Nắm cơm tết trong tù

Những tia nắng ban mai đầu xuân như múa may, nhập nhòe xuyên qua mái tôn trại giam tạo nên những tia sáng thẳng tắp in bóng xuống nền nhà. Ba Trung ngồi im bất động. Mắt ông thâm quầng, đăm đăm nhìn lên trần nhà như cố tìm kiếm trong cõi vô hình nào đó hình dáng của chính mình. Một người vừa mới đây làm phó chủ tịch tỉnh oai quyền, bao nhiêu người phải khúm núm, e dè khiếp sợ trước sự đường bệ, uy nghi của ông.

Bỗng chốc hình ảnh và lời nói của vợ ông cứ vang lên trong tâm tưởng: “…Ông hy sinh nhiều cho cách mạng quá rồi còn gì, thụ hưởng chút ít lúc tuổi già có hề chi. Đấy, khối người bạn ông cũng như vậy, có sao đâu…”.

Từ bao giờ ông cũng không nhớ được, vợ ông - người đàn bà năm xưa suốt ngày trên đồng ruộng, gầy gò, đảm đang nuôi con trong những ngày ông xa nhà đi kháng chiến. Người đàn bà ấy một chữ bẻ đôi không biết. Vậy mà giờ đây bà đã quá đẫy đà trong những bộ quần áo sang trọng, thơm phức mùi nước hoa đắt tiền. Khi tiếp khách cùng ông, thỉnh thoảng lại đệm vào vài ba câu nửa Tây nửa ta: “… Quát dò nem? Khỏe hôn, hao à du, kiếm ảnh có chuyện gì?”...

Đôi lúc ông rất bực mình về lối sống lai căng của vợ nhưng riết cũng quen dần. Mà thực ra ông cũng không có thời gian để quan tâm đến chuyện ấy nữa. Đã vậy đôi lúc người vợ thức thời của ông nhắc khéo:

- Anh Hai bên tỉnh ủy mới điện nhắc vụ cho thằng con đi du học xong chưa? Chị Tư bên xuất khẩu hỏi vụ ông ký phép mấy vụ làm ăn với chỉ thế nào? À! Hôm trước kẹt tiền mua mấy mẫu đất, tôi có mượn chỉ mấy mươi cây vàng, ông liệu mà trả ơn cho người ta.

   

- Sao mấy chuyện động trời vậy, bây giờ bà mới nói với tôi?

Giọng vợ ông từ êm ái chuyển sang gắt gỏng, bực dọc hẳn lên:

- Bộ từ trước đến giờ ông tưởng đồng lương phó chủ tịch của ông nhiều lắm hả? Liệu có nuôi sống nổi gia đình này chăng? Này nghe, tiền ở đâu mà xây biệt thự này, tiền ở đâu mua mấy chục công vườn lo hậu vận lúc ông về hưu. Thậm chí bây giờ người ta có cách chức ông thì cũng chẳng sao. Tiền ở đâu để con mình du học tự túc mỗi năm vài trăm triệu đồng? Nè, đó là những đồng tiền “khôn” của tôi núp bóng sau cái ghế của ông đó, hiểu chưa?

- Bà im đi, im ngay đi.

Ông quát lớn rồi bất lực ngồi buông mình xuống chiếc ghế bành sang trọng giữa nhà trong tâm trạng giận dữ, chán chường. Bao giờ cũng vậy, cái lý lẽ thực dụng chua ngoa đanh đá ấy nhưng rất thực cũng chiến thắng được cái phần hồn trong sạch còn lại nhưng yếu đuối của ông.

Tiếng khóa phòng giam kêu lách cách. Tiếng cửa sắt kéo lê trên sàn tạo âm thanh lét két đưa ông về thực tại. Ông hướng đôi mắt vô hồn thờ thẫn nặng nề chờ đợi. Cửa mở. Ánh sáng lùa vào đột ngột làm ông chóa mắt. Sau tròng kiếng cận dày cộp, đôi mắt ông cứ nheo nheo, thỉnh thoảng tiết ra những giọt nước li ti. Trời se se lạnh. Dọc theo bờ tường trại giam hoa mai đang nở rộ. Ba Trung nhẩm tính chỉ còn hai ngày nữa là tết đến. Cái tết đầu tiên trong cuộc đời ông trở thành phạm nhân và ăn tết trong trại giam. Cái điều ghê gớm mà ông mường tượng lo lắng hằng ngày đã đến như một quy luật thiên nhiên sòng phẳng của cuộc đời.

- Bác chuẩn bị ra ngoài gặp người thân.

Tiếng người quản giáo nhỏ nhẹ nhưng đối với ông lúc sao nghe chua xót nặng nề hơn bao giờ hết. Ông uể oải lê đôi chân rã rời theo gót người quản giáo trẻ trạc tuổi con ông. Bỗng người ấy tiến đến gần ông rồi nhanh nhẹn cài lại cái khuy áo mà ông vô tình cài lệch làm ông trở nên xốc xếch, lôi thôi. Ông đã quá vô tâm trong những ngày nửa tỉnh nửa mê muộn màng, cay đắng. Giọng ông đặc quánh bởi những giọt nước bọt nhạt nhẽo, đắng nghét.

Dưới bóng mát những hàng dương xanh rờn, nhà thăm nuôi ngày tết chật kín người đi lại. Tết mà, ai chẳng muốn đến thăm người thân trong lúc cô đơn nhất cuộc đời. Đau nhất là không được thắp hương trước bàn thờ tổ tiên ông bà, được nghe con cháu chúc phúc, tài, bổng lộc, làm ăn tấn tới, sức khỏe dồi dào. Ông đưa mắt tìm kiếm người thân trong nỗi cô đơn, chán chường, tuyệt vọng.

- Bác chờ một chút, mẹ cháu đến thăm bác đấy. Hôm nay 28 tết rồi.

Nói xong người công an trẻ quản giáo khi nãy vội vã bước nhanh. Ông chợt rùng mình khi nghĩ đến một điều kinh khiếp nhất. Ông quỵ dần xuống, hai mắt mở trừng trừng rồi lẩm bẩm một mình như người mộng du.

Trời ơi! Đôi mắt đó, đôi mắt của Năm Long. Người đồng đội từng chiến đấu năm xưa và đã hy sinh bảo vệ ông trong lửa đạn quân thù.

Hèn gì, khi bất chợt nhìn thấy khuôn mặt, đôi mắt, vóc dáng người công an đó, ông chợt nhận ra mình đã gặp ở đâu trong cuộc đời. Bây giờ thì ông đã hiểu ra. Nỗi ân hận càng đua nhau cười cợt ông, dè bỉu ông, đay nghiến ông đau đớn khôn cùng. Trong thời bình ông đã quá quen thuộc với việc xa hoa hưởng thụ ăn chơi trác táng. Ông đã thực sự lãng quên quá khứ, lãng quên đồng đội, kể cả những người đã vì ông ra đi vĩnh viễn. Ông mụ mẫm, bần thần, mắt nhắm nghiền mê sảng.

Đến khi cảm nhận được có đôi tay ai đang tì trên vai, ông mới chợt tỉnh.

- Chú Ba cố sức giữ gìn sức khỏe nghe, tóc bạc nhiều rồi đó. Chú ăn đi, tôi có đem cho chú món cơm nếp trộn muối mè nè, cái món mà khi ông nhà tôi còn sống, ổng nói chú với ổng mê dữ lắm, vậy mà… Phải chi ổng còn sống…

Ông xoay người nhìn thẳng vào đôi mắt của người đàn bà đối diện. Bà Năm Long da đen đúa nhăn nhúm, tóc bạc phơ phơ, đôi tay khô đét nổi lên những cọng gân xanh đang nhảy bần bật. Đôi tay ấy đang loay hoay vắt chặt nắm cơm nếp cho ông ăn trong ngày 28 tết. Bất giác nước mắt ông tuôn chảy. Nước mắt của một người vừa mới hôm qua thôi còn chễm chệ ở chiếc ghế phó chủ tịch tỉnh. Nước mắt cứ chảy dài làm nhòe dần đôi tròng kính mờ mờ.

- Chị Năm ơi! Tôi có lỗi với chị, với anh Năm, với bạn bè nhiều quá. Tôi không xứng đáng với sự hy sinh của ảnh. Tôi hối hận quá.

Cái quá khứ cay độc vô tư xộc vào tim ông. Năm trước đây, chính người đàn bà này đã đến tìm ông nơi công sở. Đứng trên ban công trụ sở ủy ban tỉnh, từ xa ông đã nhận ra hình dáng quê mùa thô kệch của bà Năm Long. Một lát sau, người bảo vệ vào trình:

 -Thưa chú, có một bác nông dân xin gặp chú.

Biết người ấy là bà, ông xẵng giọng nói với bảo vệ cơ quan:

- Chú ra nói với bà già tìm tôi là tôi mắc tiếp khách nước ngoài, không tiếp ai.

- Nhưng… thưa chú, bác ấy cố năn nỉ xin gặp chú dù chỉ ít phút thôi ạ.

- Đã nói không là không, đừng nói vớ vẩn nữa.

Khi ông bước xuống lầu, bước lên chiếc xe hơi bóng loáng trị giá gần 1 tỉ đồng thì người bảo vệ tiến lại nói:

- Dạ, bác ấy gửi cho chú mấy nắm cơm nếp muối mè và mời chú tranh thủ về ăn cơm nhân ngày giỗ bác trai.

- Không ai rảnh để đi. Còn nắm cơm muối mè thì quăng vào sọt rác cho gọn, tôi đi đây.

Chiếc xe vội vàng phóng vút đi, để lại đằng sau những vệt khói trắng mờ lan tỏa. Ông thoáng thấy bên đường, bà Năm Long đội chiếc nón lá cũ mèm vàng úa đang cúi gằm mặt xuống, bước đi chậm rãi nặng nề.

Giờ đây nghe tin ông lâm cảnh tù đày vì tham ô, hối lộ, biến chất, người đàn bà quê mùa ấy lại tất tả đến thăm. Người mà năm xưa ông không dành cho một phút giây gặp mặt, nay lại đến với ông bằng những nắm cơm nếp nghĩa tình, bằng trái tim nhân hậu của người phụ nữ.

- Thằng Dũng con tôi kể hết chuyện chú cho tôi nghe rồi. Cố gắng làm lại cuộc đời. Cách mạng luôn khoan hồng cho những ai biết nhận ra lầm lỡ mà chú.

Hết giờ thăm nuôi. Cánh cửa sắt trại giam khép lại. Ánh sáng đã rời xa ông, giờ chỉ chia sớt những giọt sáng nhỏ nhoi, yếu ớt. Yếu ớt như chính cuộc đời ông.

Chưa lúc nào ông cảm thấy thèm thuồng đâu đến cháy lòng cái cảm giác được đón tết ngày xuân, được ăn lại nắm cơm muối mè của người đàn bà lam lũ quê mùa nhưng thánh thiện đến dường nào.

Truyện ngắn của TÔ PHỤC HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm