Chiến tranh bỉ ổi trong mắt phụ nữ

War’s Unwomanly Face (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ) không chỉ kể chuyện những người phụ nữ đã hy sinh gian khổ như thế nào trong chiến tranh mà cuốn sách còn là lời tố cáo chiến tranh. Bản thân tác giả Svetlana Alexievich không ít lần đưa ra quan điểm chiến tranh là phi nhân.

Viết hai lần, dịch sang tiếng Việt hai lần

Svetlana Alexievich, nữ văn sĩ 68 tuổi, vốn là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo, viết văn bằng tiếng Nga. Bà trở thành chủ nhân giải Nobel văn học thứ 112 trong lịch sử cùng với công bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển: “Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết”.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983. Những năm cuối của thập niên 1980, nhà văn Nguyên Ngọc đã dịch và cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam. Tới năm 2013, Svetlana Alexievich đã viết lại hoàn toàn cuốn sách.

Ngay khi tác giả Svetlana Alexievich lọt vào danh sách những cái tên có khả năng giành giải Nobel 2015, giới xuất bản Việt Nam đã tiến hành mua bản quyền. Sách sau đó được Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn so với bản trước đó.

Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich, người được cho là có những dòng văn phi thường tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm. Ảnh: THE DAILYBEAST

Bầm dập trước khi nhận giải

Khởi nghiệp trong ngành báo chí, Alexievich bắt đầu ghi âm lời kể những nữ binh sĩ từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai, nói về những khía cạnh cuộc chiến mà chưa hề được đề cập tới và hoàn thành tác phẩm nổi tiếng đầu tiên War’s Unwomanly Face năm 1983. Vì bị cho là có “khuynh hướng chống cộng”, bà bị cho nghỉ việc. Cuốn sách này không được xuất bản ở quê hương bà. Cuốn sách kế tiếp Die letzten Zeugen (Những nhân chứng cuối cùng, xuất bản năm 1985) cũng không được cho xuất bản, với lý do thiếu lòng tin ý thức hệ, viết về cái nhìn của trẻ em và phụ nữ về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, những kinh nghiệm đau thương của gia đình bà trong trận chiến này và dưới thời Stalin. Một cuốn khác là Những cậu bé bằng kẽm, tức Zinky Boys, xuất bản năm 1989, trong đó nói về mặt trái của chiến tranh Afghanistan, một cuộc chiến và những thân phận bị lãng quên. Cuốn sách gây tranh cãi và phẫn nộ khi mới được xuất bản lần đầu tiên ở Nga, nơi những nhà phê bình lên án nó là “phỉ báng”. Từ năm 1992, bà đã phải ra tòa nhiều lần tại Minsk vì cuốn sách này nhưng không bị kết án.

Những đàn áp của chế độ đối với bà ngày càng trở nên dữ dội. Một trong những tội mà Svetlana Alexievich bị gán cho là làm việc cho CIA. Điện thoại bà bị nghe lén, bà bị cấm xuất hiện trước công chúng. Năm 2000 Alexievich rời Belarus và được mạng lưới các thành phố tị nạn quốc tế cung cấp nơi ở cho bà vài năm tại Paris. Sau đó bà được học bổng và chỗ cư trú trong đó có Stockholm và Berlin, nơi bà là khách của chương trình nghệ sĩ Berlin thuộc Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) để hoàn tất cuốn sách mới nhất. Trong năm 2011, Alexievich trở về sống ở Minsk, mặc dù thái độ đối lập với chế độ độc tài ở Belarus làm cho đời sống tự do của bà bị hạn chế.

Đau đớn và hy sinh cả nữ tính

Có lẽ ảnh hưởng bởi cách tư duy bằng hiện thực của một nhà báo, thế nên dù giành giải thưởng văn chương nhưng cuốn sách Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svetlana Alexievich lại là một tác phẩm phi hư cấu.

Trong những năm 1970, tác giả đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc. Bà ghi chép, phỏng vấn, chuyện trò với hàng ngàn phụ nữ Liên Xô cũ. Các câu chuyện kể là chất liệu ngồn ngộn giúp Svetlana viết cuốn sách.

“Tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh là do những người đàn ông kể cho chúng ta” - bà nói. Bởi vậy, bà viết một cuốn sách về chiến tranh qua góc nhìn phụ nữ. Cuốn sách là tầng tầng lớp lớp các câu chuyện đan xen nhau, không trùng lặp, câu chuyện nào cũng gây xúc động. Nhưng những câu chuyện khiến người đọc ám ảnh nhất là khi người phụ nữ đối mặt với giết chóc trong chiến tranh. Bản thân người phụ nữ sinh ra sự sống nên họ không thể tha thứ được cho hành động giết người. Có nhiều phụ nữ trở về sau chiến tranh như những người thắng cuộc, song mang nặng nỗi ám ảnh giết chóc. Họ cảm thấy căm thù, vì trong chiến tranh chính tay họ đã phải giết bao người.

Người phụ nữ tham gia chiến tranh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Họ bị cắt đi mái tóc dài. Họ không có đồ lót cho phụ nữ để dùng, họ thèm đi giày cao gót, thèm quàng một chiếc khăn màu đỏ, thèm được tắm rửa… Quân trang, vũ khí của chiến tranh đều được thiết kế cho nam giới. Sức vóc nhỏ bé của người phụ nữ phải mang cây súng vượt quá đầu, phải đi đôi giày to lớn thường xuyên gây vấp ngã của nam giới… Chân yếu tay mềm là vậy nhưng họ vẫn là những người chiến sĩ, là xạ thủ, phi công lái máy bay, y tá, cứu thương… Họ hy sinh sức khỏe, tuổi xuân, gia đình, tình cảm… và hy sinh cả nữ tính cho cuộc chiến.

Nhà văn NGUYÊN NGỌC:

“Bà đã sáng tạo nên một loại văn xuôi khác”

“Svetlana Alexievich đã tạo nên một loại văn xuôi khác, văn xuôi của lời nói. Đó là một sự khẳng định về tầm quan trọng của văn học lời nói. Một số tác phẩm của Svetlana Alexievich như War’s Unwomanly Face (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ)Voices From Chernobyl: The Oral History of a Nuclear Disaster (Tiếng nói từ Chernobyl: Lời nói lịch sử của một thảm họa hạt nhân), Zinky Boys (Những cậu bé bằng kẽm)... đều thể hiện cách nhìn mới của bà về chiến tranh, về cái ác dưới con mắt của một phụ nữ hoặc của những đứa trẻ con hay bằng văn hóa, lý tưởng của những người Nga Xô Viết. Qua đó nhà văn đã động đến những vấn đề cơ bản, sâu sắc của nhân loại.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm