Cơm áo không đùa với người viết sách

Đó là những nhận định được các khách mời đưa ra tại tọa đàm “Người Việt viết cho người Việt” diễn ra chiều 4-10.

Tác giả Nguyễn Tuấn Quỳnh (Tổng Giám đốc - CEO của Alpha Books) đồng thời cũng là một người viết nêu thực trạng thị trường sách ở Việt Nam có giai đoạn sách dịch chiếm tới hơn 80%. “Sách văn học sách dịch là áp đảo. Sách kỹ năng, kinh tế cũng chiếm tỉ trọng lớn là sách dịch” - ông Quỳnh nói. Lý giải về nguyên nhân này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đưa ra một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người Việt không thể sống bằng sách do mình viết ra. Những người thực sự sống được bằng sách rất ít, trong đó nổi bật là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông Quỳnh nhẩm tính trung bình một người viết trong một năm viết được một cuốn sách thì số tiền bản quyền họ có được chỉ nằm trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Bên cạnh đó việc người Việt có tâm lý thích sản phẩm ngoại cũng là nguyên nhân làm cho cán cân tỉ trọng nghiêng hoàn toàn về sách dịch như vậy.

Cũng chung nhận định đó, tác giả Khánh Dương là một người vẽ truyện tranh cũng đưa ra một bức tranh thu nhập khá u ám của những người cùng lĩnh vực, dùng thuật ngữ cơm áo gạo tiền chi phối mạnh đến hoạt động sáng tác của các họa sĩ. Khánh Dương khẳng định trước đây có tới 99% tác giả không thể sống bằng truyện tranh. Để dẫn chứng thêm cho nhận định của mình, Khánh Dương kể về một trường hợp điển hình: “Đức là một người vẽ truyện tranh, cậu từng đậu thủ khoa ĐH Kiến trúc nhưng hai tháng sau đã viết đơn xin nghỉ học vì mê vẽ truyện tranh quá. Cậu ấy về nói với cha, cha cậu ấy sốc đến nỗi bỏ lên cơ quan ở, từ mặt con trai. Sau này tôi gặp cậu ấy đi bán kem, ngày bán kem, đêm vẽ truyện tranh rồi cất vào tủ” - anh Dương kể. Tuy nhiên, theo anh Dương, Đức cũng là một trường hợp điển hình vì sau đó cậu được tham gia một dự án và đã cho ra đời bộ truyệnNhóm máu Onói về tinh thần chinh phục đỉnh cao của những bạn trẻ trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Bộ truyện mà Dương tổng kết các đánh giá bằng một câu ngắn gọn: “Chưa từng có bộ truyện tranh nào mà hình ảnh, nội dung sâu sắc, nhân văn như vậy, không thua gì truyện tranh Nhật Bản”.

Buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Hội Sách và Di sản Hà Nội đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Trong không gian nóng nực của tọa đàm, nhiều bạn trẻ vẫn chăm chú lắng nghe những lời gan ruột về đời sống thu nhập của người viết. Rõ ràng chừng nào người viết vẫn phải đối mặt với cơm áo thì chừng đó họ vẫn bị áo cơm ghì sát đất. Để những người viết trong nước thực hiện được sứ mệnh uốn nắn lại nhân cách con người, thấm nhuần vào người đọc sự phê phán cái xấu và hướng theo hình tượng tốt e rằng phép màu ấy phải đến từ nhiều phía.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm