Văn học nghệ thuật làng nhàng

Có lẽ đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ nhưng lại có những kết luận khá tương đồng. Tại hội nghị đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần 9 diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội) với sự tham gia của 112 đại biểu là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả trẻ toàn quốc. Trong báo cáo tình hình văn học trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam) phát biểu một câu rất đáng suy gẫm: “Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc”. Và anh giải thích: “Do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp nên nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư…”.

Đó chẳng qua là một cách biện hộ cho sự thiếu vắng những tác phẩm văn học định hình giá trị tác phẩm và tác giả trẻ. Nhiều nhà văn gọi là trẻ, có người hiện nay trên dưới 30 tuổi, thực ra đâu còn trẻ nữa. Những nhà văn, nhà thơ thời kỳ 1932-1945 hầu hết khẳng định vị trí trong văn học ở tuổi đôi mươi như những Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… Hay ở miền Nam trước năm 1975, nhiều nhà văn, nhà thơ khẳng định tên tuổi với những tác phẩm giá trị ở tuổi đôi mươi, như Thanh Tâm Tuyền với tập thơTôi không còn cô độc- tác phẩm được coi như “tuyên ngôn của thơ tự do, xuất bản năm 1956 khi tác giả mới 20 tuổi. Hoặc nhà văn Nhật Tiến đoạt giải thưởng Văn chương toàn quốc (miền Nam) năm 1962 với tác phẩm mang đầy tính nhân vănChim hót trong lồng khi Nhật Tiến 26 tuổi…

Còn nhớ sau thời kỳ đổi mới “cởi trói”, hàng loạt tác phẩm dù chưa phải là kiệt tác nhưng đã tạo những dấu ấn lớn, đánh dấu một thời kỳ mới văn học Việt Nam ra đời. Có thể kể:Thời gian của người, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồngcủa Dương Hướng… Nổi bật là tiểu thuyếtNỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, với một cái nhìn mới về chiến tranh, đã gây nên tiếng vang lớn trong nước và vọng ra thế giới với hàng loạt bản dịch nhiều thứ tiếng. Đặc biệt loạt truyện ngắn: Tướng về hưu, Kiếm sắc, Vàng lửa… của Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong văn học của thời kỳ đổi mới. Và sau đó là một khoảng trống mênh mông. Ngoại trừ một Nguyễn Nhật Ánh với hàng loạt tác phẩm viết về lứa tuổi học trò, gần như độc chiếm văn đàn về thể loại văn học này suốt 30 năm từ sau thời kỳ đổi mới đến nay. Sách của Nguyễn Nhật Ánh liên tục tái bản với hàng trăm ngàn ấn bản. Đặc biệt bộ truyện liên hoàn Kính vạn hoa dài 45 tập là một kỷ lục trong văn học Việt Nam từ trước tới nay.

Trở lại chuyện văn học trẻ hiện nay, đúng như phát biểu của nhà văn trẻ Văn Thành Lê: “Có một số người viết trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ “văn ăn nhanh” của mình là văn học!... Đâu đó hình thành thứ công thức: Để trở thành tác giả của giới trẻ, tác giả bestseller là ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim Đài Loan, kèm với các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz!”.

Còn phát biểu về tình hình văn học nghệ thuật hiện nay của TP.HCM - và cả nước - của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, tại buổi hội thảo “Vai trò của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước” diễn ra hôm 28-9 vừa qua cũng đáng suy gẫm. Bà Thảo nói: “Các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời dễ dàng hơn và cũng xô bồ hơn…”. Xin mượn nhận định của bà Thảo về tình hình sân khấu để kết thúc bài viết này: “Sân khấu ta sáng đèn nhưng lời thoại kém sang trọng, tác phẩm thiếu triết lý, nhiều tác phẩm làng nhàng, tầm phào và cả tào lao nữa!”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.