3 nơi không thể không đến trong ngày giỗ Trịnh

Khá nhiều người có thói quen nghe nhạc Trịnh trong lúc đi xe, đang trên xe bus hay đang tập thể dục. Và, hẳn rồi, để có một góc riêng, tĩnh tâm thưởng thức nhạc Trịnh trong lòng thủ đô ồn ã, không ít người lựa chọn những quán cafe, góc trà nhạc Trịnh.

Không giống như phần lớn số quán cafe hiện đại ngập tràn giữa lòng Hà Nội, cafe Trịnh mộc mạc với bàn tre, mái cọ, hay những bức tranh ảnh Trịnh Công Sơn đã hoen mờ cùng thời gian. Không gian yên tĩnh và bình dị ấy thật gần gũi, phù hợp với nhạc Trịnh- một thứ âm nhạc vốn rất “đời”.

3 nơi không thể không đến trong ngày giỗ Trịnh ảnh 1
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. 

Nhiều cafe Trịnh, chỉ đơn thuần là mở nhạc Trịnh, chứ không phải nơi chuyên biểu diễn thứ âm nhạc ấy, nhưng bao giờ cũng rất đông khách. Người yêu nhạc Trịnh thì khỏi nói, ngoài sở thích, họ tìm đến cafe Trịnh để có thể cảm nhận thêm những tâm hồn đồng điệu giống mình. Người ưa sự thanh bình, lặng lẽ thì bị cuốn hút bởi không gian độc đáo, tĩnh lặng của những quán cafe Trịnh. Không gian đó tĩnh tại, mờ ảo ánh đỏ, sắc tím của mấy quả bóng đèn quả nhót, thu mình trong chiếc chụp đèn bằng tre, cùng giai điệu trầm lắng, rất riêng biệt trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Bản thân mỗi người đều có những ẩn ức, cảm xúc riêng, mà đôi khi, vì nghèo vốn từ mà không thể miêu tả nó thành lời. Trịnh Công Sơn làm được điều đó. Hơn thế, ông còn biến những cung bậc cảm xúc thành nhạc, thành lời. Nhờ đó, ca từ của Trịnh đi vào lòng người dễ dàng, sâu lắng hơn. Người nghe tìm kiếm được cảm xúc của mình trong nhạc Trịnh, đồng điệu với tâm hồn Trịnh. Có lẽ mà vì thế, mà người ta yêu mến, đắm say với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Chẳng nói đâu xa, chính người chủ quán cafe Trịnh đa phần đều là những người “nghiền” nhạc Trịnh nhất. Họ mở quán, ít nhiều cũng vì cuộc sống mưu sinh. Nhưng hơn cả, tâm hồn họ được thảnh thơi, được tận hưởng thứ âm nhạc mà bản thân tôn thờ.

Anh Nguyễn Đăng Khải, chủ quán cafe Cuối ngõ (Đường Cầu Giấy) coi nhạc Trịnh như một thứ tôn giáo của riêng mình. Bài nào cũng thích, câu nào cũng thích, nhưng nếu có ai hỏi: vì sao thích? thì anh chịu, chẳng thể nào giải thích nổi. Chỉ biết rằng, anh bắt đầu biết tới nhạc Trịnh từ năm 1996, đầu tiên, thích giai điệu, sau nghe nhiều, ngấm dần, mới thấy nhạc Trịnh hay. Với anh, những thứ khó nắm bắt như âm nhạc, như thơ, như những gì đó, không định hình, không cầm nắm được thì cái lí do yêu mến, thật khó để giải thích thành lời.

Café Cuối ngõ, mở từ năm 2003, là một căn nhà cổ, kiểu nhà 3 gian 2 chái ngày xưa, nằm sâu hun hút trong ngõ, nhưng lúc nào cũng đông. Khách vào đây, ai cũng cố tìm cho mình một góc để có thể tựa lưng vào tường, ngắm hoa tươi, cảm nhận không gian tôi tối, sang sáng trong sự du dương của ca từ nhạc Trịnh qua lời hát của Khánh Ly.

Anh Khải bộc bạch, trong những lần tận cùng của đớn đau, nhạc Trịnh là ân nhân cứu rỗi cuộc đời anh. “Khi cuộc đời đớn đau nhất, tôi nghe nhạc Trịnh, đớn đau gặp tận cùng đau đớn, thế là hết”. Vì thế, mỗi khi có dịp vào Nam, anh lại đến mộ Trịnh thắp nén tâm hương.

3 nơi không thể không đến trong ngày giỗ Trịnh ảnh 2
Những quán cafe Trịnh thường mộc mạc như chính âm nhạc của Trịnh Công Sơn vậy. (Ảnh: Quỳnh Trang). 

Còn với Cafe Trịnh (Đường Hoàng Văn Thái),  chủ quán Nguyễn Mạnh Cường cũng có niềm đam mê sâu sắc với nhạc Trịnh. Không cần nói nhiều, điều đó thể hiện ở ngay việc đặt tên quán. Anh thích, bởi nhạc Trịnh mang tới một sự hoài niệm, rất gần gũi với sở thích là sưu tập đồ cổ của anh.

Anh Cường tâm sự, hầu hết, với những quán café Trịnh, thường không có nhiều khách mới, không có sự quay tròn khách để kiếm lời. Khách đến uống café, nghe nhạc Trịnh, không bao giờ có sự đến và đi nhanh chóng. Đã ngồi là ngồi liền đến khi quán đóng cửa thì thôi. Đó chính là một điều đặc biệt của những quán café Trịnh.

Có một nơi khác, mà người yêu Trịnh, đắm say với âm nhạc của ông, cũng thường lui tới, là những hiên trà. Hiên trà Trường Xuân là một trong số những nơi đặc biệt như vậy. Cảm được sự đồng điệu giữa trà đạo và nhạc Trịnh, chủ hiên trà là nghệ nhân Trường Xuân, và con trai Hoàng Anh Sướng đã tạo dựng nên hiên trà này nhiều năm trước.
 
“Nhạc Trịnh sâu lắng, dịu êm, gợi về nhân sinh và hướng tới cái đẹp. Nó khiến ta tĩnh lòng sau những bộn bề của cuộc sống. Ta như thanh thản hơn, bao dung hơn, như được ở cõi thiền. Và đó chính là điểm chung giữa âm nhạc Trịnh Công Sơn với trà đạo và phật giáo”; chủ nhân hiên trà Hoàng Anh Sướng chia sẻ.

Ý tưởng đem nhạc Trịnh vào hiên trà được rất nhiều ẩm khách yêu thích. Và, dường như âm nhạc Trịnh Công Sơn chính là thứ dung hoà nhiều thế hệ, nên không chỉ có người trung niên, người già mà ngay cả thế hệ trẻ 8X, 9X, cũng thường đến đây tìm kiếm những phút tĩnh lòng.

Nằm trên con phố nhỏ Ngô Tất Tố, hiên trà Trường Xuân được bày trí ấn tượng, với những bàn trà thấp có đệm vuông đặt xung quanh. Hai mặt tường lớn của phòng trà được che bởi những tấm mành tre. Nổi bật trên ấy là rất nhiều bức thư pháp bằng cả chữ Nôm, chữ Hán mà khách tới thăm đã mến mộ đề tặng. Thế cũng đã đủ tạo nên sự thanh tao, tĩnh lặng và trang trọng của hiên trà.

Ngồi nơi đây, dưới ánh sáng mờ tỏ, nhìn ra khung cửa sổ thoáng đạt, xanh xanh mấy chiếc lá khoai đong đưa theo gió, ta thấy lòng nhẹ nhàng đến kỳ lạ. Và, hồn người như phiêu bồng nơi không gian ấy, miên man trong tiếng nhạc Trịnh sâu lắng, dịu êm.

Anh Nguyễn Trung Kiên, 29 tuổi, nhân viên phần mềm một công ty tin học chia sẻ: “3 năm nay, hầu như ngày nào tôi cũng dành một chút thời gian để đến với hiên trà Trường Xuân thưởng trà và nghe nhạc Trịnh. Tôi tìm thấy mình trong âm nhạc của  người nghệ sỹ họ Trịnh ấy”.

Yêu nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh từ nhỏ, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã bỏ công sưu tập được hầu hết ca khúc và album nhạc Trịnh Công Sơn. Anh ưu ái mở chúng để ẩm khách cùng thưởng thức bên chén trà đầy. Điều đặc biệt, là 2/3 số đĩa nhạc Trịnh ở hiên trà Trường Xuân lại do khách mến mộ biếu tặng. Và, đó cũng là một cách biểu lộ tình yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn của những con người đến với nơi  đây.

Hà Nội không có nhiều không gian bình yên như thế. Số quán cafe hay hiên trà nhạc Trịnh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Khách tới quán lúc nào cũng đông. Nhưng ai cũng ý tứ để không phá vỡ cái bình yên vốn có và “hớp” từng ca từ nhạc Trịnh.
 
“Xuân tâm một chén trà hương/ Nghe đời tĩnh lặng/ Nghe ta thái bình”- Lời bài thơ Thiền sư Minh Đức đề tặng hiên trà Trường Xuân. Và, hẳn đó cũng là tâm trạng, mong muốn của bao người khi tới những quán cafe hay hiên trà nhạc Trịnh này.
 
Giữa bộn bề của vòng xoáy cuộc đời, ta đi tìm chút bình yên nơi tâm tưởng.

Theo Văn Trinh - Quỳnh Trang (VTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm