Người đàn bà Phạm Tiến Duật tặng thơ

Bấy giờ ở miền Bắc đang có chiến phá hoại, trai tài, gái sắc còn bận sản xuất và đánh giặc, chưa ai nghĩ tới việc thi hoa hậu rầm rộ như bây giờ. Nhưng chọn hoa khôi, phong cho nhau là hoa khôi ở lớp, ở trường, ở nhà máy, xí nghiệp, ở đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong thì đã có. Cô học viên Hoàng Kim Mai là hoa khôi của trường Đại học Quân y. Để nhớ kỷ niệm vui vui do bạn bè phong tặng, Mai rủ cả nhóm bạn gái đi bát phố  ăn kem Bốn Mùa trong sáng chủ nhật, rồi ghé hiệu ảnh Quốc tế nổi tiếng ở phố Tràng Thi, chụp ảnh. Ngay sau buổi sáng đi chụp ảnh, trường sơ tán về vùng trung du, thế là cả nhóm các cô không ai có dịp quay trở lại lấy những tấm ảnh đã có giấy hẹn. Riêng với Mai phải chờ gần ba  mươi năm, đến tận những năm tám mươi ra thăm Hà Nội, ngang qua hiệu ảnh Quốc Tế bất chợt thấy ảnh bà chụp ngày nào được phóng to, đặt trong khung kính, treo trước cửa. Gần ba mươi năm, cô Mai hoa khôi vẫn ngồi cười bên bờ hồ Hoàn Kiếm còn bác sĩ Mai, rồi nữ chiến sĩ tình báo Mai thì đi suốt cuộc chiến tranh với bao vui buồn, tóc đã pha sương…

Bà kể, sau khóa học, từ nơi sơ tán, như nhiều đồng môn, Mai phụ trách tổ sơ cứu ở trận địa phòng không bảo vệ Hà Nội. Một lần, tổ cứu thương chạy lên một trận địa còn mù mịt khói bom để cấp cứu anh chiến sĩ bị bom dập nát một bên chân. Đừng cắt chân để tôi còn về quê đi làm nuôi mẹ…Anh chiến sĩ khẩn khoản nói với bác sĩ Mai. Nhưng nếu không cắt bỏ một bên chân dập nát, khó có thể cứu sống được anh. Bác sĩ Mai ôm lấy anh chiến sĩ như ôm đứa em để cho các bác sĩ tổ cứu thương cắt bỏ bên chân không còn kả năng hồi phục. Băng bó xong vết thương, nằm trên cáng, anh chiến sĩ khẽ khàng đặt tay lên túi áo ngực, nói với bác sĩ Mai, nhờ chuyển về cho mẹ anh những giấy tờ trong túi áo. Trong đó là cái ví mỏng có vài tấm ảnh, lá thư và ít tiền tiết kiệm. Mai hứa sẽ thực hiện ý nguyện của anh chiến sĩ. Nhưng, ngay sau đó đột xuất nhận nhiệm vụ đặc biệt  vào mặt trận gấp, nên bà  đành phải chuyển kỷ vật của anh chiến sĩ cho bộ phận chính sách của đơn vị . Mãi cho tới ngày hòa bình, gặp lại vài người bạn cùng tổ cứu thương thuở nào, biết tin anh chiến sĩ bị hi sinh, bà cứ ân hận vì  đã không làm trọn lới hứa với anh. Bà nhiều lần thăm hỏi dò tìm manh mối gia đình anh chiến sĩ nọ, nhưng đều tuyệt vọng. Từ đó ngày một, hôm rằm và giỗ tết bà có nén tâm hương cho người chiến sĩ chưa kịp nhớ tên.

Sau khi nhận nhiệm vụ làm đặc tình hoạt động trong lòng địch, bà nhớ lại, bà vượt Trường Sơn, lặng lẽ trở về quê hương Thủ Dầu Một  để  từ đây ra Sài Gòn trong vai cô gái tìm đến bệnh viện chữa bệnh. Luôn có nụ cười thân thiện trên gương mặt khả ái, lại được tổ chức trong nội thành  bí mật tạo các bình phong che chắn, giúp đỡ nên chỉ ít ngày sống trong thành phố, Mai nhanh chóng tạo các mối quan hệ với nhiều tướng lĩnh ngụy, lọt vào làm việc trong một cơ quan cơ mật của quân đội ngụy Sài Gòn, trở thành người thân trong gia đình tướng Nguyễn Hữu Có. Hoạt động tình báo trong lòng địch, bà cẩn trọng đến từng cử chỉ, lời nói,  nhưng bà vẫn có một lần sơ sẩy, ấy là trong một bữa tiệc có nhiều tướng lĩnh ngụy, khi dùng chuối sau bữa ăn, bà vô tình bẻ làm đôi, theo cách ăn  của người miền Bắc. Bị mật vụ của địch ngầm “để mắt” sau lần sơ ý đó, nhưng do bình tĩnh, từng trải và khéo léo bà đã bước qua  được cả mạng lưới tình báo nhà nghề của Mỹ Ngụy giăng mắc khắp nơi để hoạt động cho đến ngày Sài Gòn giải phóng, cung cấp nhiều tin tình báo có giá trị cho cách mạng.

Tôi gặp bà ở Vũng Tầu, trong một quán cà phê nhỏ, khá yên tĩnh nhìn ra biển. Bà nói rằng bà quen ngồi một mình ở đây đã nhiều năm, kể từ ngày được kết thúc công việc của một đặc tình, trở lại là bác sĩ quân y với quân hàm trung tá, nhưng đặc cách cho nghỉ dưỡng tại thành phố ven biển yên tĩnh này. Thời chiến tranh, bà sống một mình trong lòng địch để hoạt động tình báo. Bây giờ, ngày hòa bình, bà cũng lại sống một mình với những kỷ niệm của quá khứ, hạn chế những cuộc tiếp xúc và chia sẻ. Vì thế, dăm năm trước nhà thơ Phạm Tiến Duật là một trong những người khách hiếm hoi uống cà phê cùng bà ở cái quán nhỏ này. Ý định cuộc gặp, nhà thơ bày tỏ với bà là viết một bài báo nhỏ về nữ đặc tình  cho tờ tạp chí Diễn đàn Văn nghệ do anh làm Tổng biên tập. Nhưng, lần gặp thứ nhất, rồi lần gặp thứ hai,  đến lần gặp thứ ba thay vì viết bài báo, Phạm Tiến Duật làm bài thơ Em giấu em tới tận bao giờ  tặng chị.

      Bây giờ đất nước đã yên hàn,

      Cô điệp báo viên nhỏ bé ngày nào

      Qua giông bão chiến tranh

       ….

       Giữa thành phố lao xao,em vẫn sống dịu hiền

      Khuất trong sự dịu hiền bè bạn

      Anh trân trọng bông hoa khuất trong ngày trong tháng

      Em tự giấu em đến tận bao giờ ?

Tôi nhận bài thơ bà Mai đã giữ riêng cho mình suốt mấy năm nay. Thơ cho một người tri kỷ đâu có nhiều trong bận rộn hôm nay… 

Em giấu em tới tận bao giờ

Phạm Tiến Duật                      

Tặng H.K.Mai

    Bây giờ đất nước đã yên hàn

    Cô điệp báo viên nhỏ bé ngày nào

    Qua giông bão chiến tranh

    Vết thương trên đầu còn đó

    Dù mái tóc đen dài bỡ ngỡ

    Sao vẫn sống lặng thinh những tháng cùng ngày

    Thuở chiến tranh em đi khuất trong lá trong cây

     Da em trắng khuất trong màu áo lính

     Em giấu em bằng cái bằng cử nhân đi chữa bệnh

     Băng qua lửa, qua khói để vào Nam

     Cười nói bên kẻ thù ai thấy hết gian nan

     Ăn quả chuối không bẻ đốiowj lộ người gốc Bắc

     Em giấu em cả tiếng nói hàng ngày

     Đồng đội hi sinh , giấu cả dòng nước mắt

     Bây giờ đất nước đã yên hàn

     Bao dồn nén một thời sao còn dồn nén mãi

     Em hãy kể về em, kể về đồng đội

     Kể bằng lời, kể bằng chữ, kể đi em

    Giữa thành phố lao xao em vẫn sống dịu hiền

    Khuất trong sự dịu hiền bè bạn

    Anh tôn trọng bông hoa khuất trong ngày trong tháng

    Em tự giấu em tới tận bao giờ ?

 Theo Hà Đình Cẩn (hoinhavanvietnam.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm