Nhà văn Lê Văn Thảo đã lên núi thả mây

Khi hay tin nhà văn Lê Văn Thảo qua đời, rất nhiều nhà văn, bạn bè ông và cả độc giả đã ghi những dòng tưởng nhớ ông: “Thương tiếc một nhà văn hiền”, “Một người tử tế”, “Văn học lại mất đi một nhà văn mang đậm chất Nam Bộ”…Nhà văn Nam Bộ thì hẳn rồi nhưng tại sao Lê Văn Thảo lại luôn được mọi người xung quanh ông quý mến, bảo rằng ông hiền lành, tử tế…

Viết thật, sống thật

Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, trong khai sinh ghi ông sinh tại Thủ Thừa, Long An nhưng thực sự ông sinh năm 1939, tại Thị Nghè, Sài Gòn. Đạo diễn Lê Văn Duy, em ruột nhà văn Lê Văn Thảo, kể: “Anh em chúng tôi họ Dương, cha là Dương Văn Diêu, một trí thức từng làm thư ký phủ toàn quyền lúc bấy giờ và là bạn học chung trường với GS Trần Văn Khê, ông Huỳnh Văn Tiễng…

Cha tôi bỏ Pháp theo Việt Minh nên mẹ tôi đem các con về Long An, quê nội, rồi về Long Xuyên, An Giang, quê ngoại để chúng tôi ăn học ở đó cho đến hết THPT. Chỉ khi học ĐH, tôi với anh Thảo mới trở lại Sài Gòn. Học xong chúng tôi vô chiến khu tại Đồng Tháp Mười công tác ở Tiểu ban văn nghệ Trung ương Cục miền Nam luôn. Còn cha tôi thì tập kết ra Bắc và làm hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam. Vì là gia đình kháng chiến nên chúng tôi phải lấy tên giả theo yêu cầu của tổ chức. Chúng tôi lấy họ mẹ là họ Lê, lấy quê mẹ Long An làm thế vì khai sinh và sống với tên này từ đó. Viết văn, viết báo thì anh rất thật ở tư cách một nhà báo chiến trường, một nhà văn ghi nhận cuộc sống”.

Những người cùng thời cho biết Lê Văn Thảo đi chiến trường rất nhiều và tham gia rất nhiều trận đánh lớn. Ông có mặt ở trận Đồng Xoài, Bình Giã và ba đợt tổng tấn công năm Mậu Thân 1968. Vì thế, Lê Văn Thảo nổi lên trong làng văn - báo cách mạng những năm giữa thập niên 1960-1970 với những bút ký sống động, chân thât, giàu cảm xúc và là nhà văn chiến khu nổi bật sau Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng với tập truyện - ký sự Ngoài mặt trận, Từ thế cao, Đêm Tháp Mười…

Nhà văn Lê Văn Thảo và những bìa sách ghi dấu ấn của ông. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Trong khói lửa chiến trường, Lê Văn Thảo chính là người tận tay tìm ra thi thể và chôn cất đồng đội là nhà thơ Lê Anh Xuân…

Riêng với văn chương, lúc sinh thời Lê Văn Thảo nói: “Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gạn lọc, không đứng ngoài, đứng trên sự thật thì tác phẩm mới hay và thuyết phục được bạn đọc”.

Một người yêu mến tuổi trẻ

Nhớ về ông, nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ: “Là lãnh đạo nhưng nhà văn Lê Văn Thảo rất gần gũi với mọi người, không có vẻ gì là quan cách. Ông đặc biệt rất quan tâm đến những nhà văn trẻ, sẵn sàng tạo điều kiện cho họ phát triển. Ông hay dẫn những nhà văn trẻ như tôi nhiều năm trước đây đi theo ông tham gia các trại sáng tác mà không câu nệ người trẻ ấy có là hội viên Hội Nhà văn hay chưa như kiểu xét nét, nguyên tắc của nhiều người khác. Cứ thấy ai có khả năng là ông quan tâm”.

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nói: “Nhà văn Lê Văn Thảo là một người trí thức sống chân thật, khiêm tốn, hòa nhã với mọi người. Ông là một trong những nhà văn chịu đọc nhất, mà lại còn đọc tác phẩm của những đồng nghiệp trẻ nên hiểu biết nhiều về đồng nghiệp mình. Không phải nhà văn nào, đặc biệt lại là lãnh đạo, cũng chịu đọc nhiều như vậy. Ông còn là một người lao động văn chương rất miệt mài, kể cả lúc về hưu, lúc đau ốm vẫn viết. Ông là một trụ cột có công lớn góp phần xây dựng và phát triển Hội Nhà văn TP.HCM. Ông sống lạc quan, phúc hậu đến cuối đời, là một nhân cách lớn và là một nhà văn tạo dấu ấn trong văn học cách mạng từ thập niên 1970 đến nay”.

Nhà văn Lê Văn Thảo nguyên là phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ TP.HCM, chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được tặng thưởng huy chương Quyết thắng và huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông được trao tặng các giải thưởng: Giải A tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2006, giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2007, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Con đường xuyên rừng, Tuyển tập truyện ngắn. Các tác phẩm tiểu biểu của ông gồm: Đêm Tháp Mười (1972), Ông cá hô (1995), Một ngày và một đời (1997), Con mèo (1999), Cơn giông (2002), Truyện ngắn chọn lọc (2003)…

Trong đó, tác phẩm Ông cá hô đã được đạo diễn Trần Mỹ Hà dựng thành phim cùng tên với sự diễn xuất ghi dấu ấn của diễn viên Lê Vũ Cầu.

Lễ truy điệu nhà văn diễn ra lúc 6 giờ ngày 23-10 tại tư gia 162 Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TP.HCM, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.

_________________________________

Tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo có ba yếu tố là cái lạ, cái nhạt và cái thật. Nhưng qua cách kể chuyện của ông, mọi yếu tố lại biến đổi. Cái lạ mà nếu không phải là tưởng tượng thì cũng phải khó lắm mới gặp trong cuộc đời nhưng ông kể chuyện lạ đó bằng một giọng văn đều đều, không ngạc nhiên, thành ra người đọc cảm tưởng cuộc đời vốn là vậy. Cái nhạt trở thành chủ thể trong sáng tác của ông nhưng viết về cái nhạt mà văn lại không nhạt. Khi chuyện kể hết, cái nhạt lại biến thành một nỗi buồn sâu thẳm thấm vào người đọc. Và điều khiến cả cái lạ, cái nhạt lại gây xúc động với người đọc là cái thật.

TS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG, nhà phê bình văn học

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.