Cá chết hàng loạt ở các nước: Bài học xương máu cần tránh

Hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian gần đây tại bờ biển miền Trung đang gây ra nhiều hoang mang cho người dân. Một trong những lo sợ lớn nhất là hiện tượng này sẽ để lại những hậu quả khủng khiếp cho sức khỏe con người, nếu quả thật cá chết là do tình trạng ô nhiễm công nghiệp. Các biến đổi khí hậu khắc nghiệt đôi lúc cũng góp phần gây nên nhiều trường hợp cá chết hàng loạt trên thế giới. Tuy nhiên, những bài học “xương máu” từ nhiều nước đã chứng minh một khi hiện tượng này là do bàn tay con người đầu độc môi trường gây nên thì những hậu quả luôn khủng khiếp vô cùng.

Sự nổi giận của thiên nhiên

Theo hãng tin trang Huffington Post (Mỹ), có nhiều nguyên nhân tự nhiên có thể khiến xảy ra hiện tượng thủy sinh vật chết hàng loạt. Tháng 1-2012, người ta đã phát hiện gần 20 tấn cá tầm chết hàng loạt và dạt vào bờ biển phía bắc Na Uy. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều lý giải như nồng độ ôxy trong nước biển đột ngột giảm mạnh vì tảo biển, bệnh tật của loài cá hoặc do thời tiết bão lớn. Những đàn cá đã chết ngoài biển sau đó bị đánh dạt vào bờ. Cũng tại Na Uy vào tháng 1-2014, nhiệt độ tại bờ biển phía bắc đã giảm mạnh đột ngột khiến hàng ngàn con cá bị đóng băng ngay trên mặt biển.

Còn tại Campuchia mới ngày 24-4 vừa qua, các cơ quan quản lý đã ghi nhận được hơn 65 tấn cá chết tại khu vực bảo tồn Tonle Chhmar, thuộc tỉnh Kampong Thom. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Campuchia Nao Thuok, nhiệt độ nước hồ đạt mức cao kỷ lục cộng với hạn hán kéo dài ở khu vực này đang đặt toàn bộ lượng cá trong vùng bảo tồn trong tình trạng báo động đỏ. “Chúng tôi đang tìm cách dẫn nước từ các hồ lân cận về để giữ nhiệt độ nước không quá nóng” - ông Nao Thuok cho biết. Trong vòng 10-15 ngày nữa, nếu như không có mưa, toàn bộ số cá tại khu vực này sẽ chết, theo The Bangkok Post. Từ khi được thành lập vào năm 2012 đến nay, đã có gần 100 tấn cá tại hồ Tonle Chhmar chết vì bão lớn. Đây là lần đầu tiên hiện tượng bị gây ra bởi nhiệt độ nước tăng cao đột biến. Nắng nóng kéo dài đã cô lập hồ Tonle Chhmar khỏi hồ “mẹ” Tonle Sap bằng 5 km đất khô cằn trước kia từng là một dòng kênh.

Không chỉ nắng nóng, mưa lớn cũng có thể gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt. Người dân xung quanh sông Lagoon tại bang Florida (Mỹ) vào tháng 3-2016 đã chứng kiến cảnh cá chết trắng rải rác khắp sông dài gần 80 km. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng El Nino đã khiến lượng mưa tại khu vực này tăng gấp ba lần so với bình thường khiến cho lượng chất thải sinh hoạt và phân bón nông nghiệp chảy vào dòng sông tăng đột biến. Điều này khiến cho nồng độ ôxy trong nước giảm mạnh và gây nên cái chết của hàng trăm ngàn cá thể cá ở dòng sông Lagoon.

Hãng tin Reuters nhận định dù cho nguyên nhân chính xác của các trường hợp này là gì chăng nữa, hiện tượng sinh vật biển hoặc sông chết hàng loạt nhìn chung đều liên quan đến sự mất cân bằng môi trường sống, cụ thể như do nhiệt độ thay đổi đột ngột hoặc do chính các hành động của con người gây nên.

Người dân huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế thu nhặt cá chết bên bờ biển.  Ảnh: AFP

“Tác phẩm” của con người

Có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn các vụ “thảm sát” cá trên thế giới đều có mối liên hệ đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường bởi con người, cho dù chính phủ nhiều nước vẫn thường xuyên phủ nhận.

Tại Thiên Tân (Trung Quốc) hồi tháng 8-2015, sau thảm họa nổ nhà kho chứa hóa chất khiến 114 người thiệt mạng, người dân phát hiện hàng ngàn con cá chết trắng cả bờ sông Hải Hà chảy qua TP Thiên Tân. Nơi xảy ra vụ nổ là một nhà kho chứa đến hơn 40 loại hóa chất công nghiệp, trong đó có cả một lượng lớn chất natri xyanua độc hại. Nhiều người dân địa phương lo sợ các đơn vị quân đội đã không thể kiểm soát được các chất độc này thấm vào nguồn nước. Tuy nhiên, ông Đặng Hiểu Văn, cựu lãnh đạo Trung tâm Giám sát môi trường Thiên Tân, cho biết nước sông Hải Hà không có nồng độ xyanua ở mức độc hại. Ông thay vào đó khẳng định cá chết là do sông… ô nhiễm từ trước đến nay, cộng với nhiệt độ cao mùa hè khiến mức ôxy giảm mạnh. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ chính quyền Thiên Tân về hiện tượng này.

Vào tháng 3-2016, người dân Campuchia cũng từng chứng kiến hiện tượng cá chết trắng cả bờ biển Ta Kuan. Theo ông Lamom Boonyong - Chủ tịch Hội Nghề cá quy mô nhỏ vùng Ban Paknam, người dân địa phương nghi ngờ chất thải từ Khu công nghiệp Map Ta Phut là nguyên nhân gây nên tình trạng này, dù cho chính quyền địa phương vẫn cho rằng cá chết là do trời nắng nóng. Tờ Bangkok Post cho biết tổng lượng cá chết có thể lên đến gần hai tấn. Penchome Sae-Tang, Giám đốc Quỹ Cảnh báo và Phục hồi sinh thái Thái Lan (EARTF), đã yêu cầu chính quyền địa phương công khai tên các nhà máy xả chất thải vào vịnh Pradu. Arpa Wangkiart, Phó Trưởng khoa Xây dựng môi trường tại ĐH Rangsit, cũng cho rằng tình hình ô nhiễm ở khu Map Ta Phut đã kéo dài suốt hơn sáu năm qua mà không có sự can thiệp của chính quyền.

Người mắc bệnh Minamata tại Nhật Bản thường có những cơn đau đớn khủng khiếp. Ảnh: Takeshi Ishikawa/ B&W

Ông Hideki Sato (giữa), lãnh đạo một nhóm vận động hỗ trợ các bệnh nhân Minamata, phát biểu sau khi tòa án từ chối ông nhận năm người mắc bệnh Minamata vào năm 2014. Ảnh: KYODO

Cơn ác mộng Minamata của Nhật Bản

Mặc cho những phản ứng và cảnh báo từ người dân và các nhà bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương tại nhiều khu vực xảy ra hiện tượng trên vẫn không quyết liệt vào cuộc điều tra. Điều này khiến tương lai của người dân ở các khu vực bị đặt trước những mối đe dọa không nhỏ về sức khỏe.

Người Nhật Bản giờ đây vẫn còn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng mang tên “hội chứng Minamata”. Không chỉ là tên gọi của một thị trấn công nghiệp nhỏ ở Nhật Bản, Minamata còn là tên của căn bệnh xuất phát từ thị trấn này. Những người mắc bệnh bị tổn thương lớn ở hệ thần kinh trung ương. Những người bệnh nặng thường rú lên vì đau đớn, thường xuyên co giật và bị liệt. Một số bệnh nhân bị mù, điếc hoặc mất trí và nhiều người bị nhẹ hơn thì tay chân run, mất cảm giác, mất thăng bằng. Phụ nữ nhiễm metyl thủy ngân khi mang thai sẽ có nguy cơ sinh con liệt não, bị điếc, bị mù hoặc đầu quá nhỏ, lớn lên thì tâm trí phát triển chậm.

Các bác sĩ Nhật Bản lần đầu tiên phát hiện bệnh nhân mắc hội chứng này vào năm 1956, tại Minamata. Sau quá trình điều tra, người ta đã phát hiện nhà máy sản xuất acetaldehyde của Tập đoàn Chisso tại thị trấn này đã đổ thải trái phép gần 27 tấn chất metyl thủy ngân không qua xử lý vào vịnh Minamata. Lượng hóa chất khổng lồ này đã tích tụ trong sò và cá của vùng vịnh, đầu độc người dân Nhật Bản. Đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố căn bệnh này do Công ty Chisso gây ra vì đã làm ô nhiễm môi trường.

Tính đến nay, chỉ mới có 3.000 người được xác nhận mắc “hội chứng Minamata”. Một số người phải mất hơn 30 năm để được nhận tiền bồi thường. Năm 2001, có khoảng 1.700 trong số 2.200 người bị chết vì bị ảnh hưởng bởi độc chất từ nhà máy hóa chất ở miền Nam Nhật Bản, là do bị ngộ độc vì ăn cá ở địa phương. Sau hơn 50 năm dai dẳng, tòa án Nhật Bản vẫn còn đang phải thụ lý nhiều vụ kiện bồi thường liên quan đến bệnh Minamata, theo Japan Times. Cơn ác mộng này cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Tokyo vào cuộc quyết liệt trước thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong năm 2010. Nhiều người dân Nhật Bản đã lo sợ một lần nữa bị đầu độc do các chất phóng xạ rò rỉ ra biển.

Quốc tế quan tâm vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung Việt Nam đã được nhiều tờ báo và trang thông tin môi trường nước ngoài quan tâm đăng tải. Những tờ báo lớn như AFP, The Guardian (Anh), Channel News Asia (Singapore) đều đã đăng tải thông tin tổng quan về vụ việc. Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, trả lời hãng AFP cho biết: “Chưa từng thấy hiện tượng này xảy ra trước kia”. Trang theo dõi về môi trường cá thế giới The Fish Site cũng cho dẫn lại thông tin về vụ việc. Tờ The Strait Times (Singapore) cũng đã nhanh chóng cập nhật thông tin mới nhất về phản hồi “chọn tôm, cá hay nhà máy thép” của ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, ngày 25-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm