Đề nghị đặt tên đường cho 2 vị chúa Trịnh

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà làm văn hóa, các nhà sử học cũng như con cháu dòng họ Trịnh trong cả nước, nhiều nhất là những người họ Trịnh hiện đang sống và công tác tại Hà Nội đến dự.

Đề nghị đặt tên đường cho 2 vị chúa Trịnh ảnh 1

Có tất cả 33 tham luận được trình bày tại Hội thảo, tập trung đánh giá, định vị lại vai trò của dòng họ Trịnh đối với sự nghiệp gìn giữ và phát triển của dân tộc trong lịch sử một cách khoa học, công bằng và chính xác. Với tư cách là người dạy học, tham gia Hội đồng biên soạn SGK lịch sử, GS Đinh Xuân Lâm đánh giá: Nhân vương Trịnh Cương là nhà chính trị kiệt xuất, nhà chính trị lỗi lạc và là nhà văn hóa uyên thâm có nhiều đóng góp cụ thể và to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây vừa là bằng chứng, vừa là tiêu chuẩn để chúng ta tiến hành điều chỉnh, sửa đổi một số sai sót, hạn chế trong SGK lịch sử khi đề cập đến thân thế và sự nghiệp của các chúa Trịnh. Tất nhiên, không thể làm một lúc là xong mà cũng cần phải xác định thêm, đến khi nào thấy đúng thì không thể không chỉnh lý. Bên cạnh đó, chúa Trịnh cũng gắn bó với đất Thăng Long nên nhân dịp chuẩn bị cho đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi cho rằng, đề nghị của dòng họ Trịnh về việc nên lấy tên Trịnh Tùng và Trịnh Cương đặt tên đường ở Hà Nội là hoàn toàn họp lý.

Cũng xin nói thêm, Nhân vương Trịnh Cương (1686 - 1729) người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là chắt của Định Nam vương Trịnh Căn và là vị chúa Trịnh thứ 6 thời Lê Trung Hưng, cầm quyền từ tháng 5 năm 1709 đến tháng 10 năm 1729. Ông được xem là nhà cải cách tài chính đầu tiên trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam đầu thế kỷ XVIII.

Tuy nhiên, kết thúc Hội thảo các nhà sử học vẫn chưa thể khẳng định hai đường mang tên hai vị chúa này sẽ ở Hà Nội hay một địa phương nào khác vì việc đặt tên đường phải tuân thủ một quy trình hết sức chặt chẽ.


Theo Hoàng Mai (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm