Trở thành đàn bà

Tác giả mang tên Tâm Phan là một phụ nữ sinh năm 1978. Tuổi đó viết hồi ký đã là một sự lạ. Lạ nữa là khi từng trích đoạn được tác giả đưa lên Facebook thì đã có đông đảo người đọc thích thú chờ đợi và chia sẻ. Lạ thêm nữa là ở cuộc ra mắt sách có rất nhiều bạn trẻ, nhất là nữ, đến dự bày tỏ sự hâm mộ Tâm Phan và muốn được dám sống như tác giả. Như vậy, đây không chỉ là chuyện một cuốn sách, không còn là chuyện viết lách văn chương. Đây là chuyện sống của một thế hệ, một lớp người, đặc biệt lại là phụ nữ.

Trở thành đàn bà để được là người nữ, để được là con người. Đây không phải hiểu theo nghĩa đạo đức liên quan đến trinh tiết của thân xác người nữ. Đây phải hiểu theo nghĩa ý thức về giới, về sự độc lập của tinh thần và trí tuệ của người nữ trong một thế giới lấy trụ cột là đàn ông, đo lường cuộc sống bằng đàn ông, lấy man (đàn ông) làm Man (con người). Ý nghĩa và ý thức, hiểu theo mệnh đề nổi tiếng của Simone de Beauvoir: “On ne nait pas femme, on le devient” (Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà). Tôi tự khắc nhớ đến mệnh đề này của nhà văn, nhà nữ quyền luận Pháp khi đọc cuốn hồi ký của Tâm Phan.

Trong khoảng thời gian sáu năm (2001-2006), một người con gái đã từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi ra nước ngoài, khá nhiều nước, lăn lộn mình trong nhiều hoàn cảnh sống và công việc làm, đã gặp gỡ va chạm nhiều người, đã trải những chấn động và biến cố tình cảm, để dần dần, một cách quyết liệt và tự tin, khẳng định một tư thế sống, một thái độ sống, một lối sống. Sống bằng mình. Sống cho mình. Sống tự mình. Trở thành đàn bà đúng nghĩa một sinh thể, một con người - một người nữ chủ động sắp xếp đời mình, không để lệ thuộc vào người nam.

Đây là thiên tự sự của một phụ nữ thời nay, một người nữ bình thường nhưng hiện đại. Tâm Phan chắc không nghĩ và không muốn là đại diện của một thế hệ người Việt Nam mới, trước khi là một phụ nữ Việt Nam thế hệ mới, bước vào đời với một sự dấn thân, nhập cuộc từ ý thức về cái tôi và quyền của cái tôi được hưởng hạnh phúc của mình. Mặc dù cuốn hồi ký của chị có thể cho phép mang tính đại diện và chị ở tư cách tác giả cũng mong muốn những điều kể đời mình có thể giúp ích được cho những người khác. Cái chính là giúp ở điều này: “Tôi hy vọng từ những câu chuyện của tôi các bạn sẽ có niềm tin và sự mạnh mẽ đấu tranh cho niềm tin của mình. Hãy luôn tin rằng bạn sẽ được hạnh phúc bởi vì bạn đã sẵn có cái quyền được hưởng hạnh phúc rồi, chỉ cần bạn bảo vệ được cái quyền đó của mình thôi”. Con người ta có thân phận, có số phận và có tính cách. Ai đó nói gieo tính cách gặt số phận. Tâm Phan như đã được lựa chọn cho một cuộc sống không dễ dàng, may mắn. Nhưng tính cách có lẽ như đã được định hình và xác định từ nhỏ đã giúp chị dám chấp nhận hoàn cảnh, dám đương đầu thử thách, dám có và dám không, tóm lại là dám sống. Dám sống chưa hẳn đã may mắn, thành công và chưa hẳn khi nào cũng hạnh phúc, vẹn toàn nhưng niềm vui lớn nhất là sống dám, không ngần ngại e sợ.

“Hãy thay đổi cuộc đời bạn ngay hôm nay. Đừng đánh bạc với tương lai, chớ chậm trễ” (“Changez votre vie aujourd’hui. Ne jouez pas l’avenir, sans retard”). Tôi lại trích dẫn S. Beauvoir. Chẳng hiểu sao đọc Tâm Phan lại gợi tôi nhớ đến người vợ của Jean-Paul Sartre đến vậy. Câu nói của Beauvoir đáng được lấy làm đề từ cho cuốn hồi ký viết sớm này của Tâm Phan và có thể coi đó là lời nhắn gửi thiết tha của tác giả cho độc giả.

Tôi mong sớm được đọc cuốn Tâm Phan du ký của chị, tiếp theo cuốn này như chị đã hứa cuối sách, để được đi cùng chị trên những con đường thế giới chị đã đi, để được nghe những trải nghiệm và cảm nhận với/cùng chị những cảnh đời chị đã sống, để được thêm một lần nữa, như chị, lạc quan mà sống đời mình, bất chấp cảnh ngộ nào.

Và đó là hạnh phúc, dù trắng tay.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm