Sách "Danh nhân và thời đại": Bịa đặt và xúc phạm

Chúng tôi chỉ xin trích dẫn ra một số sai phạm quá ngô nghê nhưng rất nghiêm trọng.

 Sách "Danh nhân và thời đại": Bịa đặt và xúc phạm ảnh 1

Ở trang 9, về cuộc đối đáp của sứ thần Lê Quang Định (1759 - 1813) với vua Càn Long nhà Thanh, khi dẫn đầu sứ đoàn sang Trung Quốc cầu phong năm 1802, sách viết: "Vừa nghe vua Thanh nói, Lê Quang Định vừa nhớ ngay đến đến một bài học thuộc lòng: "Đáng khen Trần Bình Trọng/ Dòng dõi Lê Đại Hành/ Đánh giặc dư tài mạnh/ Thờ vua một tiết trinh/ Bắc vương sống mà nhục/ Nam quỷ thác cũng vinh…" do chính người cha kính yêu của ông đã từng đọc cho ông tập viết khi ông mới bắt đầu lóng ngóng cầm cây bút trên tay".

Thật ra, bài thơ đó là của Phan Kế Bính (1875 - 1921) sáng tác đầu thế kỷ XX. Bất chấp, hai tác giả lại sách vẫn cho người của thế kỷ XVIII - XIX "học thuộc lòng". Đi trước thời gian quá lâu nên phần trích dẫn chứa không ít điểm sai sót, âu cũng không là sự lạ.

Dành khá nhiều trang viết về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, hai tác giả lại pha vào những đoạn theo kiểu sáng tác văn học với sự hư cấu bịa đặt, trình bày đầy xúc phạm. Trang 20 có đoạn: "Khi Phan Thanh Giản dâng ba thành cho Pháp xong, Pháp có mời vị Lược sư quân sự này sang Tây chơi…Trong chuyến đi này Pháp đã cho Giản tha hồ tự do ăn chơi vô tội vạ, để đến khi về nước dù chẳng có ai hỏi chắc chắn Giản cũng xưng, cũng cứ thèm chảy dãi". Sự thật, Phan Thanh Giản cầm đầu phái bộ sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh Đông Nam Kỳ vào năm 1863, làm gì có chuyện Pháp mời Phan Thanh Giản sang Paris để ăn chơi (!).

Trang 24, tác giả còn hư cấu sau khi đi sứ nước Pháp về, Phan đã kể cho vua nghe chuyện "đèn lồng treo ngược" (bóng đèn điện). Vua không tin quát tháo và bắt ông làm chiếc đèn như thế. Phan hoảng hốt đi khắp nơi nhưng không tìm được, lo sợ bị vua xử tội đã tự tử. Sau đó hư cấu thêm: "Nhưng may thay chính lúc ấy là lúc Lược sư quân vụ gặp ngay chú bé đi bắt ếch đêm. Thấy vậy chú bé liền nhảy ngay xuống sông sâu cứu được người tự vẫn". Lố bịch hơn: "Tay cậu bé lôi ngay ra một cái đèn pin tự tạo mà chính tay cậu đã làm vẫn thường để đi bắt ếch, bật qua, bật lại, tắt lại, bật qua luôn mấy cái làm cho vị tiến sĩ Lược sư quân vụ thấy thế nhảy bổ lại định giật lấy xem và không quên reo lên:

- Đúng rồi! Đúng rồi! Nó là cái đèn treo ngược, cái đèn treo ngược, cái đèn giữ mạng sống cho ta. Ta mua, cho ta mua một quan chứ năm quan ta cũng mua, mua ngay".

Quả là bậy bạ hết chỗ nói, không còn gì để bình luận.

Về nhân vật Phan Đình Phùng, ở trang 177, tác giả viết: "…tìm mãi chúng mới thấy phần mộ của thủ lĩnh Phan Đình Phùng vì ông đã băng hà do tuổi già sức yếu, thọ đúng 70 xuân, trên một tấm bia chôn chìm dưới đất, có dòng chữ: Phan Đình Phùng bất tử". Phan Đình Phùng sinh năm 1847, mất vì bệnh (có sách viết là cụ Phan qua đời vì bị thương nặng) năm 1895 ở chiến khu Vụ Quang (Hà Tĩnh), hưởng dương 49 tuổi. Từ "băng hà" chỉ dùng để chỉ sự qua đời của vua đã được tác giả sách sử dụng rất tùy tiện. Sau khi cụ Phan qua đời, tên Việt gian Nguyễn Thân dẫn quân vào căn cứ nghĩa quân, cho khai quật mộ cụ lên nhưng tấm bia thì chẳng thấy tài liệu nào nhắc đến cả. Chắc chỉ có trong trí tưởng tượng của tác giả mà thôi.

Sự ấu trĩ ngô nghê tiếp tục lặp lại ở trang 181: "Vương nghĩa là vua, vua đồng nghĩa với vương. Cần vương nghĩa là cả nước đang cần có một ông vua… Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta luôn luôn nổ ra các phong trào Cần Vương khởi nghĩa ở khắp nơi". Ai cũng biết, chỉ có một phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo diễn ra từ tháng 7/1885 đến 1895 thì chấm dứt hẳn. Sang đầu thế kỷ XIX, không diễn ra phong trào Cần Vương nào nữa mà chỉ có các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

Trang 198, tác giả viết: "…kỳ thi năm Tân Sửu (1901), cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đậu đầu bảng đại khoa, với học vị là Phó bảng, vì ngoài học vị này của cụ Nguyễn Sinh Sắc ra năm ấy không có ai đậu cao hơn". Viết như thế chứng tỏ tác giả không hiểu về khoa cử thời Nguyễn. Phó bảng là bảng phụ (Ất bảng) ghi tên những tiến sĩ lấy thêm để phân biệt với những người đỗ tiến sĩ chính thức. Theo "Quốc triều khoa bảng lục" của Cao Xuân Dục (1843 - 1923) thì khoa thi năm Tân Sửu (1901), cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, xếp thứ 11/13.

Ở trang 200, tác giả viết: "…viên Tổng đốc Nghệ An, với danh nghĩa là quan đại thần hàng tỉnh cứ vài tháng lại một lần, hắn lân la đến giả bộ thăm dò mời cụ Phó bảng ra làm quan để có cơ hội lần ra đầu mối nào đó của các nhà chí sĩ và thực chất là để bắt cụ, bắt một người mà hắn luôn luôn lo sợ sẽ có uy quyền hơn hắn…". Tổng đốc Nghệ An vào thời gian này là Đào Tấn (1845 - 1907), quê ở Tuy Phước (Bình Định), là một nhà soạn tuồng hát bội nổi tiếng, một vị quan thanh liêm và yêu nước, có cảm tình với những nhà nho hoạt động cách mạng. Sau khi cụ Sắc đỗ Phó bảng và vinh quy về quê hương thì cụ Đào Tấn cũng được triều đình bổ nhiệm Tổng đốc Nghệ An, thâm tình gắn bó. Gọi tiền nhân đức cao vọng trọng bằng "hắn", gán cho cụ Đào Tấn những hành vi vô lại, tác giả cuốn sách vừa thiếu kiến thức nghiêm trọng, vừa tỏ ra quá hỗn xược.

Trang 238, tác giả viết: "Nhẫn nại lắm cụ Phó bảng mới trụ lại được gần ba năm (1886 - 1889) làm quan cho triều Nguyễn. Suốt ba năm đó, năm nào cụ Phó bảng cũng thấy viên Khâm sứ Rheinard dồn ép vua Thành Thái không kiêng nể". Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó Bảng năm 1901. Năm 1886, cụ mới 24 tuổi đang lo dùi mài kinh sử, chưa thi đỗ, thế mà đã ra làm quan? Vua Đồng Khánh mất năm 1889; người Pháp đưa hoàng tử Bửu Lân, con vua Dục Đức lên ngôi vua, lấy hiệu Thành Thái. Ở đây, tác giả đã tự ý đưa vua Thành Thái lên ngôi sớm hơn 3 năm.

Xào nấu, sao chép và tự bịa nên những gì được trình bày trong sách là một chuỗi những mâu thuẫn, sai lầm về mặt thời gian. Trang 203, tác giả viết: "…năm 1909 năm Nguyễn Sinh Cung mười chín tuổi cũng là năm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dâng sớ từ quan". Trang 239 lại ghi: "Rời chốn quan trường năm 1906 cụ Phó bảng cùng hai con trai đi chu du khắp mọi nơi…". Trang 252 chế tiếp: "Đến năm 1908 cũng lại với lý do vì tuổi tuy chưa già nhưng sức đã yếu cụ đã cương quyết xin treo ấn từ quan về làm nghề dạy học…".

Về nhân vật Võ Duy Dương, những gì được viết trong sách cũng chứa đầy những lỗi sai cơ bản về gia phả, tiểu sử, hành trạng cho đến tên gọi (các trang 222-224). Chẳng biết dựa vào đâu, tác giả cuốn sách đã cho rằng "Võ Duy Lập đã phải đổi tên thành Võ Duy Dương…", trong khi đây là hai người hoàn toàn khác nhau. Thậm chí tên gọi Thiên hộ Dương cũng bị sách bịa tạc, sửa thành… Thiên hộ vương.

Nghiêm trọng hơn cả, hai tác giả cả gan gán ghép cho rằng Võ Duy Dương là cha đẻ của Nguyễn Sinh Sắc. Trang 228 - 229 viết: "Thiên hộ Võ Duy Dương có 5 người con Võ Cường, Võ Kỳ, Võ Sắc, Võ Thị Thắm, Võ Thị Lan. Sau khi rời Đồng Tháp Mười về quê, Võ Sắc vừa lên 4 tuổi … Để che giấu bọn thực dân Pháp và tay sai thân Pháp, ông (Võ Duy Dương) liền tìm cách liên lạc với ông đồ Hoàng Đường ở Nghệ An, nơi có quan hệ ruột thịt với Tổng trấn Hoàng Diệu … Vì lẽ đó nên thầy Hoàng Đường tìm đủ mọi cách để cho Võ Sắc có cha đẻ hẳn hoi và lấy họ của người gọi là cha, sao cho thật hợp lý và hợp Pháp, nên Võ Sắc đã được nhà giáo Hoàng Đường hợp pháp hóa vào họ Nguyễn ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thay vì họ Võ Duy ở Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi".

Về lai lịch cụ Nguyễn Sinh Sắc, các tài liệu, tác phẩm lịch sử chính thức xuất bản từ trước đến nay đều đã đề cập nhiều, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Không biết là tác giả dựa vào cơ sở nào để nói Nguyễn Sinh Sắc là con Võ Duy Dương(?). Có lẽ tác giả dựa vào bài viết của Thượng Hồng ở cuốn "Văn hiến Quảng Ngãi", một bài viết đã gây phản cảm trong dư luận?

Đọc "Danh nhân và thời đại" , độc giả khó phân biệt được đây là một tác phẩm nghiên cứu lịch sử hay tiểu thuyết lịch sử, giai thoại lịch sử. Cuốn sách chứa đầy sai sót rất trầm trọng, cơ bản đồng thời cũng hư cấu, xuyên tạc sự thật; xúc phạm, bôi nhọ nhân vật lịch sử, hỗn xược với người đi trước. Không hiểu tại sao một cuốn sách như vậy lại được Nhà xuất bản Đồng Nai cho phép ấn hành?

Theo Cao Văn Thức (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm