Nợ văn chương

Nhiều nhà văn, nhà thơ cao tuổi tham dự buổi tọa đàm đã ngậm ngùi nhắc lại những tác giả tên tuổi gắn liền với Hà Nội thời kỳ đó, tất cả đã ra người thiên cổ: Thi sĩ tài hoa Vũ Hoàng Chương với những vần thơ hào sảng thời kỳ đầu cách mạng: “Cờ đỏ sao vàng - hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe ra năm cửa ô…”; nhà văn Vũ Bằng với Miếng ngon Hà Nội; nhạc sĩ Hoàng Dương với ca khúc bất hủHướng về Hà Nội… Mặc dù năm 1954, một số văn nghệ sĩ Hà Nội di cư vào Nam nhưng trong số họ cũng có nhiều người ray rứt, nhớ về Hà Nội khôn nguôi. Như trường hợp Vũ Bằng vớiThương nhớ mười hai, tập tản văn tuyệt hay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu: “Riêng với văn học, có một đoạn văn học sử vẫn bị bỏ quên. Chúng ta cần chiêu tuyết đối với cả một phong trào, một đội ngũ. Chúng ta cần có cái nhìn mới, cần trả lại vị trí, đóng góp cho không gian văn học này…”. Nhà văn Thái Kế Toại nhận định: “Đây là một điểm khuyết lớn, điểm mờ tối, khoảng trống đương nhiên xuất phát từ định kiến về chính trị của một giai đoạn lịch sử nên đã bỏ đi một di sản văn hóa-văn học dân tộc”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết dự kiến trong năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ cho ra mắt tuyển tập hoặc toàn tập tác phẩm văn học giai đoạn này.

Tôi bỗng chạnh lòng nghĩ đến trường hợp tương tự của “văn học đô thị” (để phân biệt với văn học vùng giải phóng) miền Nam thời 1954-1975. Không ít tác phẩm giá trị đã bị lãng quên hơn 40 năm qua, do những định kiến về chính trị trong giai đoạn đất nước còn chia cắt. Đó là sự lãng quên một di sản văn học đáng kể của dân tộc. Nhất là những tác phẩm giá trị, nhân văn nhưng vì lý lịch tác giả “có vấn đề” nên những đứa con tinh thần của họ cũng lận đận theo, như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu… Kể cả nhiều tác giả “trung dung” có những tác phẩm đặc sắc nhưng cũng vì định kiến mà không được tái bản. Có thể kể nhà văn hàng đầu miền Nam là Bình Nguyên Lộc, một ông vua truyện ngắn đặc chất Nam Bộ hoặc trường hợp nhà văn Nhật Tiến, giải văn chương toàn quốc (miền Nam) năm 1962 với tác phẩmThềm hoang (trước tôi viết nhầm là Chim hót trong lồng xuất bản sau đó vài năm). Đó là những tác phẩm giá trị mang đậm tính nhân văn…

Mặc dù trước đây có một số công trình nghiên cứu, phân loại “tác phẩm, tác giả đô thị miền Nam thời tạm chiếm” nhưng khá sơ sài và thiếu khách quan. Đúng ra sau thời kỳ đổi mới kinh tế-xã hội, đổi mới tư duy từ 30 năm trước thì văn học đã có cái nhìn thoáng hơn. Nhưng không, vẫn có những cái nhìn soi mói, dùng kính lúp và có khi cả kính hiển vi để soi tìm những tì vết của các tác phẩm liên quan tới lý lịch tác giả! Thật ra có tác giả tuy có tham gia vào bộ máy chính quyền hay quân đội Sài Gòn nhưng tác phẩm họ có khi đi ngược lại luận điểm chống cộng của chính quyền, kể cả thiên tả một cách lộ liễu, mà nhiều khi các tác giả phải nhận lãnh những hậu quả xấu.

Để không tái diễn sự dằn vặt của “món nợ văn chương” như cuộc tọa đàm nêu trên, Hội Nhà văn Việt Nam nên đề xuất lập một hội đồng thẩm định quốc gia về văn học nghệ thuật đô thị miền Nam thời 1954-1975, thẩm định lại toàn bộ tác phẩm của các nhà văn được cho là “có vấn đề”, tác phẩm nào cấm vì chưa phù hợp xuất bản lúc này thì thông báo “cấm tái bản” một cách công khai, minh bạch. Toàn bộ tác phẩm không bị cấm thì cho phép tái bản - giống như trong đời sống kinh tế-xã hội, cái gì luật pháp không cấm thì được làm, được kinh doanh chứ không thể để tình trạng cơ quan này cho, còn cơ quan kia thì cấm, hoặc sếp này ký cho xuất bản nhưng sếp khác lên lại cấm và ra lệnh thu hồi như đã từng xảy ra trước đây với tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu (vừa mất tháng rồi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm