Vũ công Nguyễn Hường: 'Chấp nhận khác biệt vì đó là đam mê'

Clip vũ công Nguyễn Hường biểu diễn múa bụng. Nguyễn Trà-Trường Giang - thực hiện

Đam mê khác biệt

Nếu không được giới thiệu, ít ai có thể ngờ Nguyễn Hường (tên thật Nguyễn Thị Hường) đã ngoài 30 tuổi. Cô có đôi má bầu bĩnh, đôi mắt sắc và có những bước chân uyển chuyển mềm mại. Tạm gác lại chuyện tuổi tác, điều khiến chúng tôi và rất nhiều khán giả chú ý tới cô là điệu múa khác biệt.

Mềm mại, uyển chuyển trong những động tác rung, xoay chuyển cổ tay, và hoang dại tột cùng trong những bước dậm chân, xoay người… Âm nhạc tràn qua nét mặt, bờ vai, chảy xuống vòng eo và đôi chân mềm mại. Phong cách mà cô ấy theo đuổi là Tribal bellydance.

Vũ công Belly dance Nguyễn Hường

Bằng kĩ thuật múa điêu luyện, biểu cảm gương mặt, kết hợp với sự lung linh huyền ảo của những ngọn nến, của khói hương, tiết mục của vũ công Nguyễn Hường đã đưa khán giả vào không gian hoàn toàn mới mẻ: lung linh, huyền ảo nhưng không kém phần phần hấp dẫn, độc đáo.

Nguyễn Hường đến với Belly dance như một cơ duyên. “Mình theo đuổi nó vì trước tiên nó hợp với cơ thể mình đó là độ dẻo và chuyển cơ. Phong cách này trầm hơn, càng nhiều tuổi sẽ càng đằm hơn. Phong cách này cho tự do về cách nhảy và sự thoải mái trong sáng tạo”Nguyễn Hường chia sẻ.

Học qua mạng

Vũ công Nguyễn Hường: 'Chấp nhận khác biệt vì đó là đam mê' ảnh 2

Nguyễn Hường biểu diễn múa lửa

Hường cho biết cô hầu như chỉ học qua mạng: qua những clip bạn bè chia sẻ trên facebook, hay tự mày mò tìm thấy trên Youtube. Sau một thời gian luyện tập, cảm nhận mình có năng khiếu nên cô đào sâu học hỏi, nâng cao trình độ. Năm 2012, chị từng đạt giải phong cách trong đêm gala Tuần lễ giai nhân.

Vì tự học nên một trong những khó khăn lớn nhất của Hường là không có thầy dạy và bạn đồng hành. Cô cho biết: “Học một mình sẽ chậm và khó phát hiện ra điểm sai của mình. Khả năng tiến bộ cũng rất thấp. Khó nhất là tìm ra được chất của Tribal, cái tinh thần của nó phải toát ra được nội lực bên trong, cách chuyển cơ, dáng đứng. Mình cảm thấy nó khó hơn dòng belly truyền thống”.

Chỉ cần có ước mơ...

Một thời gian sau cô quen vài người bạn múa lửa. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy bạn thể hiện, Nguyễn Hường đã bị chinh phục hoàn toàn. Cô quyết định đặt quạt lửa từ nước ngoài về làm đạo cụ và học múa lửa để phần biểu diễn của mình thêm sinh động. Tuy nhiên để làm được điều đó, cô mất một thời gian khá dài để học và thích nghi. “Quạt lửa nguy hiểm vì nó nóng và khó sử dụng. Nếu không khéo léo, rất dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp”.

Phần biểu diễn của vũ công Nguyễn Hường trong Vietnam Belly Dance Festival. Ảnh Trường Giang

Ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, người ta định hình múa belly dance là phải rung, lắc bụng thật sôi động nên cô dường như không tìm được đất diễn. Thêm nữa, đạo cụ quạt lửa của Nguyễn Hường khá nguy hiểm nên khó được quản lý các điểm diễn chấp nhận. Bởi vậy có một thời gian cô dường như rơi vào bế tắc không lối thoát.

“Giống như mỗi món ăn có nguyên liệu đặc trưng riêng và thậm chí có những món phải ăn ở những địa điểm riêng mới đúng vị. Belly dance thông thường có thể biểu diễn ở nhà hàng, quán ăn nhưng Tribal bellydance thì không thể. Nhưng khi thực lòng thích một cái gì đó, bạn sẽ có đủ quyết tâm để đầu tư thời gian, tiền bạc…một cách nghiêm túc thực sự. Lúc đó, mọi khó khăn chỉ là chuyện nhỏ thôi mà. Mình chấp nhận khác biệt vì đó là đam mê. Hơn nữa, mình tin rằng, với bất cứ nghề nào chỉ cần có khả năng và tâm huyết với nghề, nghề sẽ không phụ người”, Nguyễn Hường mỉm cười chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có cuộc thi Belly Dance được tổ chức với 100% ban giám khảo quốc tế được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ các trường đại học về nhảy múa. Cuộc thi thu hút 70 thí sinh - cả người Việt Nam và người nước ngoài cùng tham gia tranh tài với hơn 40 tiết mục dự thi Solo và nhóm. Với 6 bảng đấu khác nhau: thiếu nhi, thiếu niên, solo nghiệp dư, nhóm nghiệp dư, solo chuyên nghiệp, nhóm chuyên nghiệp, các thí sinh sẽ thể hiện khả năng dàn dựng, vũ đạo cũng như niềm say mê của mình dành cho bộ môn nghệ thuật Belly Dance.

Tại đêm thi ngày 12-7, Bảng thi solo chuyên nghiệp, ngoài Minh Nguyên đoạt giải nhất, Yoko Kamei (thí sinh Nhật Bản) giành giải nhì, Nguyễn Hường đoạt giải ba.

Nhận xét của Ban giám khảo về phần thi của vũ công Nguyễn Hường:

Angella Kim: “Cô ấy có ý tưởng tốt, trang phục đẹp”

Daila Klara Jansikova: “Cô ấy là một vũ công đặc biệt, cô ấy có chuyển động cơ thể chậm, mềm. Nếu cánh tay của cô ấy cũng chuyển động chậm một chút thì chắc chắn đó sẽ là một tiết mục hoàn hảo”.

Julia Torgonska: “Cô ấy có biểu cảm gương mặt rất tốt, trang phục đẹp, ý tưởng thú vị”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm