Chính sách đối ngoại Philippines đang hướng về đối nội

Trong một bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ) ngày 14-8, Phó Giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian (Philippines) nhận định Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là nhân vật có nhiều khả năng sẽ cách mạng hóa chính sách đối ngoại của chính phủ Manila. Philippines nhiều khả năng sẽ trải qua một cơn địa chấn dưới thời Tổng thống Duterte.

Đổi chiến lược biển Đông?

Lên cầm quyền, Tổng thống Duterte không những nhanh chóng củng cố vị trí trung tâm của mình trong hệ thống chính trị Philippines mà còn có bước điều chỉnh lớn đối với chính sách đối ngoại, đặc biệt trong chính sách đối với Trung Quốc và Mỹ.

Không giống người tiền nhiệm Benigno Aquino III, Tổng thống Duterte quyết định “chìa cành olive” ra với Trung Quốc, mà hành động rõ ràng nhất là gửi cựu Tổng thống Fidel Ramos sang thương lượng với Trung Quốc về biển Đông. Tổng thống Duterte nhấn mạnh cần thiết phải tách bạch vấn đề tranh chấp với các vấn đề hai bên có quyền lợi chung. Vị tân tổng thống cũng sẵn sàng hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng công của Philippines.

Trọng tâm trong la bàn chiến lược đối ngoại của Tổng thống Duterte nhiều khả năng sẽ là Trung Quốc. Theo ông Heydarian, sự lựa chọn này xuất phát từ lo ngại căng thẳng trên biển Đông sẽ leo thang, đặc biệt trong bối cảnh sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng gia tăng, đà quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông vẫn rất mạnh và thái độ ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc sau khi bị Tòa Trọng tài quốc tế xử thua ở biển Đông.

Sau chuyến thăm phá băng quan hệ với Trung Quốc, gặp nhiều chính khách và học giả cấp cao Trung Quốc, cựu Tổng thống Ramos - đặc phái viên của ông Duterte đã nhận được lời mời từ phía Trung Quốc tiếp tục các cuộc thương lượng cấp cao về biển Đông với Trung Quốc.

Kết quả này có thể xem là tiền đề cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Duterte và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề hội nghị ASEAN cuối năm nay, ông Heydarian nhận định. Có thông tin ông Duterte đang cân nhắc sẽ chọn Trung Quốc làm điểm công du nước ngoài đầu tiên của mình ở cương vị tổng thống.

Tổng thống Philippines Duterte (phải) bắt tay đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg trong cuộc gặp ngày 19-7. Ảnh: RAPPLER

Không chịu xin lỗi

Trong khi đó, ông Duterte lại rất thẳng thừng về thái độ mà ông cho là “thiếu ủng hộ” của Mỹ với Philippines giữa lúc nước này đang trong căng thẳng tranh chấp hàng hải. Ông Duterte đã từng nói thẳng: “Tôi chỉ muốn hỏi đại sứ Mỹ, liệu Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tranh chấp biển Đông?”.

Thực ra, từ lúc vận động tranh cử, ông Duterte đã nhấn mạnh mình sẽ tạo ra một chính sách đối ngoại độc lập hơn, bớt lệ thuộc vào Mỹ. Và ông nhanh chóng lặp lại điều này ngay khi vừa đắc cử: “Tôi sẽ tạo ra một hướng đi mới cho Philippines và sẽ không phụ thuộc vào Mỹ”. Giữa lúc vận động tranh cử, sau khi hai đại sứ Mỹ và Úc tại Philippines chỉ trích các tuyên bố, những lời bình luận gây sốc, đầy tranh cãi của ông, Duterte không ngần ngại yêu cầu hai nhà ngoại giao này “im miệng lại”. Duterte khi đó cũng mạnh miệng đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ một khi ông đắc cử tổng thống. Vị tân tổng thống cho rằng các thế lực nước ngoài đang can thiệp vào chuyện nội bộ của Philippines và điều đó là không thể chấp nhận.

Mới đây, ông Duterte đã cả gan sỉ nhục cả vị đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg. Phía Mỹ đã gây áp lực bằng cách triệu tập đại diện ngoại giao Philippines ở Mỹ để phản đối nhưng ông Duterte nhất định không chịu xin lỗi. Chưa hết, Mỹ cảnh cáo sẽ cắt viện trợ quân sự cho Philippines nếu ông Duterte không chấm dứt việc giết nghi phạm ma túy bừa bãi không qua xét xử. Ông Duterte một mặt nói rằng sẽ điều tra những vụ việc vi phạm nhân quyền trong chiến dịch này nhưng mặt khác lại tuyên bố sẽ không dừng càn quét tội phạm ma túy.

Richard Heydarian nhận định đây có vẻ không chỉ là sự bất đồng ngắn hạn giữa hai đồng minh Philippines và Mỹ. Không loại trừ khả năng Duterte đang điều chỉnh dần dần chính sách quan hệ của Philippines với Mỹ cũng như với Trung Quốc. Ông Duterte rất có khả năng sẽ trở thành vị tổng thống cứng rắn và quyết liệt nhất Philippines về chính sách đối ngoại.

Tổng thống Duterte (phải) vừa phái cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos (trái) sang đàm phán với Trung Quốc về biển Đông. Ảnh: STRAIT TIMES

Thực dụng về kinh tế

Theo ông Heydarian, ưu tiên lúc này của ông Duterte là mở rộng quan hệ chiến lược với các nước châu Á, đặc biệt với Nhật và Trung Quốc. Ông Nick Bisley, ĐH La Trobe (Úc), đánh giá vị tân tổng thống chủ yếu đặt trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines.

Mối quan hệ giữa Tokyo và Manila cũng sẽ phát triển theo định hướng này của ông Duterte. Từng là thị trưởng TP Davao, ông Duterte có quan hệ tốt với các nhà đầu tư Nhật cũng như với các nhà ngoại giao Nhật. PGS Heydarian cho biết ông từng trao đổi với nhiều quan chức Nhật và có vẻ phía Nhật rất tự tin vào tổng thống mới của Philippines. Tokyo đang muốn mở rộng quan hệ chiến lược với Manila. Mới đây Ngoại trưởng Nhật Minoru Kiuchi đã thăm Philippines, hứa sẽ hỗ trợ 2 tỉ USD cho các dự án phát triển hạ tầng Philippines. Chưa hết, Nhật cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Philippines một máy bay giám sát và hai tàu bảo vệ bờ biển để tăng năng lực tuần tra hàng hải.

Chuyên gia Nick Bisley cho rằng ưu tiên chính của ông Duterte, ít nhất về ngắn hạn lúc này, là đối nội. Tất cả chính sách đối ngoại của ông Duterte đều là để phục vụ cho lợi ích đối nội, ngay cả vấn đề tranh chấp biển Đông cũng thế.

Dù là một chính khách cổ súy chủ nghĩa dân tộc và cứng rắn trước sự can thiệp từ nước ngoài, ông Duterte sẽ không muốn “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ với Bắc Kinh như người tiền nhiệm, phần lớn cũng do các ưu tiên đối nội mà ông đặt ra.

Nick Bisley nhận định với định hướng đối ngoại mới của ông Duterte, Washington chắc chắn sẽ rất nhớ nhung một Tổng thống Aquino từng kề vai sát cánh trong các vấn đề khu vực. Trái lại, Bắc Kinh hẳn đang rất phấn khởi khi biết có thể “làm ăn” dễ dàng hơn với Manila.

Không đánh cược vào ASEAN

Ông Bisley đánh giá ASEAN có thể sẽ là bên chịu thiệt nhiều nhất trước sự thay đổi về chính sách đối ngoại của Philippines. Với định hướng chú trọng các lợi ích đối nội hơn là môi trường quốc tế, chính sách đối ngoại dưới thời ông Duterte sẽ khiến lộ trình xây dựng cộng đồng kinh tế và chính trị của ASEAN thêm khó khăn. Trong Hội nghị Ngoại trưởng mở rộng vừa qua, ASEAN dù đã ra tuyên bố chung về biển Đông nhưng vẫn không thể tìm được sự thống nhất về phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài quốc tế. Đáp lại vấn đề này, ngoại trưởng Philippines trả lời thẳng đã từ lâu không quá trông mong vào sức ảnh hưởng tổ chức khu vực đối với các tranh chấp hàng hải.

Mỹ phải cẩn thận “đọc vị” Duterte

Mỹ ngay từ đầu rõ ràng đã muốn thể hiện thiện chí với tân tổng thống Philippines. Chính phủ Mỹ liên tục gửi hai nhà ngoại giao cấp cao đến Philippines, đó là Ngoại trưởng John Kerry và cố vấn Bộ Ngoại giao Kristie Kenney. Tổng thống Mỹ Obama cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng và trực tiếp điện đàm nói chuyện với ông Duterte khi ông đắc cử.

Washington và Manila bắt đầu có các dấu hiệu “cơm không lành, canh không ngọt” trong các tuyên bố. Tuy nhiên, chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng quan hệ đồng minh giữa hai nước không nên bị tác động chỉ vì vài lời nói cứng rắn của vị tân tổng thống. “Cả hai nước khá gần gũi về lợi ích quốc gia. Quan hệ đồng minh đã được cải thiện mạnh mẽ dưới thời ông Aquino. Tính cách cá nhân vị tổng thống có tác động một phần. Tuy nhiên, nền tảng vẫn là các lợi ích quốc gia tương đồng với nhau” - kênh CNN dẫn lời ông Poling.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm