Giỗ tổ sân khấu: Trăm năm nhìn lại

Từ năm 2010, ngày giỗ tổ sân khấu (ngày 12-8 âm lịch) được Ban Bí thư công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam. Sân khấu đã có hàng trăm năm lịch sử tồn tại và sức lan tỏa hiếm thấy vào đời sống xã hội, chuyện về ngày giỗ và ông tổ của giới sân khấu Việt Nam đã trải bao thăng trầm với nhiều thế thái nhân tình đẫm nụ cười và nước mắt…

Vua, tướng cướp, ăn mày là tổ sân khấu?

Cho đến nay chẳng ai biết ông tổ sân khấu là ai và lễ giỗ tổ xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng từ khi những nghệ sĩ lão thành NSND Thành Tôn, Năm Châu, Phùng Há… còn nhỏ xíu thì đã thấy có lễ giỗ tổ rồi. Các học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi,… đã có nhiều nghiên cứu về ông tổ sân khấu và đưa ra nhiều yếu tố lịch sử, giai thoại, truyền thuyết… nhưng không chuyện nào giống chuyện nào. Nhiều truyền thuyết cho rằng ông thợ may, thợ rèn, thợ mộc, bà bán quán, một đứa bé, cả thần bạch mi của giới bán phấn buôn hương… là tổ sân khấu. Bởi như nhà nghiên cứu Đinh Bằng Phi nói: “Nghề hát phải học của tất cả nghề và mang ơn tất cả khán giả mọi thành phần đã nuôi sống mình”.

Song phổ biến nhất là câu chuyện: Tổ sân khấu là ba người gồm ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh đến mức cho tới tận nay, giới nghệ sĩ rất kiêng cho tiền người ăn xin. Ông Tần Nguyên, ký giả kịch trường trước 1975, kể: Nghệ sĩ Thành Được lúc nào cũng bảnh bao, tay đeo nhẫn hột xoàn nhưng ông không bao giờ cho tiền người ăn xin, chỉ bảo họ muốn ăn uống gì thì kêu đi rồi ông trả tiền. Nghệ sĩ Kim Cương nhớ cha bà (chủ gánh hát bội Phước Cương) còn trai trẻ, đi hát bằng ghe, ở những vùng xa, ăn cướp đi thành bang bằng ghe lớn như hải tặc nhưng không bao giờ đánh cướp ghe hát. Ghe của cha bà mỗi khi gặp cướp chỉ cần đánh trống thùng thùng thật lớn, họ biết là ghe hát là yên chuyện.

Truyền kỳ về hai vị hoàng tử mê hát, bị vua cha đang truy tìm, trốn trong hậu trường gánh hát rồi chết cháy mà hiển linh thành tổ sân khấu cũng phổ biến nên bàn thờ tổ luôn được đặt trong hậu trường. Truyền kỳ ông tổ sân khấu là một vị hoàng tử mê sân khấu, trốn vua cha vào trong bộng cây vông để theo gánh hát rồi chết trong bộng cây vông cũng được biết rộng rãi nên giới nghệ sĩ kỵ mang guốc vông và tượng tổ luôn làm bằng gỗ cây vông. Về tượng tổ sân khấu, là hình một nam nhân đen thui, mặc áo đỏ, quấn khăn đỏ, theo ông Tần Nguyên, thường do người trong các đoàn hát làm. Nghệ sĩ Kim Cương nói bà chẳng biết ai làm: “Hồi tôi còn nhỏ đã thấy mỗi đoàn hát có vài tượng tổ gọi là cốt ông. Các đoàn chỉ thờ số tượng lẻ chứ không thờ chẵn. Khi trưởng thành, làm chủ đoàn hát, tôi thấy hễ ai lập gánh thì đến Hội Ái hữu nghệ sĩ ở đường Cô Bắc, Sài Gòn (có từ năm 1948) thỉnh tượng tổ về thờ. Việc lập gánh, rã gánh trước 1975 rất dễ dàng, bầu nào bị rã gánh thì lại gửi cốt ông vào hội”.

Giỗ tổ sân khấu: Trăm năm nhìn lại ảnh 1

Danh hài Hoài Linh giỗ tổ với nghi thức trang trọng. Ảnh: VĂN BẢY

Chuyện đời qua lễ giỗ tổ

Cụ Vương Hồng Sển từng viết về một lễ giỗ tổ trang trọng mà ông chứng kiến ở năm 1948. Nghệ sĩ Kim Cương cũng kể lại lễ giỗ tổ trong gia đình bốn đời theo nghề hát của mình gần với lời thuật của cụ Vương: “Bà nội tôi - bà Ba Ngoạn - là bầu đến mấy gánh hát bội là người đứng ra cúng tổ. Bà mặc áo dài đỏ uy nghiêm, các cô chú đào kép trong đoàn cũng mặc áo dài, nam một hàng, nữ một hàng. Bà tôi thắp nhang xong khai trống, liền đó các hàng trống khác đổ rần rần theo từng bước đi của bà. Theo thứ bậc, từng đoàn đào kép vào lạy tổ… Với tôi, ngày cúng tổ là một ngày tết đầy vui sướng, được ăn uống thỏa thuê…”. Nghệ sĩ, như Kim Cương, coi giỗ tổ là tết - với mọi hoạt động thăm viếng, xã giao, kể cả làm ăn - vì ngày tết truyền thống nghệ sĩ phải diễn mỗi ngày có khi đến bốn suất phục vụ khán giả.

Có thể xem lễ giỗ tổ này xuất phát từ hát bội. Mà mấy trăm năm mở cõi vào Nam, khởi từ các chúa Nguyễn, ngành sân khấu với hát bội ban đầu và cải lương sau này gần như là phương tiện giải trí độc tôn của cả vùng đất phía Nam nên ngày lễ giỗ tổ và chuyện ông tổ sân khấu được người dân quan tâm khá nhiều. Những từ ngữ như tổ trác, tổ đãi… của giới sân khấu đã trở thành từ cửa miệng phổ thông để người dân chỉ sự may mắn hay xui rủi trong nghề nghiệp.

(Theo học giả Đinh Bằng Phi)

Ông Tần Nguyên thuật lại: “Trước 1975, lễ giỗ tổ sân khấu thường cúng ba hoặc hai ngày, khởi từ ngày 10 đến 13-8 âm lịch. Ngày đầu cúng chay, ngày sau cúng mặn với lễ chính là heo quay, tiệc mặn, ngày thứ ba cúng gà để xem chân gà đoán tốt xấu. Ngoài lễ cúng chính tại đoàn trong ngày 12-8, ngày 11-8 bầu gánh và giới nghệ sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn tụ về làm lễ tại Hội Ái hữu nghệ sĩ. Các ông bà bầu muốn mời đào kép của đoàn khác về hát cho mình thường chờ đến ngày này để tiếp cận họ. Vì nếu tiếp cận trong lúc bình thường sẽ bị bầu đoàn đó mướn người chặn đánh. Với đào kép chưa nổi danh, trong ngày cúng tổ có tục lệ hát hầu tổ, bất cứ ai trong đoàn cũng sẽ hát - diễn một đoạn ngắn nào đó mình tâm đắc nhất trước bàn thờ tổ và trước mặt cả đoàn. Đây là dịp các đào kép nhỏ nhắc các ông bà bầu về sự tiến bộ của mình để được lên hạng, lên lương”.

Chuyện đời của người nghệ sĩ xoay quanh ngày cúng tổ này còn được thể hiện khá rõ thân phận giàu nghèo, sang hèn. Những đoàn hát lớn, giỗ tổ luôn rình rang, heo quay để chật sân khấu, như nhà giàu ăn tết lớn. Những đoàn nghèo gọi là đoàn bầu tèo, hát ở những nơi heo hút, có khi cơm còn không đủ ăn, ngày giỗ tổ có được con gà cúng tổ đã là sang.

Ký giả Tần Nguyên kể: “Lúc mới giải phóng, tôi được chính quyền phân làm trưởng đoàn cải lương tập thể Trúc Giang ngay ở TP.HCM. Đoàn của tôi nhỏ quá, vé bán giá rất thấp, bà bầu lại còn lấy phần lớn doanh thu nên đời sống anh em càng khó khăn. Đến ngày giỗ tổ, đoàn không còn tiền, cô đào chánh vét hết tiền túi mua một con gà luộc. Cúng tổ xong cô mời tôi và lãnh đạo đoàn. Tôi xót quá, kêu anh ngoại vụ đi mua thiếu tiệm tạp hóa một ít đồ gia vị, la ghim về nấu nồi cháo để cả đoàn chia nhau”. Song ngay ở đoàn giàu vẫn có chuyện cám cảnh. Tại các lễ giỗ tổ, nghệ sĩ nổi tiếng, những người vai vế được săn đón, mời mọc, chia heo quay, bánh trái mang về gọi là lộc tổ. Còn công nhân hậu đài, những nghệ sĩ già yếu, khó khăn nhìn những lễ vật ê hề, dư thừa ở các lễ giỗ tổ với ánh mắt cam phận nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến họ.

Bước phát triển mới của sân khấu

Sau tháng 4-1975, lễ giỗ tổ đầu tiên tại TP.HCM có mặt ông Trần Bạch Đằng - đại diện cho chính quyền cách mạng - đến tham dự cùng nghệ sĩ Sài Gòn cũ tại Hội Ái hữu. Sau đó lễ giỗ tổ và bàn thờ tổ gần như bị dẹp bỏ, giới nghệ sĩ tổ chức lễ kín đáo, gọn nhẹ. Theo thời gian, những năm 1980, cùng với sự mở cửa và khôi phục nhiều truyền thống cũ, lễ giỗ tổ lan khắp từ các đoàn cải lương sang kịch nói cả nhà nước và tư nhân; sang đến cả giới ca nhạc, người mẫu, MC - những loại hình biểu diễn sân khấu xuất hiện sau này. Hiện các trường sân khấu và nhiều đài phát thanh-truyền hình có ban sân khấu cũng làm giỗ tổ như một dịp lễ lạc để gắn bó với nhau hơn trong nghề nghiệp. Sự vinh danh ngày giỗ tổ thành Ngày Sân khấu Việt Nam mang ý nghĩa lớn trong sự tôn vinh người nghệ sĩ.

Bên cạnh sự tôn vinh, một ủy ban chuyên trách của Quốc hội vừa có chương trình khảo sát và đề xuất với các bộ, ngành chức năng có những định chế bổ sung loại hình nào cần được đầu tư, loại hình nào cần được xã hội hóa để các loại hình sân khấu có thể tồn tại, phát triển trong điều kiện xã hội mới.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm