Chợ quê ngày tết

Ngày nay, siêu thị, trung tâm mua sắm đua nhau mọc lên như nấm, thậm chí có cả chợ xây bề thế ở làng quê. Vậy mà các chợ quê vẫn thu hút kẻ mua người bán.

Đầu năm đi chợ cho hên

Xuân về, ai cũng mong có sự khởi hành tốt để đường làm ăn trong năm được gặp may và phát đạt. Ở làng quê Quảng Nam, nhiều người quan niệm đi chợ ngày xuân là bước khởi hành tốt vì không khí chợ quê đâu đâu cũng nhộn nhịp vui tươi. Họ đến chợ không chỉ để mua bán, mà còn để sẻ chia, học hỏi kinh nghiệm làm ăn lẫn nhau.

Chợ quê ngày tết ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Nhơn bên thúng bánh tét, bánh ít tại chợ làng Tam Dân

Hàng hóa ở chợ chủ yếu là nông sản dân dã, thô mộc do người nông dân làm ra. Gọi chợ cho “sang”, chứ thực ra đây chỉ là nơi trao đổi, buôn bán của người nhà quê nằm ở đầu đường hay giữa xóm. Chỗ nào đường sá thuận lợi, thông thương được giữa các làng kế cạnh với nhau thì chợ hình thành.

Chợ chẳng có mái che kiên cố, chỉ dựng lều căng bạt và chỉ đông đúc trong vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Riêng ba ngày tết, chợ quê hoạt động lâu hơn. Những người buôn bán nghèo xem ngày tết như cơ hội làm ăn, kiếm chút đỉnh cho gia đình trang trải cuộc sống.

Chợ quê ngày tết ảnh 2

Sắm sửa vật dụng đón tết

Chợ quê ngày tết có đủ thứ hàng hoá, sản phẩm phong phú và đa dạng. Những món hàng này là đặc sản dân dã của quê nhà, là nhu vật phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trong dịp tết. Hình như tất cả những “đặc sản”, hương sắc quê nhà đều được họ bày bán, xem như món quà ban tặng cho ngày xuân.

Đặc sản chợ quê

Bánh chưng, bánh tét, buồng cau, vài chục trứng, cặp gà, cặp vịt… bán ở chợ quê tuy nhỏ nhưng lại thấm đẫm tình cảm. Cả giống cây trồng, giống con vật nuôi cũng bày bán khắp nơi ở chợ.

Bà Nguyễn Thị Nhơn (thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) gắn bó với chợ làng Tam Dân từ thời con gái. Giờ đã 75 tuổi, bà vẫn gắn bó với nghề làm bánh tét, bánh chưng, bánh ít. Mỗi ngày, bà Nhơn chỉ bán chạy vài chục cặp bánh chưng, 5-7 đòn bánh tét… Bắt đầu từ tháng Chạp Âm lịch hằng năm, đặc biệt trong 3 ngày tết, những loại bánh thủ công trở thành món khoái khẩu với người già và trẻ em vùng nông thôn.

Chợ quê ngày tết ảnh 3

Đồ thủ công đan đát bày bán ở chợ quê

Bà Nhơn bảo chợ làng được hình thành trước khi bà chào đời. Gần 100 năm qua, chợ vẫn cứ bám sát dọc đường. Dù tuổi cao, bà Nhơn vẫn không chịu rời xa cái chợ làng bé nhỏ này. “Đơn giản vì tôi sợ cảnh ăn không ngồi rồi. Vả lại hằng đêm, bên bếp lửa nấu bánh tét, bánh chưng bập bùng, tôi như tìm thấy được hương vị của ngày xuân” - bà Nhơn bộc bạch.

Gần 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Công (thôn Kỳ Tân, xã Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn chung thủy với nghề bán trầu cau ở chợ. Dù mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, nhưng chị vẫn không chuyển sang buôn bán mặt hàng khác. Chị nói buôn bán cau không cần vốn lớn. Bình quân mỗi ngày chị bán khoảng 5-6 buồng cau. Lãi chẳng bao nhiêu nhưng với chị, tìm thấy niềm vui trong mỗi buổi chợ còn quan trọng hơn nhiều.

Chợ quê ngày tết ảnh 4

Vịt giống, cây giống cũng bày bán ở chợ

Ở những chợ nghèo trên vùng quê Quảng, đâu đâu cũng thấy bóng dáng các bà, các cụ ngồi lom khom bán những bó rau, nải chuối, trái cà, củ khoai, các loại bánh… do chính bàn tay họ làm ra. Cụ Bùi Thị Huệ, 75 tuổi (thôn 3, xã Tiên Thọ, Tiên Phước, Quảng Nam) ngồi lu khu trên chợ làng Tiên Thọ chỉ để bán mỗi loại hoa cúc. Năm nào cũng vậy, cụ Huệ tận dụng miếng đất gần 300 m2  trong vườn nhà để trồng hoa cúc phục vụ tết. Với cụ Huệ, mỗi ngày bán chừng 7-8 bó hoa kiếm vài chục nghìn đồng là đủ mua trầu cau và thực phẩm. Cụ bảo ở chợ quê, nhờ biết sản xuất và trồng các loại rau, hoa phục vụ tết mà người nghèo đỡ vất vả hơn.

Không đồ sộ như siêu thị, chợ quê vẫn có hấp lực và giá trị riêng mà không phải ai cũng nhận thấy hết. Nhiều ngôi chợ xây dựng khang trang ở các làng quê Quảng Nam giờ vẫn đìu hiu vì chẳng mấy ai thèm đến chợ. Người nhà quê ngại đến siêu thị hay các trung tâm mua sắm vì họ nghèo.

Nhưng quan trọng hơn, thói quen chỉ thích chợ quê của người nhà quê khiến chợ quê cứ tồn tại mãi. Người ta đi chợ quê không chỉ để mua sắm, mà còn gặp gỡ tán chuyện, trao đổi đời sống văn hoá tinh thần. Giá trị văn hoá, lịch sử thiêng liêng của những ngôi chợ quê là ở chỗ đó.

HỮU PHÚC

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm