Vu Lan báo hiếu – nét đẹp văn hóa Việt

Tết Vu Lan, “xá tội vong nhân”

Đại lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là lễ hội văn hóa tâm linh, bắt nguồn từ đạo Phật nói về sự hiếu đạo và sự báo đền công ơn với đấng sinh thành. 

Tháng 7 âm lịch luôn là thời gian khiến các bà, các mẹ bận rộn và tất tả hơn cả để chuẩn bị cho ngày rằm lớn nhất trong năm. Người miền Bắc vẫn thường quen gọi rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân”, cúng các chúng sinh không nhà cửa. Các ngôi chùa, đình, miếu lớn thường mở cửa khóa lễ phá ngục cho chúng sinh và tổ chức đại lễ Vu Lan. Tại miền Nam, ngày rằm tháng 7 vẫn được người dân Nam bộ thường gọi “tết Vu Lan”.

Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày này âm phủ khảo chiếu sổ sách để đại xá cho các linh hồn ma quỷ cô đơn ngoài đồng nội. Dựa vào tích xưa ấy, ở các chùa miền Bắc đều làm lễ chay đàn, phá ngục cho các tội nhân. Còn tại miền Nam, mỗi gia đình từ sau ngày 15 âm lịch tháng 7 sẽ đều chuẩn bị một mâm lễ cúng trước nhà nhằm mục đích cứu giúp những linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi nương tựa, không người thờ phụng, tục này vẫn thường được gọi với cái tên "cúng cô hồn".

Mỗi người, ai cũng được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người mất mẹ thì cài bông hồng trắng.

Đại lễ Vu Lan không chỉ là lễ của riêng Phật giáo, mà giờ đây đã trở thành ngày lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành. Mùa Vu lan báo hiếu đồng thời là dịp để mỗi người thể hiện sự yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm tới cha mẹ và những số phận xung quanh mình. Trong tâm thức mỗi người con đất Việt, ngày lễ Vu Lan luôn gắn liền với những hình ảnh của những người phụ nữ tảo tần, đảm đang sắm sửa mâm lễ. Khéo léo bày biện, chấp tay thành kính cầu khấn, vái lạy.

Bông hồng cài áo

Từng hồi chuông ngân lên, cùng những lời thuyết giảng về đạo hiếu, đã đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi phật tử. Mỗi người, ai cũng được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì cài bông hồng trắng để nhớ về mẹ của mình. Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ được sống lâu hơn cùng con cháu.

Lễ chùa cũng như hành thiện tích đức. Tháng 7 là cũng là dịp để mọi người ăn chay

Anh Nguyễn Trần Trung Phước (đường Hoàng Sa, Q. Phú Nhuận) may mắn hơn nhiều người được cài trên ngực bông hồng đỏ. Anh cho biết, mỗi mùa Vu lan trôi qua, đã để lại cho anh những cảm xúc khác nhau. Là người đã từng làm ba mẹ buồn phiền và mỗi khi nghe những lời giảng đạo hiếu, anh càng tự nhủ lòng mình sẽ cố gắng hơn để đền đáp được những công ơn và các lỗi lầm đã từng khiến cha mẹ muộn phiền. Anh chia sẻ: “Ngày còn trẻ mình đã trót nhiều lần rong chơi, đàn đúm bạn bè để rồi khiến ba mẹ nhiều đêm mất ngủ vì buồn rầu lo lắng. Bây giờ đã lập gia đình và cũng đã có con nhỏ mình mới càng hiểu ra tình cảm mà cha mẹ đã dành cho mình ngày nào”.

Theo các sư thầy, đại lễ Vu Lan là dịp để mỗi người chúng ta nhớ về các bậc sinh thành, hãy đến bên cha mẹ để nhận được sự bao dung, dạy bảo của họ. Cô Trần Thị Ngót (59 tuổi, ngụ quận Tân Bình), một người mà cả cha lẫn mẹ đều qua đời hơn ai hết cô thấu hiểu giá trị của cha và mẹ khi còn sống. “Khi cha lẫn mẹ vẫn còn, họ đã thương yêu, dạy bảo chúng ta bao điều. Đến khi cha mẹ mất đi, và giờ đây đã trở thành người mẹ, người bà của các con, các cháu, nên tôi mới thấu hiểu hơn ai hết của những ngày tháng hạnh phúc khi cha mẹ còn sống” - cô Ngót tâm sự.

Trong lễ Vu Lan này, các em học sinh cũng đến các chùa để hối lỗi những đều đã làm cho cha mẹ phiền lòng. Chính những bông hồng cài trên áo mình, các em đã hiểu về ý nghĩa của những ai đang còn cha, mẹ. Đồng thời hiểu rằng, lòng hiếu thảo không chỉ là lời nói suông, mà còn là sự vâng lời, hiếu thuận với cha mẹ.

Bạn Vũ Ngọc Quý, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng,  mỗi năm Quý đều đến chùa để dự lễ Vu Lan. Trong từng hồi mõ ngân đều, Quý như cảm thấy thanh thản cõi lòng khi nghe những lời thuyết giảng về đạo hiếu của các sư thầy. Quý cũng luôn tự nhủ với lòng sẽ cố gắng học tập để không làm phụ công cực nhọc của ba mẹ nơi quê nhà.

Ai nấy cũng đều thành tâm cầu khẩn, mong ước cho cha mẹ, gia đình luôn được mạnh khỏe , bình an và hạnh phúc

Đại lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công sinh thành dưỡng dục của mẹ, cha, đúng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người con đất Việt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm