Xin đừng im lặng nữa!

Câu lạc bộ là nơi phụ huynh học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ những câu chuyện xoay quanh các chủ đề liên quan các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường xã hội cùng với các nghệ sĩ, chuyên viên tâm lý... Đặc biệt chủ đề tập trung vào mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội như nạn bạo lực học đường, nạn bạo hành gia đình, ý thức sống, sự vô cảm, thờ ơ…Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt định kỳ vào 19 giờ tối thứ Năm trung tuần mỗi tháng tại Nhà thiếu nhi TP.HCM (4 Tú Xương, quận 3, TP.HCM).

Chủ đề đầu tiên của Ngày mai chọn sinh hoạt là “Bạo lực học đường”. Từng hoạt cảnh kịch lần lượt hiện ra khiến người xem quặn thắt. Một em học sinh bị bạn trong lớp đánh khốn khổ, đớn đau. Cô giáo vì mải lo giảng dạy đã lơ đãng bỏ qua khi có học sinh báo chuyện bạn bị đánh. Học sinh bị đánh đờ đẫn về nhà muốn chia sẻ nhưng vì cơm áo gạo tiền cha mẹ đã không bận tâm đến. Cảnh diễn viên đóng vai em gái bị đánh nằm co ro cô độc, bất lực khiến trái tim người xem tan nát…

Xin đừng im lặng nữa! ảnh 1

Một hoạt cảnh về bạo lực học đường của câu lạc bộ Ngày mai. Ảnh: HB

Những hoạt cảnh ấy lần lượt như những lát cắt xoáy vào lòng những bậc phụ huynh tham dự. Có những phụ huynh đã chia sẻ rằng họ đã tự hỏi là đã có một lúc nào đó mình như những bậc phụ huynh trong hoạt cảnh kịch đã bỏ qua nỗi đau của con em mình?

Nghệ sĩ Thành Hội bộc bạch: “Chương trình có khẩu hiệu là Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, cuộc sống luôn cho người ta cơ hội ở ngày mai. Bằng nghệ thuật, chúng tôi muốn làm trách nhiệm công dân của mình, không muốn im lặng nữa, phải lên tiếng và phải làm một cái gì đó. Nếu tất cả xã hội cùng hành động thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi tốt đẹp hơn”.

Chuyên gia tâm lý Hoài Như chia sẻ chị đang tư vấn cho một trường hợp gia đình phát hiện ra đứa con 15 tuổi của mình mang dao trong cặp khiến cha mẹ rất lo sợ. Em này bị bạn đánh và nghĩ phải có vũ khí để tự vệ. Trường hợp khác là một em bị đánh muốn tìm một ai đó để dựa dẫm, để chống lại nhưng không được nên đành ngồi im chịu đựng… Theo chuyên gia Hoài Như, điều nhỏ nhoi mà chương trình làm được là tạo cơ hội cho các bậc phụ huynh cùng con em ngồi cùng nhau, nhìn lại các vấn đề của độ tuổi học sinh có thể gặp phải. Lúc đó, phụ huynh sẽ rất tự nhiên quay qua hỏi con mình: “Con có bị như vậy không?”, “Con nghĩ việc này như thế nào?”… để các em tự nói lên suy nghĩ của mình.

Đó không còn là chuyện nhỏ nữa rồi. Bởi làm sao cho con trẻ nói ra được những việc mình đang gặp phải để người lớn có hướng can thiệp là chuyện không dễ. Khó nhưng đã có những người vì cộng đồng mà bắt tay thì chúng ta có quyền hy vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm