Cô Huệ của người bán vé số

Chiều muộn, người bán vé số dạo tên Phượng thẫn thờ khi ôm mớ vé số đã thành đống giấy lộn khi chưa kịp bán hết thì nhà đài đã xổ rồi. Thấy nét mặt lo lắng của chị Phượng, bà Huệ (chủ đại lý vé số) xót xa, nói: “Em để lại chị 20 tờ coi như chị chia phụ với em…”.

Mất tiền thì coi như cho họ

Đây không phải lần đầu bà Nguyễn Thị Huệ, đại lý vé số Cô Huệ (271 Bưng Ông Thoàn, phường Phước Long B, quận 9) mở lòng sẻ chia với những người nghèo. Hằng năm bà Huệ còn được biết đến là người lo chỗ ăn ở miễn phí cho hàng trăm sĩ tử con nông dân nghèo. Hai năm nay, bà mở đại lý vé số để vừa kinh doanh lúc nhàn rỗi, vừa có điều kiện giúp đỡ những người nghèo khó.

Bà xây một gian phòng khang trang để người đi bán vé số về có chỗ nghỉ ngơi với giá cực mềm, chỉ 7.000 đồng/ngày tính luôn tiền điện nước. Riêng người già, người khuyết tật sẽ được bà cho ở miễn phí. Bà Huệ là địa chỉ mà họ tìm đến những lúc khó khăn.

Vào thành phố ở trọ để bán vé số đã được ba năm nhưng chưa bao giờ vợ chồng bà Thanh dư được đồng nào cho đến khi lấy vé số bà Huệ đi bán. “Tôi gần 70 tuổi, còn ông xã thì hơn, xin việc gì cũng không ai nhận nên đành đi bán vé số. Chủ đại lý lúc trước không cho lấy thiếu nên mỗi ngày chỉ lấy được 50 vé, kiếm được 60.000 đồng. Cứ đến hạn trả tiền nhà trọ không có là phải đi vay 1 triệu đồng, trả 100.000 đồng tiền lời nên đêm nào tôi cũng trằn trọc suốt. Hai năm nay tôi lấy vé số chỗ cô Huệ, cô cho lấy thiếu, trả tiền sau và đưa mỗi ngày hơn 100 tờ, bán dư thì trả lại thoải mái nên hai vợ chồng tôi bán chạy hơn, mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng. Lúc nào cần tiền thì cô Huệ lại cho mượn. Lâu lâu cô Huệ lại cho thêm vài trăm ngàn khám bệnh. Nhờ vậy mà năm ngoái tôi có dư nên mua được cái máy giặt chứ hai vợ chồng già giặt tay cực lắm, năm nay còn dư dây hụi 5 triệu chuẩn bị hốt” - bà Thanh khoe.

Người bán vé số dạo tên Thanh (trái) đang nhận vé số từ bà Huệ để đi bán. Ảnh: H.LAN

Cũng nhận sự giúp đỡ tương tự từ bà Huệ, gánh nặng là hai người con đang học ĐH trên vai người bán vé số dạo Nguyễn Hùng, quê Phú Yên cũng vơi đi. Đến mỗi kỳ nhập học, bà Huệ lại cho ông Hùng mượn tiền để đóng học phí cho con. “Thú thiệt là xoay một lúc 7, 8 triệu thì kiếm đâu ra. Trong nghề này, chỗ quen thân lắm thì đại lý mới dám cho lấy vé rồi trả tiền sau vì tụi tôi đều quê tứ xứ, biết đâu mà tìm. Được cô Huệ giúp nhiều như vậy, tôi rất cảm kích” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, cũng có những lần mạo hiểm của bà Huệ đem lại kết quả buồn khi người nhận ơn đã một đi không trở lại. “Thôi thì có những người đem 50, 70 triệu đồng đóng góp từ thiện, mình không có điều kiện thì làm tại chỗ, khi bị mất thì cũng coi như mình cho họ vậy” - bà Huệ nói.

Thương người nông dân lam lũ

Hiếm ai nghĩ xuất thân của bà Huệ từng là một kỹ sư trồng trọt, phụ trách chương trình khuyến nông phát trên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM những năm 1990. Hằng ngày nhận được thư từ nườm nượp của bà con nông dân bị thất bại mùa màng gửi về, bà rất xót xa cho họ và thôi thúc bà làm điều gì đó.

Một lần, mẹ của bà bị té gãy xương, không đi lại được nên bà phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc mẹ, mở xưởng may. Bà không ngại thâu nhận người khuyết tật vào làm. Nhìn thấy Thị Dàng, quê Kiên Giang xin vào làm thợ phụ cắt chỉ với tay chân co quắp không có tí tương lai sáng sủa nào, bà kiên quyết yêu cầu Dàng học làm thợ may. Dàng kể: “Cô cho tôi học may mà còn trả tiền lương nữa. Nhưng ngồi học may đau lắm, ngày nào học tôi cũng khóc và xin cô thôi nhưng cô bảo là nếu không học thì cô sẽ đuổi”. Sau đó, xưởng may đóng cửa nhưng Dàng không lo lắng thất nghiệp nữa vì cô đã trở thành thợ may chuyên nghiệp. Giờ Dàng đang làm cho một công ty may với mức lương ổn định và sống hạnh phúc cùng chồng và một đứa con trai.

Sẵn không còn xưởng may, nhà lại trống trải nên bà Huệ lo ăn ở miễn phí cho các sĩ tử hơn 10 năm nay. Điều này cũng giúp bà thực hiện được một phần ý nguyện là tiếp sức cho con em những người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Huệ là một trong số 138 tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP được UBND phối hợp với UBMTTQ TP.HCM tôn vinh vào cuối tuần qua.

__________________________________

Trong chừng mực nào đó, tôi có điều kiện hơn nên biết người ta khổ thì mình chia sẻ, bản thân mình cũng cảm thấy vui lây. Nếu giúp họ 100.000, 200.000 đồng thì không quá khó nhưng khi đồng hành, sẻ chia cùng họ thì tôi thấm thía và thấu hiểu hơn được nhiều mảnh đời trong cuộc sống.

NGUYỄN THỊ HUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm