Giáo sư Momoki Shiro: Người Việt biết lượng thứ

Trong khuôn khổ năm giao lưu Mêkông-Nhật Bản 2009 và Tháng văn hóa Nhật Bản tại TP.HCM, Giáo sư Momoki Shiro (Đại học Quốc gia Osaka, Nhật) đã chủ trì nhiều buổi thuyết trình tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Nhân dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Giáo sư Momoki Shiro về các vấn đề lịch sử và văn hóa trong quan hệ Việt-Nhật.

Giáo sư Momoki Shiro: Người Việt biết lượng thứ ảnh 1

Biểu diễn trống Yoyogi Koen ở lễ hội Việt Nam 2008 tại Nhật. Ảnh: NHÁI

“Người Việt Nam mới” ở Nhật

. Vì sao giáo sư chọn thế kỷ 16, 17 để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cũng như nghiên cứu về quan hệ Việt-Nhật?

+ Khi còn là học sinh trung học, tôi đã rất thích học lịch sử và quan tâm đến cổ sử. Thời điểm đó, tôi và nhiều người Nhật khác quan tâm đến Việt Nam qua thông tin về chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Khi đó chưa ai đi sâu nghiên cứu về cổ sử nên thầy giáo gợi ý cho tôi nghiên cứu về cổ sử Việt Nam. Cách đây 30 năm, khi tôi bắt đầu nghiên cứu, tài liệu về Việt Nam hầu như không có ở Nhật. Sau đổi mới, Việt Nam bắt đầu cho người nước ngoài vào, tôi trực tiếp đến thư viện, di tích lịch sử để thực địa cho việc nghiên cứu.

. Quan hệ Việt-Nhật đã có từ lâu nhưng các quan hệ về văn hóa, lịch sử vẫn chưa phát triển nhiều...

+ Đúng vậy. Đến giờ quan hệ về mặt văn hóa, lịch sử vẫn chưa xứng đáng là quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc giao lưu văn hóa hiện đại giữa Việt Nam-Nhật phát triển khá nhưng văn hóa truyền thống, lịch sử cần phát triển thêm để có thể tăng cường hiểu biết giữa hai nước.

. Nhiều ý kiến cho rằng những giúp đỡ hiện tại của Nhật là một phần của việc bồi hoàn chiến tranh Nhật đã gây ra cho Việt Nam. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

+ Tội ác phát xít Nhật gây ra ở các nước thường bị lãng quên. Đó thực sự là điều đáng tiếc và là một kinh nghiệm lịch sử. Phát xít Nhật đã cai trị Việt Nam trong khoảng năm năm và đã gây nhiều ảnh hưởng xấu.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973, Nhật chưa có quan hệ ngoại giao với chính quyền miền Bắc Việt Nam mà chỉ có quan hệ với miền Nam. Vì vậy, việc bồi hoàn chiến tranh giai đoạn này chủ yếu tập trung vào miền Nam dù miền Bắc mới là nơi hứng chịu hậu quả nhiều nhất. Tuy nhiên, quan hệ Việt-Nhật với miền Bắc Việt Nam thời đó vẫn phát triển. Bởi ở Nhật hiện vẫn còn nhiều cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam với vai trò giúp Việt Nam chống Pháp, Mỹ.

Ngay ở Osaka nơi tôi dạy học, có cụ già hơn 90 tuổi được xem là “người Việt Nam mới” do cụ từng tham gia chống Pháp tại Thanh Hóa. Theo tôi, hiện tại Việt Nam có thể là trung gian hòa giải cho quan hệ Nhật-Hàn, Nhật-Trung... bởi người Việt biết lượng thứ.

Một phần di chỉ hoàng thành Thăng Long mất trắng

. Từ năm 2007, giáo sư tham gia khai quật di chỉ hoàng thành Thăng Long. Trong quá trình làm việc, điều gì khiến giáo sư lo lắng nhất?

+ Vấn đề trực tiếp nhất là bất đồng ngôn ngữ giữa các chuyên gia khảo cổ Việt Nam và Nhật. Thứ hai, phương pháp luận khảo cổ giữa hai nước khác nhau và gần đây mới bắt đầu bớt đối lập và hiểu nhau nhờ phiên dịch. Từ việc khai quật thiếu khoa học ban đầu nên một bộ phận khá lớn di chỉ hoàng thành Thăng Long bị phá hủy; từ đó một bộ phận lịch sử hoàng thành Thăng Long vẫn mãi là bí ẩn. Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất là việc thiếu hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, lịch sử dẫn đến vấn đề bảo tồn di chỉ kém hiệu quả.

. Trong một hội thảo, giáo sư từng có tham luận “Hãy học Việt Nam vì Nhật Bản học Việt Nam”…

+ Một trong những ý kiến tôi đưa ra trong tham luận là các chuyên gia Nhật Bản học và Việt Nam học nên chú ý đến văn hóa nước mình. Các chủ đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm đến kinh tế mà còn quan tâm đến chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử... Nếu không biết lịch sử, văn hóa nước mình, các bạn không thể làm việc được.

Nên giữ mô hình sản xuất nhỏ

. Việt Nam cần những điều kiện gì để có thể phát triển như Nhật?

+ Đây không phải là ý kiến riêng của tôi mà là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế rằng Việt Nam không nên vội vàng bắt chước mô hình sản xuất lớn của phương Tây. Kinh tế Nhật phát triển nhưng vẫn duy trì các cơ sở sản xuất nhỏ.

. Nhật bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải như thế nào, thưa ông?

+ Nhiều lý thuyết cho rằng Nhật là một quốc gia hải đảo nên khó xâm lược, Nhật là quốc gia không có tài nguyên nên chẳng ai muốn xâm lược. Tuy nhiên, những căn cứ để chứng minh cho lý thuyết này vẫn chưa thuyết phục lắm. Vào thế kỷ 16, 17, chính sách bế quan tỏa cảng được chính quyền trung ương thi hành chặt chẽ. Đây là chính sách lạc hậu, lỗi thời dẫn đến việc Nhật kém phát triển. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính sách đó phù hợp với điều kiện lịch sử thời kỳ đó và được gọi là chính sách thông minh bởi tránh được sự xâm nhập của các quốc gia phương Tây và sự lan tỏa của Trung Hoa. Để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải như Nhật gặp phải với Hàn Quốc và Nga, Việt Nam cần có chính sách ngoại giao khéo léo, đặc biệt phải hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực.

. Xin cảm ơn giáo sư.

Giáo sư Momoki Shiro (ảnh) sinh năm 1955, hiện giảng dạy tại Trường Cao học Nhân văn, Đại học Quốc gia Osaka (Nhật). Ông vừa là đại diện Hội Nghiên cứu giáo dục lịch sử Đại học Osaka, vừa là thành viên Ủy ban Chuyên gia phối hợp Nhật-Việt về bảo tồn di chỉ hoàng thành Thăng Long.

Ông nói và viết tiếng Việt khá chuẩn. Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học: Từ điển bách khoa Việt Nam (Sakurai Yumio - Momoki Shiro, Kyoto: Dohosha 1999), Sự biến đổi của xã hội Đại Việt thế kỷ 14 nhìn qua văn khắc-khảo sát trường hợp vùng Hà Tây (Đại học Quốc gia Hà Nội - Viện Khoa học xã hội Việt Nam)... 12 bài viết khoa học của ông từng được công bố nhiều tại Việt Nam cùng các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm