Bích Ngọc và dịch giả Nguyễn Trí Dũng.

Người học Nga những tưởng lỡ thời

Cặp vợ chồng yêu sách Nguyễn Trí Dũng và Phạm Bích Ngọc. Ảnh: TRỊNH SA

Chị Phạm Bích Ngọc đang là biên tập viên của Nhà xuất bản Thế giới, anh Nguyễn Trí Dũng chồng chị là dịch giả tự do. Hai anh chị cùng hình thành nên Sao Bắc Media, một đơn vị xuất bản độc lập đúng nghĩa. Bởi mang tiếng là Công ty Xúc tiến hợp tác văn hóa và truyền thông Sao Bắc (Sao Bắc Media) nhưng thật tình công ty chỉ có hai người, cùng một vài người cộng tác theo từng dự án sách.

Dịch giả Nguyễn Trí Dũng tốt nghiệp khoa Phiên dịch tiếng Nga thuộc ĐH Ngoại ngữ Hà Nội năm 1989, thời điểm các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ (sau 1989). Việc Liên Xô tan rã đã ảnh hưởng trực tiếp ngay đến anh, khi mãi ba năm sau anh vẫn không xin được việc làm ở Hà Nội. “Đến năm 1992, tôi có thư mời học truyền thông từ một người bạn ở Nga và tôi du học theo dạng tự túc; thời điểm tôi đi ai cũng bảo đi chỉ có buôn chứ học gì. Tôi sang học báo chí ở Nga năm năm, ở lại thêm một năm kiếm cơ hội nhưng khó khăn nên về. Vợ tôi cũng tốt nghiệp tiếng Nga, sau lại sang cùng gia đình ở Ấn Độ (cha mẹ chị Ngọc làm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ). Sang Ấn Độ vợ tôi học tiếng Anh và dùng tiếng Anh từ đó đến giờ” - dịch giả Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.

Năm 1998, dịch giả về nước và làm phiên dịch cho Ủy ban Thể dục thể thao một thời gian ngắn, sau đó anh trở về làm tự do với việc dịch báo, dịch sách…

Khi hỏi anh có thấy vợ chồng mình là người lỡ thời sau sự sụp đổ của Liên Xô? Anh chỉ cười và bảo rằng không rõ có phải là lỡ thời không nhưng có lẽ từ những lỡ dở đó mà vợ chồng anh có cơ hội làm những điều mình thích. “Ví dụ người ta bảo tôi sang Nga chỉ có đi buôn, tôi thì từ Nga về chỉ có mấy valy sách. Đó là những sách tôi đọc thời gian ở bên đó và là sách mình thích, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng nếu mình chia sẻ được điều mình thích đến mọi người, được mọi người thích nữa thì đáng quý lắm!” - dịch giả Nguyễn Trí Dũng nói.

Nghĩ đến giá trị cộng thêm hơn là lời lỗ

Thực tế giữa đời sống lắm bộn bề này, làm được điều mình thích, không tổn hại đến ai đã khó, mang được điều mình thích là những tác phẩm kinh điển của thế giới đến với nhiều người hơn thì càng không dễ dàng. “Mình phải cố gắng cân bằng đời sống vừa đủ mới làm được điều mình muốn. Bà xã tôi vẫn làm biên tập viên cho nhà xuất bản, tôi dịch tự do, hai con gái đứa 11 tuổi, đứa bảy tuổi cũng yêu thích đọc sách và dịch. Việc dịch của tôi cho các báo và việc biên tập của Ngọc đủ đảm bảo cho đời sống gia đình; những đầu sách Sao Bắc làm cũng xin quỹ của các đại sứ quán, trung tâm văn hóa… hỗ trợ về bản quyền hay chút ít kinh phí. Mình không nuôi bộ máy công ty nào cả thì cứ dịch rồi bà xã biên tập, phát hành thì ký gửi một vài nhà sách nhỏ hoặc ai biết thì gọi điện thoại đến mình hoặc bà xã chở sách giao tận nơi… Dĩ nhiên kinh doanh sẽ nghĩ tới lời lãi nhưng do tụi mình đã có việc đủ đảm bảo đời sống nên làm thêm của Sao Bắc có thì tiêu không thì thôi, cứ nho nhỏ vậy nhưng đó là những điều mình thích làm” - dịch giả Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.

Cho đến hiện tại những đầu sách Sao Bắc làm hoàn toàn khác những sách được dán best seller (sách bán chạy), sách dạy làm giàu… ngoài thị trường. Một tên gọi tàm tạm đúng cho những đầu sách của Sao Bắc có lẽ là sách về ý nghĩa cuộc sống. Có bao giờ bạn băn khoăn tại sao một nhà văn đoạt Nobel chỉ viết về các loài thực vật và nhìn ra ngay cả loài hoa cũng mang trong mình trí tuệ như tác giả Maurice Maeterlinck trong Trí tuệ của hoa. Có bao giờ bạn băn khoăn văn học là “bản ác” hay “bản thiện”? Biết cái ác để đấu tranh chế ngự nó, lấy văn chương thể hiện cái ác nhưng không sống như nó… hay sẵn sàng kết tội người khác vì khoác lên mình chiếc áo bác ái là câu chuyện của Georges Bataille qua tác phẩm Văn học và cái ác

Có lẽ đó là những giá trị tưởng chừng vô hình nhưng hoàn toàn có thật khi cặp vợ chồng Sao Bắc chọn làm sách, nó không phải là những con số từ doanh thu lời lỗ mà là những con chữ có tâm hồn.

Cặp vợ chồng yêu sách ảnh 2
Các đầu sách của Sao Bắc Media. Ảnh: TRỊNH SA 

Những đầu sách điển hình của Sao Bắc Media

Văn học và cái ác (Georges Bataille), Thông thái và số phận (Maurice Maeterlinck), Trí tuệ của hoa (Maurice Maeterlinck), Cây dục vọng (Margot Berwin), Đừng mơ từ bỏ sách giấy (Jean-Claude Carrière và Umberto Eco), Lưỡi gươm - Bàn về nghệ thuật chỉ huy (Chales de Gaulle), Không khóc (Lydie Salvayre), Hai nửa tình bạn (Susie Morgenstern)…

Mình thấy tụi mình vui, muốn mang sách đi bán hay đi giao lưu phải tự đèo sách. Sách tụi mình không phát hành ở các hệ thống lớn được bởi khó bán, nên chủ yếu ký gửi ở một số điểm bán sách: Khai Tâm, Momo, Kafka.. Mình hiểu rõ sách mình làm khó phát hành, đó là thực tế. Nhưng tất cả do mình muốn làm cái gì đó lạ hơn thường, muốn tìm hiểu, muốn mọi người cùng tìm hiểu…” - dịch giả Nguyễn Trí Dũng thẳng thắn nói.

-------------------------

 “Mình rất hiểu nhà làm sách nào cũng muốn làm gì đó thật hay nhưng các đơn vị làm sách lớn đòi hỏi có doanh thu thường xuyên để chi trả cho bộ máy lớn. Đó là sức ép buộc họ phải có thêm sách thị trường, không thể làm sách kinh điển mãi được. Bọn mình không làm nhiều, mỗi năm chỉ một đến hai đầu sách và không bị những chi phí như các đơn vị lớn nên làm được điều mình thích đã là lãi rồi” - dịch giả Nguyễn Trí Dũng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm