Đền Hùng náo nức trước ngày khai hội

Không khí tưng bừng của ngày Quốc lễ đang đến gần càng làm cho lòng người náo nức...

Mới sáng mùng 1 tháng 3 Âm lịch, cái nắng chói chang đầu hè đã không cản được dòng người hành hương về đất Tổ. Đến 4 giờ chiều mà các bãi đỗ xe vẫn còn chật ních.

Hàng quán ngăn nắp, băng rôn, cờ phớn đón du khách thập phương đến với lễ hội Đền Hùng.
Hàng quán ngăn nắp, băng rôn, cờ phớn đón du khách thập phương đến với lễ hội Đền Hùng.

Không gian thoáng đãng, lối đi sạch sẽ đó là cảm nhận đầu tiên của du khách đến với Đền Hùng năm nay. Và công việc của "chủ nhà" cũng đã đến hồi hoàn tất. Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng đã “dành tặng” cho du khách món quà bất ngờ, đó là chiếc màn hình rộng 50m2 đã được lắp đặt tại sân lễ hội để phản ánh các hoạt động trong ngày lễ.

Khu nhà đón tiếp khách tham quan với diện tích hơn 800 m2 được văn phòng Quốc hội chuyển giao cho di tích Đền Hùng với sức chứa hàng vạn người cũng vừa được hoàn thành, trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho khách hành hương.

Được biết, ngoài các hoạt động văn hoá truyền thống như: tổ chức rước kiệu của các làng; thi gói bánh chưng-bánh dày; các hoạt động diễn xướng dân gian đặc sắc của các địa phương như: Đờn ca tải tử (Nam Bộ), Quan họ (Bắc Ninh), hát Xoan, Ghẹo (Phú Thọ)... lễ hội năm nay sẽ có cuộc trưng bày trái cây 3 miền của 20 tỉnh, thành trong cả nước.

Những năm qua Đền Hùng vẫn được coi là nơi tổ chức lễ hội khá an toàn. Nạn chèo kéo khách gần như không còn, hiện tượng trộm cắp cũng được hạn chế vì hệ thống loa phát thanh liên tục cảnh báo cho khách, hiện tượng lên đồng, sóc thẻ từ lâu đã bị cấm hoạt động triệt để...

Anh Nghĩa, chủ cửa hàng bán đồ chơi đã gần 10 năm ở đây cho biết: “Lực lượng công an, bảo vệ ở đây nghiêm ngặt lắm, ngay cả các trò chơi điện tử được phép hoạt động nhưng chúng tôi cũng không dám làm ăn dối trá. Do vậy bên cạnh các đồ chơi cho trẻ con chúng tôi được khuyến khích bán chè sạch-đặc sản Phú Thọ”.

Các cụ già hào hứng hành hương về đất Tổ.
Các cụ già hào hứng hành hương về đất Tổ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Một trong những bất cập trong những ngày hội mà chúng tôi còn băn khoăn là vấn đề vệ sinh môi trường. Khách tham quan đã xả rác một cách vô ý thức, thậm chí có người nhìn thấy thùng rác đặt ngay cạnh mà cũng không bỏ vào khiến cho quang cảnh lúc cao điểm rất bừa bộn.

Mặt khác, vào những ngày cao điểm như mùng 8, 9, 10 mỗi ngày đến hơn 20 vạn người hành hương khiến cho các công trình phụ đều trong tình trạng quá tải. Chúng tôi đã dựng các nhà vệ sinh dã chiến trên dọc đường đi nên việc phóng uế bừa bãi cũng rất ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường”.

Năm ngoái lễ hội Đền Hùng được tổ chức ở quy mô quốc gia, cũng là năm đầu tiên cả nước đã có thêm một ngày nghỉ nên lượng khách đến Đền Hùng tăng đột biến (hơn 2 triệu lượt người). Năm nay dự kiến con số đó sẽ vẫn tiếp tục được duy trì.

Chỉ tính riêng ngày chủ nhật (mùng 1 tháng 3 âm vừa qua) đã có hàng vạn người hành hương về đất Tổ. Mấy năm gần đây, ngoài lượng khách là bà con Việt kiều về thăm, số lượng khách nước ngoài du ngoạn thắng cảnh Đền Hùng cũng gia tăng rõ rệt.

Gặp chị Ngân Hà, một Việt kiều Pháp (sinh ra tại Phú Thọ), chúng tôi được chị hàn huyên: “Xa quê hương gần 12 năm, ngày 10 tháng 3 nào chúng tôi cũng nhớ nhưng chỉ được nhìn lễ hội quê nhà qua ti vi, đến năm nay vợ chồng, con cái mới sắp xếp về thăm họ hàng. Càng đi mới càng thấy có lẽ chỉ dân ta mới giữ được “cội nguồn”, những nét văn hoá truyền thống quý giá như thế”.

5 giờ chiều 1/3 vẫn không ngớt du khách đến thăm Khu di tích Đền Hùng.
5 giờ chiều 1/3 vẫn không ngớt du khách đến thăm Khu di tích Đền Hùng.

Giỗ Tổ đã trở thành quốc lễ, ngày giỗ ông Tổ của cả nhân dân nước Việt, do đó một trong những mong muốn lớn nhất của Ban tổ chức lễ hội Đền Hùng là được các tỉnh bạn trong cả nước cùng “chung tay góp sức”.

Một tin vui vừa mới đến với Phú Thọ khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh này được chủ trì, phối hợp với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm và việc đóng góp nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ông Khôi chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng lần lượt mỗi năm sẽ có một vài tỉnh tham gia “chia sẻ trách nhiệm” cùng Phú Thọ, làm cho hoạt động lễ hội thêm hoành tráng, phong phú, vừa giúp việc quảng bá du lịch văn hoá ở phạm vi rộng hơn để làm cho người dân cảm thấy mùng 10 tháng 3 thực sự là dịp sinh hoạt văn hoá truyền thống đáng tự hào của dân tộc ta”.

Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như: Trưng bày sách, tư liệu với chủ đề: “Không gian văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương” (tại Thư viện Tỉnh); Triển lãm ảnh “Lễ hội Đền Hùng xưa và nay; Giỗ Tổ Hùng Vương trong cả nước” (tại Bảo tàng Hùng Vương);

Hội trại và liên hoan diễn xướng dân gian “Âm vang đất cội nguồn” (tại sân khấu số 2-Trung tâm Lễ hội Đền Hùng); Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày; trưng bày sản vật (tại sân khấu số 1-Trung tâm Lễ hội Đền Hùng); Đánh trống đồng, đâm đuống, hát Xoan, múa sư tử (tại sân khấu số 1-Trung tâm Lễ hội Đền Hùng);

Rước kiệu của xã Thanh Đình, Tiên Kiên, Hùng Sơn (tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng); Lễ hội bơi chải (Ngã ba sông-phường Bạch Hạc); Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng (tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng)…

THANH HÒA - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm