Những trang viết, đạo đức và văn hóa

Ông lôi tên tuổi những người vợ cũ, tình cũ với chuyện phòng the, chuyện phá thai… ra kể cho thiên hạ biết cái số đào hoa nhưng lận đận của mình. Có người cho rằng khi kể lể chuyện tình với những phụ nữ đã đi qua đời mình mà nay nhiều người đã có gia đình mới, hạnh phúc bên chồng con là điều thiếu đạo đức, bởi những tiết lộ của ông ta có thể làm rạn nứt, thậm chí đổ vỡ hạnh phúc bao gia đình.

Không phải người nào cũng có diễm phúc như nữ nghệ sĩ Diễm My, người tình một thuở của Thương Tín, được chồng mua vé máy bay bay ra Hà Nội dự buổi ra mắt sách trong đó có chương kể chuyện tình của hai người! Còn bao người trong 12 phụ nữ đi qua đời người đàn ông nổi tiếng đào hoa này hiện có gia đình hạnh phúc sẽ bị ảnh hưởng ra sao, có ai hiểu thấu nỗi khổ của những phụ nữ ấy khi tên tuổi và những chuyện thầm kín ngày xưa giờ bị phơi bày trần trụi trên những trang viết?

Chuyện viết hồi ký, tự truyện là bình thường của những người nổi tiếng. Những hồi ký, tự truyện nghiêm túc làm phong phú nguồn tư liệu cho những người đi sau muốn tham khảo, nghiên cứu về mảng đề tài chuyên môn của người viết. Đọc hồi ký những nhà văn hóa lớn như Đào Duy Anh(Nhớ nghĩ chiều hôm), Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký Trần Văn Khê... người đọc học được từ đó rất nhiều điều. Ngay cả hồi ký của nghệ sĩ Thành Lộc mới đây cũng rất được nhiều người trong giới và khán giả yêu thích anh trân trọng. Thành Lộc chủ yếu nói đến chuyện nghề và dành sự quý trọng đối với đồng nghiệp. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc sinh thời từng nói ông không bao giờ viết hồi ký, mặc dù cuộc đời hơn tám mươi năm, trong đó có hơn nửa thế kỷ lăn lộn trên trường văn trận bút không thiếu những chuyện đáng ghi lại cho lớp hậu sinh chiêm nghiệm. Có lẽ ông có lý do riêng tế nhị cũng như sự tự trọng cần thiết để không viết những điều mà nếu viết ra có thể sẽ làm người khác tổn thương hoặc khó chịu.

Nhân nhắc tới hồi ký Thương Tín, tôi lại nghĩ đến một diễn viên gạo cội khác là Nguyễn Chánh Tín, người đóng vai chính Nguyễn Thành Luân trong bộ phimVán bài lật ngửa - một bộ phim nổi tiếng thập niên 1980 cùng với Thương Tín. Vài năm trước Chánh Tín cũng bị nhiều người vốn là fan hâm mộ anh ném đá cũng vì chuyện nợ nần do làm phim thua lỗ, bị ngân hàng xiết nhà, Nguyễn Chánh Tín đã xử sự thiếu khôn khéo khi la toáng lên trên truyền thông khiến nhiều người bực mình phán rằng anh “ăn mày dĩ vãng”. Sau đó có lẽ Chánh Tín hiểu ra, anh lặng lẽ đi thuê nhà ở, đi đóng phim trở lại, coi như “làm lại cuộc đời” khi xế chiều.

Nhân nhắc tới bộ phim Ván bài lật ngửa, chợt nhói đau nhớ tới diễn viên Thành Lũy. Ông vừa qua đời vì căn bệnh xơ gan cổ trướng tại Long Thành, Đồng Nai sáng 14-1, thọ 66 tuổi. Những ngày cuối đời, Thành Lũy cùng con gái sống nhờ trên căn gác xép của một người bạn thân. Người con gái lo chăm sóc ông suốt thời gian ông đau ốm sau khi ông ly hôn với vợ hơn mười năm trước. Ít người biết hoặc nhớ Thành Lũy có lẽ là diễn viên Việt Nam duy nhất đóng ba vai trong cùng một bộ phim. Trong bộ phim Ván bài lật ngửa, Thành Lũy đóng vai gián điệp Mạch Điền trong tập 1; vai trung tá Hoàng Đình Duyệt trong tập 4 và vai tỉnh trưởng Thừa Thiên trong tập 7. Xin vĩnh biệt Thành Lũy, một diễn viên tài hoa bất hạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm