Tâm và tầm của người biên tập

Trong câu chuyện, Võ Hồng đã có lời cảm ơn biên tập viên, mặc dù nhà văn lão thành tỏ ý rất “sợ” các biên tập viên hay chọc bút “ngoáy” vô tội vạ vào tác phẩm - đứa con mang nặng đẻ đau của nhà văn. Cao Chư được giao đọc tập bản thảoThiên đường ở trên caođã úa màu thời gian (Võ Hồng viết từ năm 1972 nhưng số phận tác phẩm khá long đong lận đận, đến năm 1987 “trôi dạt” đến Sở VHTT Nghĩa Bình). Thấy có mấy chỗ cần chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình xã hội bấy giờ, ông đã viết vào giấy những chỗ cần chỉnh rồi gửi vào Nha Trang trao đổi với tác giả và được Võ Hồng đồng ý…

Người biên tập biết trân trọng tác giả như Cao Chư ngày càng hiếm. Hiện nay có tình trạng các biên tập viên NXB mới vào nghề, non tay, chỉ đọc lướt qua bản thảo, không nắm bắt được ý của tác giả nhưng lại thích chứng tỏ rằng mình là “người biên tập” bèn chọc bút “ngoáy” vào tác phẩm, chẳng cần quan tâm tới văn phong của tác giả. Hay có người chỉ đọc và sửa lỗi chính tả, chấm phết nhưng cũng được ghi là “người biên tập” ở cuối sách!

Chuyện biên tập viên non tay hay không “đụng tay đụng chân” gì cũng có thể thông cảm vì đó là lỗi chung - vì ai cũng như thế thì phải làm như thế! Vả lại tên người biên tập cũng chỉ đề ở cuối sách, ít người quan tâm, chỉ những người trong nghề mới để ý thôi. Đáng trách nhất là những người tuy chỉ làm công việc biên tập bình thường nhưng lại thích “chơi trội” đề là “người hiệu đính”, kiểu “ăn theo” đứng tên bên cạnh tác giả, soạn giả - những người bỏ công sức sưu tầm tài liệu, biên soạn công phu nhưng vì lý do cả nể hay tế nhị nào đó, nhờ một người có chút tên tuổi hay có quen biết trong ngành xuất bản coi hộ bản thảo và lo việc xuất bản sách. Thế là người được nhờ chỉ đọc qua, góp thêm vài ý và… đứng tên “người hiệu đính” bên cạnh tác giả. Những kẻ “hiệu đính” kiểu này cũng không chừa, không nể cả những soạn giả kỳ cựu, tên tuổi nhưng do già yếu đi lại khó khăn, không trực tiếp lo việc xuất bản sách được phải nhờ họ coi sóc việc xuất bản và đứng tên “người hiệu đính”. Thậm chí tác phẩm của những tác giả, soạn giả quá cố, con cháu hay người thừa kế bản quyền không rành chuyện xuất bản, phải nhờ người biết nghề giúp in sách. Thế là người được nhờ lấy lý do cần chỉnh sửa cho phù hợp mới được in. Và anh ta bèn trở thành “người hiệu đính” sau khi đã chọc bút vào chỉnh sửa một đôi chỗ. Đó là những “tiểu xảo” của một số người mang tiếng cầm bút nhưng thiếu cái tâm, cái tầm và lòng tự trọng.

Để ấn hành một tác phẩm có chất lượng hoàn chỉnh rất cần những người biên tập, hiệu đính có trình độ và nhân cách. Bởi về nguyên tắc, người biên tập - nhất là người hiệu đính - phải có kiến thức rộng và sâu để “xem xét và sửa lại cho đúng”, cũng như chú giải, mở rộng thêm những vấn đề nêu trong sách chưa được thấu đáo, chỉn chu. Đặc biệt những người cầm trịch ở các NXB cần quan tâm nhiều tới công tác thẩm định tác phẩm, không để “lọt lưới”, cho ra đời những “tác phẩm xào nấu” mà người chịu thiệt vẫn sẽ là những độc giả bỏ tiền mua sách.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm