Cụ ông ở Đà Nẵng hơn 50 năm may áo dài

Một ngày giữa cuối tháng Chạp, em chồng tôi điện thoại vào rủ rê: “Chị may áo dài không? Có bác này may áo dài đẹp lắm. May 50 năm rồi đó”. Tôi hớn hở: “Chị may theo với nhưng số đo như thế nào?”. “Chị có sẵn số đo thì gửi cho em để mang đến cho bác cắt may luôn chứ đợi chị về chắc không kịp may”.

Tôi vội vàng gửi số đo may áo dài mà trước đó tôi đã từng may ở Sài Gòn cho em chồng tôi. Thế nhưg tối đó, em chồng tôi “buồn bã” thông báo: “Em đã đo rồi. Áo của chị bác không chịu may với số đo sẵn đâu. Bác bảo chị phải đến để bác đo mới chính xác, mới đẹp được. Cận Tết bác vẫn nhận may. Chị tranh thủ về rồi em chở chị đi đo cho bác may luôn”.

24 tháng Chạp, tôi về đến Đà Nẵng. Ngay lập tức, em chồng tôi đã dẫn tôi đến tiệm may của “ông cụ 50 mươi năm may áo dài”.

Hơn 50 năm, ông Nguyễn Tâm vẫn miệt mài với tà áo dài

Tiệm may nằm khiêm nhường trong kiệt đường Cô Giang, TP. Đà Nẵng, chẳng có biển hiệu hay biển chỉ dẫn gì, mặc cho bên ngoài ồn ã xe cộ qua lại. Tôi cứ tưởng tượng mình sẽ gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, lụm khụm nhưng tiếp chúng tôi là một cụ ông quắc thước, dáng đi khỏe khoắn, nhanh nhảu và rất minh mẩn. Tiệm may của ông chỉ là một góc nhà với một cái bàn và một cái máy may. Xung quanh treo cơ man nào là vải và áo dài. Truyền thống, cách tân đủ cả. Thấy tôi cứ nhìn quanh ngạc nhiên, ông bảo: “Áo của khách đặt may mà chắc họ lu bu tết nhất chưa lấy được”.

Em chồng tôi bảo, không rõ ông tên gì, mọi người chỉ quen gọi bác may áo dài 50 năm. Nhìn tấm bằng mừng thọ 80 tuổi của phường mà ông được trao, mới biết ông tên Nguyễn Tâm. Ông bảo trước ông may ở trên phố, trong một tiệm may nhưng đã 30 năm rồi, ông dọn về nhà và chỉ may ở một địa chỉ này. Khách cứ một đồn mười, nhắn nhủ rỉ tai nhau, biết thì tìm đến chứ ông không phải “quảng cáo” gì cả. Ông nói năm nay ông chỉ làm đến 28 Tết thôi vì “cũng già yếu rồi, làm việc cả năm, nay tranh thủ nghỉ ngơi chứ mọi năm bác làm đến tận 30 Tết mới nghỉ vì khách họ cần, không may họ lại buồn”.

Hiện ông phụ trách phần may và cắt áo dài còn việc may sẽ do con trai ông đảm nhiệm. 

Tán chuyện về áo dài truyền thống và cách tân, ông nói, áo dài thì cũng giống như những trang phục khác, tùy từng thời kỳ, cũng phải có kiểu nọ kiểu kia. Mình may lâu năm, quen với kiểu áo dài cũ, nhưng khi đời sống thay đổi, mình cũng phải thích nghi, cũng phải điều chỉnh theo nhưng có điều chỉnh gì, vẫn quyết không để mất dáng áo dài. Có thể tà dài, tà ngắn, cổ trụ, cổ thuyền hay cổ kiềng, cổ cao còn quần thì cũng ống rộng, ống nhỏ nhưng nhất quyết không ống ôm, không mặc với váy lùm xùm như hiện nay các cô “tân thời” đang mặc.

Ông dùng một sợi dây, thắt ngang eo để "chia khu vực" mà đo cho chính xác từng số đo một

Ông bảo: “Hồn cốt nằm hết trong tà áo dài. Tay đo và cắt quan trọng lắm nên dù hiện giờ, con trai bác đã nối nghiệp, tiếp tục may áo dài nhưng bác vẫn chưa chuyển giao khoản đo và cắt cho con trai. Bác sẽ vẫn còn làm thêm vài năm nữa”. Hai người con trai khác của ông cũng nối nghiệp may vá của cha và ra riêng với hai tiệm may lớn, nhiều người biết đến ở Đà Nẵng.

Biết bao thế hệ người Đà Nẵng từng là khách hàng của ông. Và mỗi năm dịp Tết đến, xuân về, lại hạnh phúc xúng xính trong tà áo dài do chính tay ông cụ người Đà Nẵng chính gốc đo, cắt, tạo nên hình hài chiếc áo dài mà ai cũng tấm tắc khen.

Năm sau, tôi sẽ lại ghé con hẻm nhỏ ấy để được ông may cho tà áo dài mới ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm