Có một tấm lòng rộng mở ở làng Hòa Bình

Nhưng để viết nên những câu chuyện ấy lại là một thử thách, bởi nhân vật trong quyển hồi ký này - BS Tạ Thị Chung mà chúng tôi quen gọi thân thương là “cô Hai Chung” - kể rất ít về mình và quá khiêm nhường. Những gì chúng tôi ngưỡng mộ, khâm phục, xem là kỳ tích thì cô cho đó là chuyện bình thường, không có gì để nói nhiều.

Người phụ nữ đẹp ấy, trong lặng lẽ đã góp phần làm nên những kỳ tích cho BV Từ Dũ hai lần được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng.

Trong một góc khiêm nhường, bé nhỏ ở làng Hòa Bình - BV Từ Dũ, như con ong hút mật, cần mẫn, bà lặng lẽ gắn cuộc đời mình với các em bé nhiễm chất độc da cam... Bà lắng nghe từng tâm sự khó nói của các em, những uẩn khúc, mặc cảm. Bà hiện diện trong cái góc bé nhỏ ở làng Hòa Bình, đôi khi chỉ để nhẹ nhàng đưa ra một lời khuyên, lặng lẽ lau những giọt nước mắt, dịu dàng xoa dịu những cơn đau của các em…

Người nữ bác sĩ ở độ tuổi 81 vẫn còn gắn bó với BV Từ Dũ, cũng ở độ tuổi xưa nay hiếm ấy mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đã là một sự khẳng định thuyết phục về sự cống hiến, những ẩn số về những trang đời, những trải nghiệm quý báu, cả những thầm lặng, nước mắt, đắng cay. Viết về cuộc đời bà những tưởng dễ mà thật khó, vì bà không muốn nói nhiều về mình. Hoặc có những câu chuyện lớp con cháu muốn được hiểu sâu hơn, nghe bà kể nhiều hơn thì bà lại khiêm nhường cho qua, vì nghĩ chuyện ấy riêng tư quá, không có gì để kể. Ngay cả những năm kháng chiến gian khổ, người phụ nữ đẹp như bà thật bản lĩnh, nhẹ nhàng đi qua khiến lớp hậu thế vô cùng kinh ngạc và khâm phục…

Để đi tìm ẩn số về cuộc đời người phụ nữ đẹp như đóa sen giữa đời thường, tôi phải đi ngược về quá khứ, tìm lại những con người, kết nối những cảm nhận. Trong quá trình ấy, tôi tìm ra một điều cốt lõi thật giản dị. Xuất thân trong một gia tộc có bốn liệt sĩ, bốn anh hùng; bà không thể sống khác với những gì bà đã dấn thân trong chiến tranh và hòa bình.

Và tôi thật sự cảm động, vì những con người mà tôi được gặp, trong những thời kỳ và những cương vị công tác khác nhau đều cùng có chung cảm nhận về BS Tạ Thị Chung - người phụ nữ có tấm lòng rộng mở như tựa bài của cố Thầy thuốc Nhân dân, BS Trần Hữu Nghiệp viết về bà; người phụ nữ dệt hồ lô của lòng nhân ái như cách nói của nhà thơ Lê Giang, về một kỹ sư tâm hồn như cách gọi của BS Nguyễn Quốc Khánh, về bản lĩnh cô Hai Chung với nụ cười đôn hậu như nhận định của giới truyền thông đương đại…

Chủ biên quyển sách “Tấm lòng rộng mở - Chuyện về bác sĩ, Anh hùng Lao động, thầy thuốc Tạ Thị Chung” (*), tôi biết mình chỉ đang nỗ lực dâng tặng cho cuộc đời một giọt sương trên chiếc lá sen kỳ diệu bởi còn nhiều bí ẩn, còn rất nhiều điều gợi mở ở phía sau một con người anh hùng. Viết về người tốt quả là một thách thức, cần sự khám phá và bền bỉ tìm kiếm những vẻ đẹp lấp lánh còn ẩn mình giữa đời thường.

Làm sao tôi không rung cảm khi trong chiến tranh, cô Hai Chung đã từng thức suốt đêm cầm tăng che mưa cho sản phụ và đứa con bé bỏng mới chào đời giữa lúc bệnh viện dời cứ; trong hòa bình, cô Hai Chung lại có những đêm trắng trong nỗ lực tháo gỡ cơ chế để bệnh viện giữ y, bác sĩ ở lại, để cuộc sống của mọi người ấm no hơn, để những trẻ em bất hạnh làng Hòa Bình có được một bà nội ân tình. Để giải bài toán khó ấy, người phụ nữ ít nói về mình lặng lẽ và bền bỉ hành động. Và phải chăng đó là phẩm chất thuyết phục nhất của một người nữ anh hùng.

___________________________

(*) Sách Tấm lòng rộng mở - Chuyện về bác sĩ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung, Trầm Hương chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm