Cổng làng

Gọi là ông nhưng thực ra là chú, con thứ tám của bà nội tôi. Lớp tuổi ông thoát ly cả trăm phần trăm là đi bộ đội. Bao người mẹ trong làng như bà nội tôi đều một điểm giống nhau: tiễn con đi ở cổng làng, đón con về cũng cổng làng. Nước mắt buồn tiễn con, nước mắt buồn nhận tin con hy sinh, nước mắt buồn đón con về bị thương tật, nước mắt vui đón con về lành lặn cũng đều thấm vào cái bờ cổng làng này. Bà nội tôi kể, ông nhập ngũ khi mới 18 tuổi, sau lấy vợ rồi ở luôn quê vợ, tận trong thành phố Nam Định. Đến lượt chúng tôi, được hưởng cuộc sống hoà bình và được học trường gần làng, cổng làng là nơi tụ họp của bao lớp học sinh: đợi nhau đi học ở cổng làng, tan học lại tụ về chơi đùa trước cổng làng. Bởi trước cổng làng là khoảng sân rộng, buổi sớm, buổi chiều, người làm đồng về nghỉ ngơi, cạnh đó là ao làng – nơi chao cỏ, tắm trâu, rửa cày bừa…

Cổng làng ảnh 1

 Cổng làng thôn Nga Trại, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Cổng làng là nhân chứng của tất thảy vui buồn của người làng thôn Nga Trại. Khách quý đến nhà chơi lần đầu là chủ cứ phải ra đón ở chính cái cổng ấy. Khách về cũng vậy, cứ phải bắt tay nhau, vỗ vai khách ở cái cổng này. Em tôi vừa cưới được đôi tuần, chữ hỷ dán ở cổng làng đã bị thay bằng bảng cáo phó của một cụ già trong xóm.

Hôm về cưới em tôi, về nhìn cổng làng bị vỡ thêm một phần, ông xót. Những năm đầu 1990, khi làng có chiếc công nông đầu tiên, người ta lấy búa bổ tan vách cổng để lọt công nông đi vào. Vết thương làm cổng làng méo mó. Dăm năm lại đây, khi đất đai lên giá, luỹ tre già quanh cổng làng bị chặt trụi, ao làng bị lấp, thay vào đó là những tường gạch bao quanh. Cổng làng chìm vào những bức tường cao ngất, khuất bên những chiếc cổng nhà đủ kiểu dáng Tây, Tàu…

Theo Nguyễn Văn Bắc (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm