GS Trần Văn Khê và một buổi học ca trù

GS Trần Văn Khê và một buổi học ca trù ảnh 1

GS Trần Văn Khê - Ảnh tư liệu

Thanh khí tương cầm

Chuyện kể rằng trước khi GS Trần Văn Khê về nước theo chương trình của Trung tâm nghiên cứu Khoa học Pháp, GS đã được ông Alain Danniélou, Tổng Biên tập đĩa hát Unesco gợi ý: “Unesco đã xuất bản hai đĩa lớn: Việt Nam I về truyền thống ca nhạc Huế, Việt Nam II về truyền thống ca nhạc miền Nam nhưng chưa có đĩa nhạc nào của miền Bắc cả. Nếu ông cố gắng ghi âm được nhạc truyền thống miền Bắc, truyền thống chính cống chớ đừng có ca múa nhạc rập ràng như chúng tôi có dịp nghe trong chương trình mang tên hấp dẫn là “ca múa dân tộc” mà thật ra là nhạc ngoại lai, thì chúng ta sẽ có dịp xuất bản vài đĩa hát Việt Nam trong hai năm tới”.

Clip GS Trần Văn Khê giải thích cấu trúc thang âm Ca Trù

Từ gợi ý ấy, GS Khê quyết tâm thực hiện cho bằng được đĩa ghi âm nhằm giới thiệu, quảng bá cho Ca trù Việt Nam. Ông đã có chuyến về nước (1976) và đây cũng chính là lần đầu tiên GS đến miền Bắc sưu tầm nghiên cứu thực địa sau hơn ba mươi năm xa cách. Ông kể trong tập Tiểu phẩm (NXB Trẻ, 1997):

“Trong phòng họp của Hội nhạc sĩ Việt Nam chiều nay, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng thư ký của Hội có mời các nghệ nhân nổi tiếng trong giới Ca trù: anh Nguyễn Xuân Khoát, một nhạc sĩ lão thành vừa là chủ tịch Hội nhạc sĩ vừa là một nhà chuyên môn nghiên cứu Ca trù từ mấy chục năm nay để gặp tôi từ Pháp mới về Việt Nam được vài tuần lễ.

… Cụ Quách Thị Hồ, cụ Nguyễn Thị Phúc, ông Đinh Khắc Ban đàn Đáy, cụ Trúc Hiền Nguyễn Như Lâm tay trống chầu lão luyện: “Các cụ đây là nghệ nhân vào bậc nhất trong giới Ca trù miền Bắc”. Tiếp lời anh Đỗ Nhuận, tôi đứng dậy chào các cụ và nói:

- Kính thưa các cụ nghệ nhân, thưa các bạn, tôi là nhạc sĩ trong gia đình bốn đời chuyên đờn Tài tử theo phong cách miền Nam. Chúng tôi chưa có dịp học hỏi tìm hiểu truyền thống về Ca trù. Hôm nay được anh Đỗ Nhuận bố trí cho tôi gặp anh Nguyễn Xuân Khoát và các cụ để tôi có dịp học hỏi về Ca trù. Xin cảm ơn anh Đỗ Nhuận tổ chức đêm gặp gỡ này. Xin cảm ơn các cụ không ngại đường xa, đến đây để chỉ giáo cho chúng tôi về Ca trù.

- Ông đừng dạy quá lời. Rồi bà Quách Thị Hồ nói tiếp:

- Chúng tôi làm gì dám dạy ông giáo sư Tiến sĩ âm nhạc. Tôi chỉ là một người hát Ca trù, hát Ả Đào, từ năm lên sáu đã học hát với mẹ tôi là bà Vương Thị Xuyến. Mẹ tôi ngày xưa nổi tiếng là người hát hay. Khi thi với những người từ nhiều tỉnh lên dự, mẹ tôi đã được mọi người chấm là “đầu xứ” nhưng chỉ vì cái phách “nhụt tay” (tức là hơi kém “tròn trịa”) mà bà bị đánh tuột xuống “Á nguyên” (tức hạng nhì). Cụ hận mãi nên sau này khuyên tôi phải luyện phách cho thật giỏi. Tôi vâng lời mẹ nên không những học với mẹ mà còn học với dì và cứ nghe tiếng phách của ai là cố nhớ mà học.

NSND Quách Thị Hồ (11-6-1909–4 -1 -2001) là một nghệ nhân ca trù nổi tiếng. Bà là người đầu tiên đưa tiếng hát ca trù của Việt Nam ra nước ngoài. Năm 1988, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Ảnh tư liệu

- Bà Hồ ngày nay là nhất về “phách” không ai sánh được. Anh Khoát nói tiếp. Bà Hồ năm nay (thời điểm 1976) sáu mươi lăm tuổi, bà Phúc bảy mươi tuổi, trông hai bà đều còn khỏe mạnh.

- Tôi thì không may mắn như bà Hồ được học hát trong gia đình – Bà Phúc tiếp lời – Năm tôi mười hai tuổi mới bắt đầu học hát. Năm hai mươi tuổi tôi mới được mời đi hát. Con gái tôi là Trần Thị Tuyết cũng thích hát lắm nhưng tôi chỉ dạy cho cháu ngâm thơ thôi, học Ca trù rất công phu mà chẳng biết để làm gì, bà Phúc vừa nói vừa mỉm cười có vẻ chua chát.

Anh Đỗ Nhuận khen:

- Chị Tuyết ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam đấy, anh Khê có dịp hãy đón nghe chị ấy ngâm, hay lắm!

Anh Khoát tiếp lời:

- Tôi thích Ca trù từ lâu rồi. Tôi đã học hát và gõ phách với bà Hồ hơn sáu tháng, sau vì đi kháng chiến chín năm, không có dịp hát nên “mất cả tay”. Người anh họ của bà Hồ dạy tôi đàn Đáy nhưng tôi làm sao sánh được với ông Ban. Ông ấy đã chuyên nghiệp lại theo đàn cho bà Hồ từ lúc còn trẻ”.

Cuốn "Tiểu phẩm" hồi ký của GS Trần Văn Khê

Tri âm với ba nghệ nhân Ca trù

GS Trần Văn Khê nhớ buổi học Ca trù với những người bạn tri âm, ông kể: “Trong bầu không khí đầy thơ nhạc, cụ Trúc Hiền Nguyễn Như Lâm tức hứng viết mấy câu thơ kỷ niệm buổi họp mặt giữa các nghệ nhân Ca trù và tôi, trong đó có tên của mỗi người. Bà Quách Thị Hồ ngâm liền tại chỗ với tiếng đàn Đáy của Đinh Khắc Ban:

Ngày xuân, gặp bạn Trần Khê

Ban đàn, Hồ hát, hả hê “tính tình”

Trúc Hiền trống điểm xinh xinh

Ru hời bạn Phúc ra hình nhớ lâu

Nào nhả ngọc, nào phun châu

Lâm, Khê, Ban, Khoát nghiêng bầu tỉnh say

Trúc Hiền tặng mấy vần này

NSND Quách Thị Hồ – nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc (1952).Ảnh tư liệu

Ở đời gặp bạn tri kỷ khó lắm thay. Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Nhưng kỷ niệm ấy không thể nào quên đối với giáo sư Trần Văn Khê: "Vài tuần sau, khi được phép ghi âm để làm dĩa hát cho Unesco, chúng tôi lại gặp nhau trong phòng cách âm của Đài phát thanh “Tiếng Nói Việt Nam” để ghi nhiều bài bằng hai máy ghi âm của tôi. Cụ Trúc Hiền rất xúc động vì nghĩ rằng truyền thống Ca Trù lần này nhờ có người nghiên cứu từ xa về, sẽ được đem phổ biến trên thế giới, nên trong lúc nghỉ giải lao, cụ đã ghi lại trên một miếng giấy nháp mấy bài thơ tặng tôi. Có một bàiBắc Phản, Mưỡu và Hát Nói.

Tôi xin trích lại mấy câu trong bài Hát nói nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa người nghiên cứu âm nhạc và những nghệ nhân Ca trù:

… Bạn Văn Khê từng lịch lãm bao niên

Thì Đông Hải, Tây Thiên đâu có lạ

… Khách phong lưu gặp người phong nhã

Dẫu chưa quen mà cũng đã như quen

Có duyên không hẹn mà nên

Kìa ai nghiên cứu một thiên Ca trù

Đem tài khảo sát công phu

Đã thu giọng hát còn thu tiếng cầm

Mới hay thanh khí tương tầm

Trúc Hiền

GS Trần Văn Khê và một buổi học ca trù ảnh 5

NSND Quách Thị Hồ - Ảnh tư liệu

Bà Hồ đọc qua mấy bài thơ thấy thích:

- Tôi hát tặng ông Khê nhé ?

- Bà hát đi. Ông Ban đàn theo và tôi cầm chầu. Cụ Trúc Hiền trả lời.

Tôi ghi âm được bài đó mà tôi cho là quý nhất. Cụ Quách Thị Hồ chỉ đọc qua có một lần mà hát rất hay, cụ Trúc Hiền lắc đầu khen : “Chưa có ai không học thuộc bài, không tập luyện mà hát hay như bà”, bài hát đó không thuộc về bài bản của giới Ca Trù chuyên nghiệp nên không có người nào khác hát và lời thơ của cụ Trúc Hiền cũng rất độc đáo : chưa bao giờ có một nhà thơ mà ca tụng một người nghiên cứu Âm nhạc.

Từ đó tới sau mỗi khi về Nước tôi lại tìm đến thăm cụ để nói chuyện chơi hay được nghe cụ hát cho vài bài. Mỗi lần tôi có dịp giới thiệu Ca Trù cho khách Nước ngoài thì cụ sẵn sàng minh hoạ cho những bài thuyết giảng của tôi.

… Tiếng hát, tiếng đờn, tiếng trống chen nhau. Tôi ghi âm mà lòng vô cùng xúc động. Mới lần đầu trong đời tôi được một nghệ sĩ lão thành làm thơ tặng, không phải chỉ khen mình mà tuyên dương cả công trình nghiên cứu âm nhạc. Tôi nói với cụ Trúc Hiền:

- Xin cảm ơn cụ rất nhiều. Bài thơ nghe rất xúc động và giọng hát của bà Hồ, tiếng đờn của ông Ban, tiếng trống của cụ là một trong những kỷ niệm quý nhất của tôi trong chuyến về nước nôi giữ bài thơ do cụ chép trong tờ giấy nháp này”.

Nghệ nhân Quách Thị Hồ (hát), nhà thơ Ngô Linh Ngọc (cầm chầu) - Ảnh tư liệu

Nhớ tích xưa tiếng đàn của Bá Nha làm Chung Tử Kỳ nghe xúc động. Họ trở thành huynh đệ tri âm tri kỷ. Đến khi Tử Kỳ chết thì Bá Nha cũng đập vỡ Dao cầm vì cho rằng tiếng đàn của mình chỉ có Tử Kỳ mới hiểu cho nên người mất đàn cũng đập vỡ. Ngày nay trong buổi học Ca trù, giáo sư Trần Văn Khê đã cảm tấm lòng của những nghệ nhân dành tình cảm đặc biệt cho riêng mình.

Giáo sư bồi hồi: “Thơ trong giây phút đã biến thành nhạc phẩm. Thi sĩ, ca sĩ và nhạc sĩ đã chắt lọc lời thơ, điệu hát, tiếng đàn để tặng bạn tri âm. Chỉ có ba người mà tạo nên một bầu không khí diệu kỳ gây cảm xúc mãnh liệt trong lòng thính giả mộ điệu. Ca trù quả là nghệ thuật rất cao”.

Giải “oan” cho Ca trù

Một buổi học Ca trù của giáo sư Trần Văn Khê đạt nhiều kết quả ngoài mong đợi. Từ buổi học ý nghĩa lịch sử này, giáo sư Khê đã giải “oan” cho Ca trù.

Ảnh tư liệu

Ông viết: “Tôi rất vui vì lúc tôi mới về nước vào tháng 3 năm 1976, Ca trù còn bị coi là bộ môn nghệ thuật không được chấp nhận trong các chương nghệ thuật biểu diễn, trong các Nhạc hội hay trên đài phát thanh. Sau mấy buổi nói chuyện của tôi, trong đó tôi chứng minh rằng những “Ả Đào” mà có một thời người ta gọi là “Cô Đầu” không phải là hạng người “bán phấn buôn hương”. Người mê thú Ả Đào đâu phải là “phường trên bộc trong dâu”. Ả Đào ngày xưa trong lịch sử của chúng a là những người trong giới nông dân…

Ngày 20 tháng 4 năm 1976, tám ngày trước khi tôi lên đường trở lại Pháp, trên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Khoát được mời nói chuyện về những cái hay trong nghệ thuật hát Ả Đào. Rồi Ca trù được giới thiệu trên đãi hát Unesco, đĩa EMI ODEON số 064 – 18310 năm 1977, trên diễn đàn âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng. Và rồi Ca trù được tuyển lựa đứng vào danh sách những tiết mục xuất sắc nhất năm 1983”.

Vui thay! Ca trù đã được gỡ oan và ong sẽ tìm lại được vị trí xứng đáng trong nền cổ nhạc Việt Nam”.

Hát ca trùlà một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Namkết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở nửa phía Bắc Việt Nam. Hồ sơ đề cử Ca trù là di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm