Chủ động nắm bắt, củng cố lòng tin của dân

LTS: Nhân kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo (1-8-1930 – 1-8-2018, Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu bài viết của bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM (ảnh), về những chủ động, sáng tạo của ngành tuyên giáo TP trong bối cảnh hiện nay.

Công tác tuyên giáo đang hoạt động trong một bối cảnh hết sức sôi động, phức tạp, nhiều vấn đề mới trên thế giới, trong nước và TP.HCM, đặt ra yêu cầu phải đổi mới thường xuyên, phải sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thì mới phần nào đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đó là các khuynh hướng tư tưởng lý luận, chính trị thế giới cả tiến bộ và phản động tiếp tục đấu tranh gay gắt sẽ tác động đến sự ổn định của các quốc gia, dân tộc. Cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, nhất là công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong xã hội hiện đại ngày càng xâm nhập mạnh, khó kiểm soát, làm ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, lối sống của con người, đặc biệt là lớp trẻ.

Cuộc sát hạch nghiêm khắc

Cùng với những vấn đề trên, cán bộ, đảng viên và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình diễn biến về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và các tập đoàn kinh tế.

Cùng đó là vấn đề tệ nạn xã hội và tình hình tội phạm nguy hiểm ngày càng tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, nguy hiểm hơn.

Các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thường xuyên đưa ra các luận điệu xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân tham gia tập trung đông người đã tác động không ít đến suy nghĩ, tình cảm của người dân.

Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được ngăn chặn. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế… cùng với những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường đã dẫn tới sự phân tầng, phân cực và phân hóa giàu nghèo, đã hình thành và xuất hiện các tư tưởng lệch lạc, tác động đến sự diễn biến về tư tưởng chính trị ngày càng phức tạp trong tình hình hiện nay, ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Thời gian gần đây, lãnh đạo TP.HCM chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, những việc bức xúc liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nhân dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời.

Để phục vụ tốt hơn sự lãnh đạo, điều hành của TP, công tác tư tưởng, tuyên giáo xác định nhiệm vụ, phương châm của ngành là “công tác tư tưởng phải đi trước một bước”, xác định đi trước, đi cùng trong việc tháo gỡ vướng mắc, giải quyết hàng loạt vấn đề “nóng” phát sinh.

Nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm chính trị gây ra những điểm nóng dư luận xã hội, bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước như: công tác bổ nhiệm cán bộ, dự thảo Luật An ninh mạng… Tình trạng hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở một số nơi còn hạn chế; biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, chống đối người thi hành công vụ, tắc trách trong khám chữa bệnh; hoạt động thua lỗ, lãng phí và vi phạm pháp luật của các tổng công ty nhà nước… gây bức xúc, suy giảm niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và quản lý của chính quyền TP.

Có thể nói việc giải quyết tốt những vụ việc như trên được xem là cuộc sát hạch nghiêm khắc, thước đo khả năng ứng phó, chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực của “guồng máy” TP, trong đó có công tác tư tưởng, tuyên giáo.

Chủ động lắng nghe phản hồi từ dư luận

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, công tác tư tưởng, tuyên giáo của TP đã được triển khai thực hiện với một tinh thần mới, huy động được sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mà đội ngũ cán bộ tuyên giáo luôn đóng vai trò nòng cốt.

Đội ngũ tuyên giáo các cấp luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy tính chủ động, linh hoạt, khắc phục tình trạng thông tin-tuyên truyền một chiều, tích cực lắng nghe những phản hồi từ dư luận... từ đó nghiên cứu, sàng lọc, xử lý thông tin một cách khoa học, biện chứng để đưa thông tin khách quan, bổ ích đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong các “binh chủng” làm công tác tuyên truyền, hệ thống báo chí là lực lượng xung kích, rất hiệu quả. Báo chí không chỉ phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt... mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Báo chí ngày càng khẳng định là một kênh thông tin quan trọng, góp phần tích cực đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP.

Xây dựng lòng tin bằng việc làm thiết thực

Trong thời gian tới, ngành tuyên giáo TP vẫn nhất quán xác định mục đích đặt ra đối với công tác tư tưởng là tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Để đạt được mục đích đó, ngành tuyên giáo trước hết phải thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí và yêu cầu đổi mới công tác tư tưởng trong hoàn cảnh, điều kiện của giai đoạn mới.

Công tác tuyên giáo cần đấu tranh chống những tư tưởng sai trái, những thủ đoạn phá hoại để bảo vệ lý tưởng cách mạng, bảo vệ con đường xã hội chủ nghĩa, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ, bằng việc chủ động thông tin tích cực trên Internet, mạng xã hội.

Nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên giáo là phải củng cố lòng tin, khôi phục lòng tin, đặc biệt phải xây dựng được lòng tin của nhân dân, trước hết là trong đội ngũ tầng lớp, cá nhân có ảnh hưởng rộng rãi. Xây dựng lòng tin bằng những việc làm thiết thực, bằng tinh thần khoa học dân chủ, sự cầu thị, bằng sự chia sẻ, thấu hiểu của lãnh đạo TP.

Tăng cường thông tin, cổ vũ các nhân tố mới, các gương tốt, điển hình tiên tiến, phát huy chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước để góp phần khắc phục những “điểm nghẽn” trong phát triển của TP. Chủ động và phát huy sáng tạo trong thông tin-tuyên truyền phù hợp để triển khai hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đó cũng là đòi hỏi và nhiệm vụ của công tác tuyên giáo TP phải luôn đổi mới, luôn “đi trước một bước”.

Công tác tuyên giáo và phương châm “đi cùng”

Trong giai đoạn hiện nay, phương châm của ngành tuyên giáo cần đặc biệt quan tâm tổ chức thực hiện, đó là phương châm “đi cùng” phong trào quần chúng nhân dân. Nếu không “đi cùng”, công tác tuyên giáo sẽ xa rời thực tiễn, không nắm được nội dung cũng như các diễn biến của phong trào. Nếu không “đi cùng”, công tác tuyên giáo sẽ nghèo nàn và thậm chí thất bại. Trong điều kiện thông tin đa chiều, nhanh nhạy có thể dẫn dắt dư luận theo hướng bất lợi, nhất là các diễn biến có tính nhạy cảm, phức tạp như hiện nay, nếu không “đi cùng” sẽ không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là không hiểu được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những “tư tưởng mới” nảy sinh trong quần chúng nhân dân để phòng ngừa và ứng phó kịp thời, dẫn đến các hoạt động tuyên giáo không chỉ thiếu tính chiến đấu mà sức thuyết phục lại kém.

Có như vậy ngành tuyên giáo mới bám sát thực tiễn cuộc sống, đổi mới sâu sắc, toàn diện phương thức, nội dung hoạt động; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác, giữ vững niềm tin, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bà THÂN THỊ THƯ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

________________________

•  Tựa bài và tít nhỏ do tòa soạn đặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm