Văn học mạng: Xóa khoảng cách tác giả và người đọc

Thực tế cho thấy nhiều cây bút trẻ đã trình làng tác phẩm trên mạng, sau đó lại đường hoàng in giấy.

Trang Hạ là cây bút mạng khá thành công. Nhân Ngày đọc sách và bản quyền thế giới, chúng tôi trao đổi với tác giả Trang Hạ về những đặc trưng của văn học mạng.

. Thưa chị, sau thời gian ra đời đình đám, văn học mạng VN hiện nay đã qua cái thuở ban đầu bỡ ngỡ để tìm được chỗ đứng của mình chưa?

+ Tác giả Trang Hạ: Nhiều độc giả khi nhắc đến văn học mạng chỉ còn ấn tượng về hai tác phẩm Phải lấy người như anhXin lỗi, em chỉ là con đĩ và nghĩ văn học mạng đã thoái trào lâu rồi. Dù tác giả mới vẫn xuất hiện, tác phẩm mới vẫn ra mắt. Dù danh sách best-seller cả năm 2010 của Vinabook luôn có mặt sách văn học mạng, dù văn học mạng không chỉ trở thành sách mà còn trở thành phim, kịch nói… Rõ ràng là đối với người đọc, ba năm qua không xuất hiện thêm tác phẩm đỉnh cao, văn học mạng lập tức bị bỏ qua. Với người viết, có những người sau best-seller đầu tay đã dị ứng danh hiệu “văn học mạng”, chối đây đẩy mỗi khi được phỏng vấn. Số lượng người viết trên trang văn học mạng vẫn dừng ở con số 15 người tính cả từ Nam chí Bắc. Còn với tôi, văn học mạng vẫn là một cách thân thiện nhất để mang văn chương đến với độc giả. Tôi không chỉ viết, tôi còn dịch văn học mạng, viết kịch bản sân khấu đầu tay từ văn học mạng, có thêm nhiều cơ hội mới thú vị hơn nhờ văn học mạng. Tôi nghĩ chỗ đứng của văn học mạng thay đổi có lẽ là bởi người viết, chứ không phải bởi thời thế nóng lạnh.

Văn học mạng: Xóa khoảng cách tác giả và người đọc ảnh 1

Trang Hạ trong ngày ra mắt website Vanhocmang.net. Ảnh: CTV

Tác phẩm mạng in giấy tăng nhanh

. Nhìn vào sự im ắng của văn học mạng VN, nhiều người cho rằng văn học mạng VN đang thoái trào, liệu điều đó có đúng hay không?

+ Sự kiện Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức hội thảo mạng về văn học mạng là một nỗ lực nghiêm túc… duy nhất trong vòng ba năm nay của công ty sách dành cho thể loại văn học này. Sự yên ắng của nó thật trái ngược khi đếm sơ qua từ đầu 2010 đến nay, lượng sách in từ văn học mạng tăng gấp 10 lần “đỉnh điểm nóng bỏng 2007” của văn học mạng. Ví dụ, riêng Trang Hạ ra mắt năm cuốn mới so với hai cuốn năm 2007, Gào và Keng đều ra hai cuốn mới, các mạng như Yume, Tamtay, Blog Việt đều ra các tuyển tập văn học mạng… Sách dịch của Nhã Nam, Bách Việt, Đinh Tị, Trẻ, Phương Nam, Chibooks thì lên tới gần 30 đầu sách. (Dù nhiều tác giả và NXB không ghi lên bìa sách đó là văn học mạng)

Tôi tin văn học mạng có lượng độc giả ổn định và trung thành. Việc im ắng chỉ nằm ở khâu… PR cho tác phẩm chứ không nằm ở công cuộc đọc và viết của văn học mạng VN.

. Nhiều người cho rằng xuất bản tác phẩm qua mạng thuận tiện hơn in giấy rất nhiều: nhà văn tự do bày tỏ quan điểm, không sợ bị biên tập viên cắt xén, khả năng tương tác với độc giả cao hơn… Bên cạnh cơ hội, các nhà văn mạng có đối mặt với những thách thức nào không?

+ Nhiều người nói thế nhưng tôi không tin độc giả văn học mạng dễ dãi hơn khi họ cầm cuốn sách giấy trên tay. Đã là người đọc yêu văn học, bản thân độc giả tự lựa chọn được cái gì họ ưa thích nhất, tâm đắc nhất. Họ chính là biên tập viên của chính mình, khi lựa chọn đọc cái này, bỏ cái kia, yêu nhà văn này, chê tác phẩm khác. Bởi thế tung búa xua lên mạng sẽ thiệt hại cho… người viết. Người đọc chỉ click chuột một cái là tác phẩm của anh đi đời, khác với việc đã mua sách giấy thì nhiều người chán cũng vẫn đọc cho hết.

Độc giả can thiệp sáng tác

. Nhiều người cho rằng văn học mạng chưa thật sự có tác phẩm nào xuất sắc như văn học giấy. Vậy theo chị, văn học mạng có cần phải giữ tiêu chí giống hệt như văn học truyền thống hay phải có bản sắc riêng?

+ Thời đại của văn học mạng không đơn giản là thời nhà văn bỏ bút và giấy ra gõ sang bàn phím. Mà nó là thời mà người viết phải công nhận rằng công chúng là thượng đế và người viết buộc phải để độc giả can thiệp vào quá trình sáng tác. Khoảng cách giữa người viết và người đọc thu hẹp lại tới mức gần như bằng không, thậm chí người đọc cũng trở thành tác giả, khi uốn nắn tác phẩm, biên tập lại sáng tác, đặt yêu cầu cho nhà văn, tác động tới phong cách nghệ thuật, thậm chí biến đổi cả… độ dài tác phẩm. Văn học truyền thống tôn trọng cái tôi sáng tác của nhà văn. Văn học mạng tôn trọng cái tôi và sự cảm nhận của độc giả. Bởi thế sức sống của văn học mạng đủ để quyến rũ mọi người, vấn đề chỉ là thời gian và thời điểm mà thôi.

. So với các nền văn học mạng khác trên thế giới, văn học mạng VN đang có những thuận lợi và khó khăn gì? Và theo chị, cần làm gì để nền văn học mạng VN phát triển?

+ Văn học mạng VN nhiều người đọc nhưng ít người viết. Cơm áo gạo tiền của VN cũng đòi nhà văn không thể cứ viết văn miễn phí mãi. Các nhà phê bình và quản lý văn hóa nghệ thuật chưa công nhận nhà văn mạng. Hội Nhà văn càng không cấp thẻ hội viên hoặc nhận hồ sơ vào Hội Nhà văn cho người chưa có tác phẩm giấy. Bởi xã hội và thị trường như thế, nhà văn muốn làm cuộc cách mạng văn chương cũng khó. Kiểu gì anh cũng phải từ mạng bò xuống trang sách. Nếu anh không muốn lạc loài, kể cả tôi.

. Xin cảm ơn chị.

Giao lưu trực tuyến với cây bút mạng

Từ năm 1995, UNESCO đã ấn định ngày 23-4 hằng năm là Ngày đọc sách và bản quyền thế giới nhằm khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ khám phá niềm vui đọc sách, thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua bản quyền. Dịp này, các công ty sách, nhà xuất bản đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách, giao lưu giữa tác giả với công chúng. Đặc biệt, ngày 23-4, Công ty Phương Nam tổ chức giao lưu trực tuyến Văn học mạng - Xu thế tất yếu và cái nhìn từ người trong cuộc với các cây bút trẻ Gào, Keng, Trần Thu Trang, Hà Thanh Phúc từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 tại http://www.nhasachphuongnam.com. Đây là hoạt động hiếm hoi dành cho văn học mạng.

Được và mất từ văn học mạng

“Tôi được mời đi dạy đại học ở nước ngoài nhờ người ta đọc blog tiếng Hoa của tôi. Tôi được mời làm phóng viên truyền hình, dẫn chương trình chỉ nhờ người ta đọc blog tiếng Việt của tôi. Nhờ blog và văn chương mạng, tôi làm người mẫu quảng cáo cho nhãn hàng sản phẩm, tôi lên bìa tạp chí, tôi có vở kịch nói đầu tay, cuốn tiểu thuyết đầu tay. (Chuyện kể dưới ngọn đèn đường - NXB Văn học 2010), sách tôi bán chạy, độc giả thương tôi và các nhà sản xuất, các công ty xuất bản cũng thương tôi. Vậy tốt quá còn gì.

Sau ngày 23-4, Trang Hạ sẽ cho công bố các tác phẩm văn học mạng được bán trên mạng dưới dạng sách điện tử, sách văn học “Made by Trang Hạ” bán trên toàn cầu và chỉ bán trên mạng, không xuất bản ra sách giấy dưới bất kỳ hình thức nào. Giá rẻ hơn sách giấy.

Tuy nhiên, gần đây tôi cảm thấy sự “lộ sáng” của bản thân quá nhiều đã cướp mất nhiều cơ hội của tôi với văn chương. Tôi thực sự muốn lui lại vào sau trang blog trên mạng, dành thời gian chỉ để viết. Thực sự thế, chỉ cần viết văn mạng và một tách trà nóng ở bên cạnh là đủ.

TRANG HẠ

YÊN THẢO thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm