Một cuộc đời, một đế chế

Sử gia người Mỹ John Toland (1912 – 2004), trong cuốn Adolf Hitler – Chân dung một trùm phát xít, đã chọn một kênh xử lý riêng phù hợp.

Một cuộc đời, một đế chế ảnh 1
Hitler trong một bức ảnh tư liệu.

Trong một cuốn sách dày dặn về lịch sử Đức quốc xã có tựa Sự trỗi dậy và suy tàn của đế chế thứ ba (bản tiếng Việt do Diệp Minh Tâm dịch, NXB Tri Thức, 2007), nhà sử học William L. Shirer cho biết, nguồn hồ sơ tài liệu nghiên cứu từ đế chế thứ hai sang nền cộng hoà và hết thời đế chế thứ ba của Đức mà Mỹ tịch thu được sau thế chiến thứ hai có độ nặng 485 tấn! Riêng hồ sơ về thời Hitler cũng đã chiếm hàng chục tấn.

Tất cả chứa trong kho lưu trữ của quân đội Mỹ ở Alexandria, bang Virginia mà nếu năm 1955 hội Sử học Hoa Kỳ không có đề xuất sao chụp, khai thác thì chẳng ai dám bập vào.Trên cái nền tảng tài liệu của hơn 200 cuộc phỏng vấn, tiếp cận nhân chứng sống, trong đó nhiều người từng là đồng sự, thân cận của Hitler và nghiền ngẫm, phân tích hàng ngàn tài liệu chưa công bố, nhà văn, sử gia người Mỹ đã cho độc giả thấy sự khả tín chặt chẽ về khoa học bên cạnh sự hấp dẫn của kỹ thuật dẫn chuyện, phục dựng bối cảnh, tâm lý nhân vật đầy chất văn chương khi đọc suốt hàng ngàn trang, qua 31 chương sách.

Cuộc đời tư của trùm phát xít Adolf Hitler được kể lại trong cuốn sách này có nhiều điểm thú vị khiến người đọc giật mình. Được sinh ra trong gia đình gốc Áo với nhiều biến cố bất hạnh đã tạo nên một tính cách cô độc lạnh lùng và cái nhìn khá khắc nghiệt về đời sống.

Ước mơ trở thành hoạ sĩ đổ vỡ sau ba lần thi vào đại học mỹ thuật tại Vienna đều thất bại, Hitler trở thành kẻ vô gia cư kiếm tiền bằng việc bán tranh lề đường, vẽ minh hoạ cho báo kiếm sống và tệ hại hơn, có mặt trong đám người xếp hàng xin bánh mì, cháo tại khu tế bần Asyl trước khi tìm cách tham gia vào quân đội Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất. John Toland, qua câu chuyện tỉ mỉ đó, muốn chỉ ra rằng, tinh thần bài Do Thái kịch liệt về sau của Hitler được khởi phát từ những chuyện “rất cá nhân”.

Điều này hợp lý khi chính Hitler đã viết trong cuốn tự truyện cho thấy rõ nhất tiểu sử và tư tưởng của ông có tựa Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi), đại ý, chính người Do Thái là một bọn đạo diễn đầy toan tính và trơ tráo có trái tim sắt đá gây ra nạn mại dâm; thế giới mỹ thuật và âm nhạc do người Do Thái kiểm soát; báo chí của những người theo chế độ dân chủ xã hội cũng đều do người Do Thái quản lý. Những trải nghiệm cá nhân cho Hitler một suy nghĩ kỳ quặc rằng, với sự linh hoạt và văn hoá thích nghi, chủ động mạnh mẽ, chẳng bao lâu nữa, người Do Thái sẽ nắm giữ sinh mệnh nước Đức và cả châu Âu.

Chân dung một nhà độc tài được John Toland khắc hoạ sống động nhất là sự tinh tế, óc thẩm mỹ rất nhạy bén (có thể bình luận về âm nhạc Wagner, có những giây phút sống tĩnh lặng để thưởng thức một cuốn sách hay một triển lãm mỹ thuật) và nhất là sở hữu khả năng thiên phú về hùng biện, diễn thuyết, chinh phục đám đông. Nhờ tư chất đó, mà tinh thần Đức bị coi là nhún nhường sau hoà ước Versailles đã được ông hâm nóng, thổi bùng sau những bài diễn thuyết nuông chiều, kích hoạt tận cùng tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

 Hitler trong vai một quân nhân Đức thương tích đầy phẫn uất đã sớm trở thành đảng viên gây chú ý và là lãnh tụ của đảng Lao động quốc gia xã hội chủ nghĩa Đức, gọi tắt là Nazi hay Đức quốc xã (1921). Tinh thần bài Do Thái, chống ảnh hưởng chủ nghĩa Bolshevik từ Liên Xô đang lan rộng là hai thứ đã được Hitler kết hợp nhuần nhuyễn để khơi lên tinh thần tự tôn thượng đẳng của dân tộc Đức, chủng tộc ưu việt Aryan. Và ông đã thành công khi đa số thanh niên, trí thức xem ông là vị thượng đế tái sinh dành cho nước Đức, tham vọng Đức làm chủ châu Âu. Điều đáng nói, cả Vatican cũng tin điều này.

Cho đến thời mạt Đức quốc xã, vẫn còn nhiều người cho rằng những chương trình thảm sát dã man người Do Thái do đội phòng vệ SS của Đức quốc xã thực hiện ở Ba Lan là một việc làm dã man nhưng hợp lý. Tư tưởng cực đoan của Hitler đã tìm được cách đi vào đội quân thép, và xa hơn, xuyên thấu đám đông dân chúng Đức thông qua hệ thống tuyên truyền hữu hiệu.Mein Kampf, cuốn sách chứa đựng tư tưởng chính trị thôn tính của Hitler đã trở thành sách gối đầu giường của thanh niên Đức, là quà tặng chúc mừng những đôi vợ chồng mới cưới thời bấy giờ.

Sau này, cây bút nghiên cứu lịch sử người Mỹ thảng thốt khi “tính” được rằng: mỗi chữ trong cuốn Mein Kampf đáng giá 125 mạng người, mỗi trang đổi bằng 4.700 mạng người và mỗi chương của nó đổi bằng 1.200.000 mạng người.
Một cuộc đời, một đế chế ảnh 2
Adolf Hitler – Chân dung một trùm phát xít, tác giả John Toland, dịch giả: Nguyễn Hiền Thu, Nguyễn Hồng Hải, Alphabooks & NXB Công An Nhân Dân, 2012, 1048 trang, giá 399.000 đồng.
Xen vào những chương sách căng thẳng là những trang chuyện kể đời sống tình ái của Hitler. Không ít những thêu dệt cho rằng đây là nhân vật có đời sống tình dục bệnh hoạn. Song, John Toland lại khách quan khắc hoạ một chân dung thủ lĩnh Đức quốc xã hào hoa, là thần tượng của nhiều phụ nữ Đức đương thời; đến độ có nhiều phụ nữ đẹp đã xếp hàng chờ hưởng niềm vinh dự nhỏ nhoi là... một lần tắm trong phòng tắm của Hitler.

Nhưng sau con người của ý chí chính trị sắt đá, của đám đông điên cuồng là một trái tim đầy đau đớn: cái chết của Geli – cô cháu gái đồng thời là người tình trẻ là một mất mát lớn, cuộc tình với Eva Braun (người phụ nữ tự vẫn cùng ông vào trưa 30.4.1945) cũng trải qua không ít thử thách.

Cuộc nổi loạn nhà hàng bia đến việc nắm chính quyền và tổ chức những cuộc thanh trừng, từ những cuộc chiếm đóng Tiệp, Ba Lan, Bắc Âu, sự lục đục với Pháp, Anh, mối quan hệ lúc đồng minh, lúc đầy nghi hoặc với Ý và những mưu đồ với Liên Xô, những tan rã trong nội bộ đảng Quốc xã mà đỉnh cao là những âm mưu ám sát Hitler... tất cả tiến trình hoạt động chính trị của nhân vật độc tài Hitler được tái hiện sống động và đầy thuyết phục.

Bước qua sự hiếu kỳ thường thấy, độc giả sau khi đọc xong cuốn sách sẽ hiểu thêm những chuyển biến trong số phận một con người đã tạo ra những độc lực lịch sử của một dân tộc và từ đó, làm khuynh đảo lịch sử nhân loại. Điều đáng lo hơn, là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chính trị độc tài, tư duy thôn tính là những vết xe đổ của phát xít mà cho đến nay, nhiều quốc gia vẫn không muốn tránh.Đáng tiếc, bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này vẫn còn nhiều lỗi kỹ thuật.

 Bên cạnh đó, sự thiếu vắng bảng chú dẫn, phần tài liệu tham khảo và niên biểu đã làm giảm đi đáng kể giá trị của một công trình quan trọng làm nên tên tuổi của nhà văn, sử gia John Toland.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm