Hoàng Quang Thuận với những tập thơ “chấn động linh giác”

Cách đây không lâu, đang đêm, Hoàng Quang Thuận gọi điện cho tôi “khoe” rằng vừa hoàn thành tập Hoa Lư thi tập và mời tôi đến để chia vui. Hôm sau, tôi đến, với nét mặt rạng rỡ, phúc hậu, giáo sư Thuận và vợ anh - chị Thanh, một hậu duệ của hoàng tộc quyền quý đưa cho tôi xem tập bản thảo Hoa Lư thi tập với 121 bài thơ kèm theo bài viết của nhà thơ Dương Kỳ Anh, một người bạn thân thiết của gia đình anh và cũng là người chứng kiến cái đêm ứng nghiệm, chấn động linh giác của Hoàng Quang Thuận giữa vùng đất Tràng An - Bái Đính lịch sử và huyền bí.

Có thể nói, nhà thơ Hữu Thỉnh đã không quá lời khi nhận xét rằng, Hoa Lư thi tập là những phút chấn động linh giác của một nhà khoa học. Hoàng Quang Thuận là giáo sư, tiến sĩ khoa học - Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhưng mọi người còn biết đến anh như một thầy thuốc có bàn tay vàng, một “thái y” và đặc biệt là một nhà thơ của cõi tâm linh, huyền bí.

Hoàng Quang Thuận với những tập thơ “chấn động linh giác” ảnh 1

Ngày 15-9 vừa qua, GS-TS Hoàng Quang Thuận (đứng thứ ba từ trái sang), họa sĩ Trần Quốc Ân, nhiếp ảnh gia Phạm Tú đã tặng độc bản sử thi Hoa Lư thi tập cho Viện Bảo tàng Hà Nội.

Thi Vân Yên Tử gồm 143 bài thơ Thiền, phần lớn viết theo thể Đường luật. Thơ Thiền ở Việt Nam đã có từ trước thời Lý (1010) và phát triển mạnh dưới thời Trần, khi vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Nhưng có lẽ chưa có tập thơ Thiền nào viết về Yên Tử và vị Phật hoàng lừng danh đức độ trong lịch sử cổ kim của dân tộc ta lại phong phú và đậm chất Thiền như Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận.

Giáo sư Thuận kể với tôi những phút giây thăng hoa, chấn động linh giác khi anh viết Thi Vân Yên Tử và Hoa Lư thi tập. Mỗi câu chuyện là cả một sự huyền bí đến khó tin mà có thật. Giáo sư Hoàng Quang Thuận say sưa nói về sự hào sảng, thăng hoa của anh khi viết Hoa Lư thi tập.

Hôm ấy, Hoàng Quang Thuận cùng vợ chồng nhà thơ Dương Kỳ Anh vào thăm Tràng An - Bái Đính, khu du lịch tâm linh nổi tiếng, nơi cách đây hơn 1.000 năm, Đinh Bộ Lĩnh đã lập nên triều đại nhà Đinh. Hoàng Quang Thuận và Dương Kỳ Anh có cuộc tâm nguyện trước bàn thờ Phật tổ và cùng ký tên vào các tờ giấy trắng (khổ A4) để ứng nghiệm thơ Thiền. Theo họ, đó là một đêm huyền diệu, kỳ bí. Cả hai người đều thao thức, chờ đợi, nhưng đến sáng Dương Kỳ Anh chỉ “trình làng” vỏn vẹn được 4 câu thơ, còn Hoàng Quang Thuận thì có đến 121 bài thơ về vùng đất địa linh, nhân kiệt này.

Giáo sư Thuận kể, cho đến quá nửa đêm anh vẫn chưa viết được câu thơ nào. Rồi bỗng nhiên nghe thấy tiếng chim lạ vang lên từ vách núi, một luồng gió lạnh tràn vào căn phòng, thì anh bừng tỉnh và cầm bút viết. Như người mộng du, Thuận viết một mạch 121 bài thơ. Cứ như có sự mách bảo, ủy thác của tiền nhân vậy. Đến 4 giờ sáng các trang giấy có chữ ký của nhà thơ Dương Kỳ Anh đã kín chữ.

Hoàng Quang Thuận như người vừa hoàn thành một sứ mệnh nặng nề lăn ra ngủ. Hoa Lư thi tập đã ra đời như thế đấy. Những vần thơ đậm đặc chất Thiền và triết lý đạo Phật với những sự kiện và con người lịch sử cách đây hơn một thiên niên kỷ cho ta nhiều suy nghĩ về một thời oanh liệt và huyền bí của cha ông.

Hoa Lư thi tập vừa ra mắt bạn đọc đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, những người quan tâm đến văn chương, đặc biệt giới nghiên cứu về tiềm năng con người. Một số nhà xuất bản, học giả nước ngoài như Giáo sư David. G.Lanoue thuộc Trường Đại học Xavie, Lousiana (Hoa Kỳ) đang dịch Hoa Lư thi tập sang tiếng Anh để giới thiệu với bạn đọc trên toàn thế giới.

Cũng như Thi Vân Yên Tử, tập thơ Thiền nổi tiếng đã được gửi đi Thụy Điển dự giải Nobel văn học, tôi tin rằng Hoa Lư thi tập, với 121 bài thơ Thiền giàu triết lý đạo Phật của Giáo sư-tiến sĩ Hoàng Quang Thuận vừa được viết theo dạng thư pháp trên giấy giả da, gồm 270 trang, nặng 54kg, sẽ là hiện tượng được nhiều người quan tâm. Đó chính là nén tâm nhang mà Hoàng Quang Thuận cùng gia đình và những người cộng sự của anh kính dâng lên tổ tiên, nhân dịp mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Theo TRẦN NGUYÊN TRANG (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm