Lê Anh Xuân: Cuộc đời đẹp như thơ!

Trong tim bao thế hệ thanh niên, cái tên Lê Anh Xuân đã khắc sâu với bài thơ Dáng đứng Việt Nam đầy hào hùng, lãng mạn mà bi tráng như cuộc đời của ông.

Từ chối vị trí giảng viên đại học, từ chối học bổng du học nước ngoài, năm 1964, chàng thanh niên 24 tuổi Ca Lê Hiến (tức Lê Anh Xuân) tha thiết tình nguyện vào Nam tham gia chiến đấu. Là con em cán bộ Bến Tre tập kết ra Bắc năm 1954, ông mong mỏi trở về quê nhà để góp một phần công sức nhỏ nhoi cho sự nghiệp hòa bình thống nhất quê hương.

Ông Nguyễn Long Trảo - cán bộ cách mạng lão thành, anh rể nhà thơ Lê Anh Xuân bồi hồi kể, Lê Anh Xuân thư sinh, gầy gò, từ bé chỉ biết ăn học, học giỏi nên không ai muốn cho vào chiến trường. Song Lê Anh Xuân vẫn tha thiết tình nguyện vào Nam. Được chấp nhận đơn tình nguyện nhưng Lê anh Xuân cũng chỉ được bố trí dạy học trong chiến khu, rồi chuyển sang công tác văn nghệ, viết lách.

Lê Anh Xuân: Cuộc đời đẹp như thơ! ảnh 1

Cuộc chiến đầy gian khổ, cam go nhưng ông luôn mang niềm tin sâu sắc vào ngày chiến thắng: “Phải tranh thủ thời gian học Anh văn và Pháp văn. Mỗi ngày phải cố học 2 giờ Pháp văn”. Lê Anh Xuân đã rèn luyện gian khổ để trưởng thành từ chiến trường. Ông chẳng ngại việc gì, làm thơ, làm văn công, vác gạo, tải đạn hay chiến sĩ như tinh thần Paven trong Thép đã tôi thế đấy. Đi cùng lý tưởng xả thân vì quê hương đất nước, trong tim ông còn thấm đẫm một tình yêu lãng mạn, sắt son dành cho người yêu ở quê nhà với cái tên viết tắt XL suốt quyển nhật ký.

Mùa xuân năm 1968, cuộc chiến tết Mậu Thân cực kỳ ác liệt, Lê Anh Xuân xin ra trận. Bị từ chối, ông vẫn kiên trì xin bằng được với quyết tâm phải ra trận dù chỉ là một vài ngày mới có thực tế sáng tác. Nhưng rồi ngày 24-5-1968, trên đường vào mặt trận, Lê Anh Xuân đã hy sinh với quyển nhật ký bên mình. Chính nhà văn Lê Văn Thảo đã tìm ra xác đồng đội và trao trả quyển nhật ký của Lê Anh Xuân về với gia đình.

Ngày hôm nay, khi quyển nhật ký lần đầu đến với công chúng, ông Nguyễn Long Trảo thay mặt gia đình nhà thơ, xúc động nói: “Lê Anh Xuân đã sống và hy sinh bằng một lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước tha thiết. Lý tưởng, tình yêu Tổ quốc, dân tộc vẫn phải luôn được nuôi dưỡng và sống mãi ở thanh niên mỗi thời đại…”.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm