Cái chày, tấm thớt Phú Long

Nghề làm cối, chày, thớt gỗ ở ấp Hòa Long (Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) ra đời cách đây không lâu. Nghề xuất phát từ nhu cầu của người dân và nguồn nguyên liệu gỗ phong phú trong vùng.

Sắm chày cối đón tết

Những tháng giáp tết, làng nghề Phú Long phải hoạt động hết công suất để làm các sản phẩm cối, chày, thớt. Bởi nhu cầu của người dân trong dịp này rất cao. “Hễ đến dịp tết là ai cũng muốn sắm cho nhà mình bộ cối, chày, thớt mới cho tươm tất nên thời gian này thường hay thiếu hàng. Chúng tôi phải tranh thủ làm trước tết vài tháng thì mới kịp cho thương lái tới lấy” - ông Nguyễn Văn Năng nói.

Cái chày, tấm thớt Phú Long ảnh 1

Cắt gỗ để làm sản phẩm

Ông Năng là người có thâm niên lâu năm trong nghề. Ông kể khi xưa, vùng đất Lái Thiêu hoang sơ, rừng nhiều cây gỗ nên nghề mộc phát triển. Ông Hai Thiệt, người đầu tiên sáng lập ra nghề, tận dụng những khúc gỗ thừa của thợ mộc để làm thớt. Ông làm thớt bán cho người trong vùng rồi truyền nghề lại cho con cháu. Người trong làng quen gọi ông là ông Hai Thớt vì tên của ông gắn liền với nghề làm thớt gỗ.

Làng nghề Phú Long bây giờ ngày một phát triển, không chỉ sản xuất thớt mà còn có các dụng cụ khác như chày, cối gỗ. Nghề này đơn giản, phát triển theo kiểu cha truyền con nối. Cái nghiệp làm thớt, chày, cối gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây. Làng Phú Long có hơn 20 cơ sở lớn nhỏ làm việc quanh năm.

Các tư thương đến mua sản phẩm, đem đi phân phối các nơi. Thớt Phú Long đã có mặt ở các tỉnh miền Tây và phía Bắc. Những sản phẩm của cơ sở sản xuất lớn, đã đăng ký thương hiệu còn được bán trong các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.

Cái chày, tấm thớt Phú Long ảnh 2

Cối, chày, thớt của làng nghề Phú Long

Máy móc giúp tay nghề thêm khéo

Có dịp dạo qua làng Phú Long, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng là gỗ và gỗ. Gỗ ở trong nhà, ngoài sân, tận trong các con hẻm cũng có. Mạt cưa, dăm bào và các mảnh gỗ thừa vương vải khắp nơi. Xa xa đã nghe tiếng máy cưa, máy tiện rì rầm tạo nên một không khí đặc trưng khác hẳn so với các làng nghề khác.

Ngày xưa, tất cả các công đoạn được làm thủ công. Hiện nay, máy móc hiện đại đã giúp cho người thợ làm việc đơn giản và tạo ra nhiều mẫu mã đẹp hơn. Ông Nguyễn Phê có thâm niên trong nghề nói: “Khi trước cắt gỗ làm thớt mọi người phải dùng cưa tay. Hai người thay phiên nhau kéo cả ngày nhưng chỉ được dăm bảy tấm. Ngoài ra còn phải bào phẳng, đánh bóng gia công thêm thì mới được một tấm thớt hoàn chỉnh. Bây giờ làm nghề sướng hơn, các công đoạn đã có máy móc phụ giúp nên rất nhanh”.

Nguyên liệu thường dùng là gỗ xà cừ, tràm và me vì nó có vân gỗ đẹp và không bị nứt khi gia công. Hiện nay, xà cừ vẫn được chuộng nhất. Hằng ngày, những xe chở gỗ xà cừ từ Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai được vận chuyển về làng Phú Long vì trên địa bàn hầu như đã hết loại gỗ này.

Cái chày, tấm thớt Phú Long ảnh 3

Tiện cối

Gỗ chọn làm thớt phải thẳng, không bị nứt, được tạo hình khi còn tươi. Sau đó thớt được đưa vào lò kín để sấy cùng với chày và cối đã được tiện thành hình. Mỗi lò sấy từ 2.000 đến 4.000 thớt. Phải hơn 10 ngày sau, các thớt gỗ này mới lấy ra để bào mặt và đánh bóng. Làm kỹ như vậy thì gỗ không bị nứt và biến dạng khi gia công. Những gia đình làm nghề nhỏ lẻ, không có điều kiện sấy thì đem gỗ ra phơi nắng nhiều ngày rồi mới tiếp tục làm các công đoạn tiếp theo.

Anh Lê Văn Nam, một chủ lò cho biết: “Khi sấy gỗ, người thợ phải thức nhiều đêm liền để trông lửa. Làm sao cho lửa vừa đủ để gỗ khô đều mà không bị cháy sém hoặc khô non. Khi đó gỗ mới đẹp và bền được”.

Nét độc đáo của nghề này là có thể tận dụng mọi thứ trên thân cây để làm nguyên liệu. Thân gỗ lớn dùng để làm thớt lớn, thân nhỏ thì làm thớt nhỏ. Nhánh cây lớn được cưa ra từng khúc để tiện thành cối, nhánh nhỏ hơn thì dùng để làm chày. Những cành cây nhỏ hơn tưởng chừng bỏ đi nhưng cũng được một số người thợ dùng để làm các đồ mỹ nghệ. Vì vậy mà khi mua cây, người ta lấy từ gốc đến ngọn để đem về.

Tâm thớt đi Tây

Những sản phẩm của làng nghề len lỏi vào tận bếp của người dân và trở thành vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình. Theo người dân ở đây thì nghề này ngày càng phát triển, không lo bị thất nghiệp.

Những năm 90, hàng loạt các cơ sở mới ra đời nhưng các sản phẩm làm ra chỉ dừng lại ở việc bày bán tại các chợ với mức giá thấp. Xã hội ngày càng thay đổi, con người đòi hỏi phải có những sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đẹp. Cối, chày, thớt gỗ Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi các hàng khác của Thái Lan, Trung Quốc với chất liệu nhựa rẻ hơn nhiều. Nhận thức được điều này, một số cơ sở đã đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống của làng nghề. Mặt khác, họ còn đứng ra đăng ký thương hiệu để sản phẩm dễ tiêu thụ hơn.

Cái chày, tấm thớt Phú Long ảnh 4

Gọt thớt

Trăn trở về một thương hiệu cho làng nghề, ông Nguyễn Quảng tâm sự: “Năm 1997, tôi đã tập hợp một số cơ sở nhỏ lẻ, mạnh dạn đứng ra đăng ký thương hiệu cối, chày, thớt Phú Long. Sau đó, tôi tiếp thị các sản phẩm này vô các siêu thị để bày bán. Thành công bước đầu đã làm động lực cho tôi tiếp tục liên hệ với một số Việt kiều để đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở nước ngoài. Hiện giờ, thớt, chày, cối Phú Long đã có mặt ở các nước Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản”.

Không chỉ dừng lại ở việc làm thớt, chày, cối, nhiều cơ sở sản xuất ở Phú Long đang chuyển sang làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu. Nhiều cơ sở như ông Quảng, ông Năng đã nhận được các đơn đặt hàng từ nước ngoài, mở ra hướng đi mới cho làng nghề Phú Long.

HUYỀN VI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm