Xin các bác bình tĩnh...

Tuy nhiên, về mặt chiều sâu thì cuộc hội thảo khoa học “Đời sống văn học nghệ thuật TP.HCM thời kỳ hội nhập” do UBND TP tổ chức vào đầu tuần trước mới là cái rất đáng được quan tâm. Tuy khó nói được là cuộc hội thảo đã thành công (vì đề tài quá lớn, lại diễn ra trong một thời gian quá ngắn, hầu như không có thời gian tranh luận) nhưng cũng đã đề cập được nhiều điều về thực trạng hoạt động VHNT ở TP.HCM hiện nay. Đáng chú ý là trong một hội thảo có sự tham dự của nhiều cán bộ lãnh đạo TP, có những ý kiến chủ đạo đã thiên về một sự... báo động với những mô tả khá nặng nề về thực trạng, gây nhiều lo âu cho những người đang thật sự hoạt động trong lĩnh vực.

Hội nhập là xu hướng tất yếu của thế giới hiện nay, một “thế giới phẳng” của Internet mà chỉ cần một cú click là có thể nối liền mọi bờ biên giới. Đất nước đã mở cửa, vào WTO, chấp nhận hội nhập, tất nhiên không thể nào cấm cửa văn hóa nước ngoài. Và thực tế với sự nối mạng toàn cầu, với vài chục kênh truyền hình quốc tế có thể xem 24/24 giờ, với nạn băng đĩa lậu bất trị..., nói chuyện ngăn cấm ở thời buổi này là bất khả. Đó là chuyện đã cho phép, đã chấp nhận thì làm sao có thể nói đó là cuộc “xâm lăng văn hóa” được.

Cái chính là nền văn hóa nội địa phải được trang bị đủ lực để vừa có cái đưa ra “chơi” được với thế giới, lại vừa đủ sức đề kháng nội tại để có thể vừa tiếp nhận vừa chọn lọc những điều hay, đẹp của văn hóa thế giới. Đừng chủ quan nghĩ là văn hóa thế giới, nhất là phương Tây đều xấu và cũng đừng lạc quan cho rằng văn hóa Việt Nam là hay ho số một. Nhất định là luôn luôn phải học hỏi, tiếp thu và cải tiến thì mới mong bằng với người ta.

Những phát biểu trên báo chí (vì không có thời gian đọc tại hội thảo) của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và nhà hoạt động sân khấu Huỳnh Anh Tuấn chính là những tiếng nói khác cần thiết. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho rằng “Đã chấp nhận ra khơi, ra biển lớn thì phải chấp nhận đối mặt với sóng lớn, bão dữ. Để từ đây biết nhìn xa trông rộng, rành luật chơi quốc tế, truyền bá cái hay của mình ra thế giới và tiếp nhận cái hay của thế giới để làm giàu cho chính mình. Thái độ kỳ thị với cái mới vô hình trung sẽ là lực lượng bảo thủ, cản trở cái mới. Đặt ra quá nhiều rào cản, trầm trọng hóa vấn đề sẽ dẫn đến những quyết định, ứng xử sai thực tiễn”... Nhà hoạt động sân khấu Huỳnh Anh Tuấn cũng đồng ý: “Chúng ta đã hội nhập thì không thể ngăn chặn những làn sóng văn hóa bên ngoài xâm nhập, cái chính là phải dung hòa được giữa cái mới ta cần học và cái cũ ta cần giữ”.

Điều quan trọng nhất cuối cùng vẫn là vai trò điều tiết của nhà nước sao cho phát triển nhanh nền văn hóa nước nhà, mà một trong những biện pháp cần thiết nhất chính là việc đưa đi học hỏi ở nước ngoài chứ không phải sợ bị “xâm lăng” mà quay lại đóng kín cửa.

Xin các bác hãy bình tĩnh! Mấy trăm năm qua có Tàu, Tây, Mỹ nào đồng hóa hoặc dị hóa được ta đâu!

Nguyễn Trung Quân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm