Văn học Việt Nam đang khủng hoảng

“Trong ba từ khủng hoảng, xuống cấp và hạ giá, tôi xin dùng từ khủng hoảng để nói về tình trạng văn học Việt Nam. Khủng hoảng từ trong văn viết ra, khủng hoảng từ văn dạy trong nhà trường, khủng hoảng trong cả những hành vi văn hóa trong đời sống” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên mở đầu như thế tại buổi tọa đàm “Văn học - học văn” do Tổ chức Giáo dục Pace tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Giáo dục tước mất quyền tự do sáng tạo

Đưa ra sự tương phản giữa những bài viết trên các trang blog, các trang mạng xã hội và các bài văn trên nhà trường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lý giải: “Nhờ có blog, các trang mạng chúng ta mới biết cách giảng dạy văn chương trong nhà trường què quặt ra sao. Tại sao làm một bài văn ở nhà trường thì khô cứng, giả tạo như thế, trong khi một bài viết trên blog lại mềm mại, sinh động, câu cú rất hay, ngữ pháp rất chuẩn và giàu cảm xúc như thế? Té ra chính nhà trường đã tước mất quyền tự do sáng tạo của học sinh”.

Thêm một ví dụ, đứa con của một người bạn ông được cô giáo cho đề thi với chủ đề “Người bạn sống mãi trong trái tim em”. Em tả về con mèo mà em vô cùng yêu quý vừa mất. Bài văn khá cảm xúc thế nhưng cô giáo gạch dưới chữ “người” và cho em 0 điểm. Thay vì khuyến khích, gợi mở và tôn trọng sự sáng tạo thì chúng ta lại bóp chết sự sáng tạo. Nhà phê bình ngậm ngùi: “Cách thức dạy văn trong nhà trường là một căn bệnh trầm kha. Từ văn học đến học văn có một khoảng cách rất xa. Dường như những phản ánh trong nhà trường không theo kịp phản ánh của văn học”.

Văn học Việt Nam đang khủng hoảng ảnh 1

Đọc nhiều sách là một cách để có những bài văn hay và sáng tạo. Ảnh: HTD

Ở một biên độ rộng hơn, nhà văn cho rằng khủng hoảng văn học không chỉ đơn giản là văn học trong nhà trường mà nhìn xa hơn nó còn là những hành vi ứng xử nhân văn trong cuộc sống. “Vì sao các nữ sinh đánh nhau quay clip tung lên mạng? Tôi chắc chắn các em sẽ không đọc sách, đọc văn bằng những em khác. Nếu có tính văn trong người, người ta sẽ không làm như vậy” - nhà phê bình nói.

Văn chương phải nói lên sự thật

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, văn học không chỉ là câu chữ mà trước hết phải là sự thật. Văn chương trước nay đang ở trong sự giả dối. Một trong những dòng văn học lớn nhất hiện nay là văn học chiến tranh. Nhưng chúng ta đưa quá nhiều những bài về chiến thắng, những bài ca; thế còn nỗi đau, mất mát tổn thất thì sao? Ngoài những bài ca ngợi hào hùng thì còn cần cả những khoảng lặng. Nhà văn dẫn chứng: “Trong chiến tranh, có những vẻ đẹp lung linh như Người khát nước nhưng giếng không khát nước, giếng khát vầng trăng giếng khát bầu trời, thì cũng phải có những nỗi đau Tôi đi qua cuộc chiến tranh, để bao đồng đội lại thành nghĩa trang”; có những người vợ, người chị với nỗi đau Anh đi rong ruổi chiến trường xa/ Con tự lớn khôn, vợ tự già”.

Văn học Việt Nam cũng đang từ từ bước ra sự giả dối và tiệm cận với sự thật. Nhưng nó vẫn ở trong giai đoạn khủng hoảng vì chỉ mới phản ánh hiện thực ở bề rộng nhưng nông, không gây nhức nhối. Nói nôm na là tác phẩm ít có tư tưởng. Có thể nói văn học Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng “Nhiều người viết mà ít tác giả, nhiều sách ra mà ít tác phẩm”.

Trước tình hình khủng hoảng từ những trang sách viết ra đến những gì được giảng dạy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khuyên các bạn trẻ cần tự tìm hướng ra cho mình bằng cách tìm đọc nhiều sách vở viết sâu hơn, nhiều chiều hơn, tính phản biện cao hơn. Đồng thời, viết ở mọi hình thức, dù là viết nhật ký, blog… vì tất cả những gì chúng ta viết ra đã là văn rồi.

Sách giáo khoa làm hỏng sự yêu thích văn học

Văn chương phải nói điều thật để người trẻ biết chúng ta là ai, chúng ta đang sống ở đâu… Nếu không biết sự thật, chúng ta sẽ không có thái độ đúng, không có chọn lựa đúng thì chúng ta sai đường mà trong đạo Phật gọi là vô minh.

Nhu cầu về văn chương của giới trẻ bị hỏng phần lớn do sách giáo khoa. Sách giáo khoa đã làm hỏng sự yêu thích văn chương trong khi lẽ ra nó phải là cầu nối để người ta đi tới văn chương thì sách giáo khoa đi ngược lại điều đó.

Có một tin mừng là sẽ thay đổi sách giáo khoa. Tự tìm học, mỗi người có lý trí của mình. Mỗi quyển sách dù dở cũng giúp chúng ta học cách nhận định và tránh được sự vô minh.

Nhà văn NGÔ THỊ KIM CÚC

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm