Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Kỳ cuối: Làm giàu xoàng xĩnh kiểu Ái Nhĩ Lan

“Có ai ở Ireland mà không phải là gốc gác nông dân đâu nên lúc nào chúng tôi cũng quan tâm đến nông nghiệp, đến những sản phẩm tạo nên sức mạnh của nền kinh tế Ireland là sữa và thịt. Tôi cho rằng được làm một người nông dân là rất đáng tự hào” - bà Cáit Moran, đại sứ Ireland tại Việt Nam, ngồi giữa một cánh đồng thơm ngát lúa non, kể câu chuyện về xứ sở kỳ bí của mình...

Từ triết lý nuôi bò...

Người ta gọi Ireland là “hòn đảo ngọc lục bảo” vì lúc nào cũng phủ một lớp cỏ xanh rì, kèm thêm những bụi cỏ ba lá (như lá me đất) đặc trưng của xứ này. Hưởng một thứ khí hậu đầy độ ẩm của Đại Tây Dương thổi vào nên mỗi năm Ireland có đến chín tháng cỏ tươi roi rói. Điều này làm cho lượng cỏ tươi mà các con bò Ireland được ăn luôn dài ngày nhất thế giới so với lượng cỏ khô. Kéo theo đó là chất lượng sữa, thịt cũng tươi mới hơn. Do đó, cứ tưởng nông nghiệp là một thứ tự nhiên ở Ireland như hít thở khí trời nhưng hóa ra không phải.

Bà Cáit Moran kể những năm 1950, đất nước này không chú trọng nông nghiệp. Vì thế toàn bộ thanh niên Ireland đi khắp nơi để tìm việc làm. “Lúc đó, thứ mà chúng tôi xuất khẩu nhiều nhất chính là nhân công lao động. Người trẻ đi khắp châu Âu, sang đến Mỹ để làm việc. Làng mạc, cánh đồng và nông thôn chỉ còn những người già cô đơn ngồi mòn mỏi ngóng trông...”. 

Rồi thì nhà nước cũng kịp nhận ra sự đáng sợ của việc bỏ bê nông nghiệp. Chính quyền tiến hành hàng loạt chính sách truyền thông cũng như hỗ trợ để từng bước gầy dựng lại nền nông nghiệp: Thành lập viện nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ, các trường đào tạo nông dân, các đơn vị tư vấn kinh doanh cho nông dân... “Có ba nơi trên thế giới này phụ thuộc vào thương mại thế giới là Singapore, Hong Kong và Ireland. Bởi vậy nếu nền kinh tế thế giới hắt hơi sổ mũi thì chúng tôi cũng chịu trận đầu tiên. Bởi vậy tạo ra một nền nông nghiệp nội địa chính là đảm bảo cho sự an tâm của cả nước” - một đại diện của Cơ quan lương thực Ireland giải thích về việc nhà nước đổ rất nhiều kinh phí cho nông nghiệp. “Tôi thấy có một điều tự hào hơn là nông nghiệp Ireland được cấu thành bởi các trang trại gia đình và luôn giữ ở quy mô nhỏ này. Chúng tôi không có những tập đoàn nông nghiệp khổng lồ vì nông nghiệp Ireland chỉ cần những hộ nông dân là đủ!” - bà đại sứ nói thêm.

Để minh chứng cho việc này, chúng tôi được ghé thăm gia đình ông bà Richard Fitzgerald ở Mitcheltown. Hai vợ chồng vừa tròn 50 tuổi này sở hữu một trang trại rộng 32 ha và 65 con bò sữa. Stuart Childs, chuyên gia tư vấn chính phủ đang làm việc tại nông trại này, cho biết: “Đây là quy mô phổ biến nhất của các trang trại ở Ireland. Nó đảm bảo việc đất và cỏ đầy đủ cho việc nuôi thả toàn bộ số bò, cũng như không quá đông bò để một hộ gia đình có thể hoàn tất các công tác chăm sóc và vắt sữa”. Chàng tiến sĩ mới ngoài 30 tuổi này được văn phòng Teagasc, Cơ quan Phát triển nông nghiệp và thực phẩm Ireland, trả một nửa kinh phí, nửa còn lại do gia đình nông dân chi trả nhằm đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng của sữa, của bò, của cỏ cũng như chuyện bảo quản, phân phối và tài chính của trang trại này. “Toàn bộ nền nông nghiệp Ireland chọn triết lý tập trung tối đa vào nông nghiệp tự nhiên để có chất lượng xanh nhất. Do đó hầu như năng suất chỉ bằng một nửa bình quân của thế giới. Nhưng bù lại, chúng tôi có thể bán được mức giá cao gấp ba vì sữa hay thịt của Ireland đều được định vị là số một thế giới” - Stuart cho biết.

Đứng trò chuyện với vợ chồng chủ nhà cùng với anh cố vấn, đàn bò tò mò nhích tới từ từ, bao vây cả nhóm. Vợ ông Richard đưa tay vuốt ve một con bò, nói: “Con này tên là Lili, quậy phá nhất đàn”.

 

Vợ chồng chủ trang trại Richard Fitzgerald và những con bò tò mò có gắn chip trên tai. Ảnh: T.NGUYÊN

... Đến nghệ thuật khởi nghiệp

Bà Orla Flynn, Phó Hiệu trưởng Học viện Kỹ thuật Cork (CIT), bay một chuyến bay dài từ TP lớn thứ nhì Ireland sang Đà Nẵng để chấm thi cuộc thi Khởi nghiệp Startup Runway của sinh viên miền Trung. Giải nhất là một tháng học tập tại trung tâm ươm tạo doanh nghiệp của CIT. Họp ban giám khảo trước giờ thi, bà nói: “Tôi chỉ hơi lo lắng là nếu đội thắng giải không nằm trong lĩnh vực mà đất nước chúng tôi có nhiều kinh nghiệm thì hơi tiếc...”. Đến khi ba cô gái của ĐH Đà Nẵng với dự án nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ con giun quế được giải nhất, mọi người thoáng chút lo lắng, không biết xứ Ireland xa xôi và giàu có kia thì con giun quế có phát triển được không. Bà Orla chẳng nói gì, chỉ đưa phiếu điểm của mình, cũng vẫn chọn những con giun quế là đội vô địch.

CIT có quá chừng các trường thành viên, kể cả trung tâm huấn luyện hải quân quốc gia cũng nằm trong CIT vì Cork từng là cảng biển lớn nhất khu vực. Nhưng điểm nhấn của CIT trong vài năm nay lại chính là trung tâm Rubicon, trung tâm nghiên cứu và khởi nghiệp. Cấu trúc của Rubicon được thể hiện một cách trực quan thông qua kiến trúc của hai tòa nhà: Một bên là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, bên còn lại là chỗ của những ai muốn khởi nghiệp. Ở giữa là một mảnh vườn xanh với nhiều ghế và khoảng không để cư dân của hai tòa nhà dễ dàng “va vào nhau” để có thể hợp tác.

Đang đi trong vườn thì gặp Frank Fleming, một chàng trai có dáng vẻ rất thể thao. Người dẫn đường ở Rubicon cười: “Không còn là chàng trai đâu, anh ấy 53 tuổi rồi. Là chủ của ứng dụng đánh cá tên là Marine đấy!”. Chà, như vậy thì Frank nhìn trẻ hơn tuổi nhiều. Hỏi chuyện mới hay anh có 30 năm làm nghề đánh cá chuyên nghiệp ở các vùng biển khác nhau trên Đại Tây Dương. Chỉ mới một năm gần đây, trong một dịp tình cờ, anh quyết định… khởi nghiệp. Mà cả đời có biết gì ngoài việc đánh cá nên công chuyện khởi nghiệp của Frank chính là thứ mà anh giỏi nhất. Đó là xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động dành cho người đánh cá: Có thể ghi nhận loại cá, trọng lượng, khu vực biển thay cho các sổ ghi nhận thông thường. Có thêm định vị không gian tạo ra mã vạch cho các loại cá nên sau đó có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm… “Tôi muốn các anh em đánh cá của tôi ở Ireland có thể làm việc hiệu quả hơn. Tôi cũng chưa tính đến việc mở rộng toàn cầu vì chỉ cần mọi người đánh cá ở đây sử dụng thì đã đủ việc cho đội ngũ công ty tôi làm liên tục rồi” - Frank chia sẻ.

Những đơn vị đã tương đối hoàn tất sản phẩm và có nhiều nhân sự như Marine thì sẽ được bố trí làm việc trong những không gian riêng. Còn những bạn trẻ thì sẽ ngồi chung với nhau để có thể tương tác về ý tưởng, hỗ trợ nhau những mảng mà người này rành hơn người kia. Căn phòng chung này cũng là nơi mà nhóm giun quế từ Việt Nam sang sẽ tham gia. Ở đó, đủ quốc tịch, đủ thành phần khởi nghiệp. Có bạn đang làm dự án phiên chợ nông sản, có bạn cung cấp giải pháp tìm việc cho người vô gia cư, có bạn lại làm kính thực tế ảo… Mọi người rủ xuống dưới nhà xem sản phẩm được bình chọn là độc đáo của ngày hôm nay. Người ấy là Donal Lynes, chàng trai đang học thạc sĩ ở CIT, con lớn trong một gia đình giàu có sở hữu đến 200 con bò sữa. Donal từ nhỏ gắn với công việc trong trang trại nên sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí thì quyết định đầu tư nghiên cứu một cái máy lên men cỏ khô cho bò ăn. Sau hơn một năm, với sự hỗ trợ của rất nhiều phòng nghiên cứu, đơn vị chế tạo máy…, Donal đã làm ra cái máy và đang đăng ký bảo hộ bản quyền. “Cái máy đầu tiên này sẽ là quà tặng cho cha mẹ tôi. Họ sẽ rất vui vì con trai mình đã tạo ra một cái máy kỳ lạ như thế này” - anh nói đầy tự hào. Các giảng viên của Rubicon và CIT cũng có vẻ rất tự hào về một cái máy thực dụng và hiệu quả đã được tạo ra.

Không có những ý tưởng tạo ra doanh nghiệp tỉ đôla như… Việt Nam

Chợt nhớ đến những câu chuyện khác nhau về khởi nghiệp ở Ái Nhĩ Lan đã từng được nghe, là chuyện một nhóm tạo ra công ty chuyên sản xuất dưa muối, một đội làm ra món rong biển sấy giòn, một công ty khác làm sơn tường chống bám bẩn… Hầu như các dự án nổi bật trong khởi nghiệp của Ireland đều… xoàng xĩnh và thô mộc, không có những ý tưởng thay đổi thế giới, tạo ra doanh nghiệp tỉ đôla như ở Mỹ, Israel hay… Việt Nam. Goerge Bulman, Giám đốc điều hành của Rubicon, nói: “Chúng tôi quan tâm đến một thế hệ các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, tạo ra nhiều việc làm và doanh số tốt. Những yếu tố mang tính đột phá thì cũng rất được khuyến khích nhưng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của khởi nghiệp Ireland vẫn là tạo ra việc làm”.

Bởi cái cách nghĩ về khởi nghiệp kỳ lạ như vậy nên người ta mới… giàu, bởi mọi công sức được dành cho những gì thực tế nhất, tạo ra một đội ngũ nhiều doanh nghiệp bền vững nhất. Đó mới chính là sức mạnh của một nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm