Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 2: Bí mật vườn cần sa

Bóng dáng phụ nữ cũng thấp thoáng ở chốn hoang vu rừng thiêng nước độc này, nhưng chủ nhân của vườn cần sa rộng thênh thang, được đầu tư chăm bón khá chu đáo này vẫn là một bí ẩn.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 2: Bí mật vườn cần sa ảnh 1

Cần sa vừa thu hoạch xong, gốc vứt đầy hai bờ nước

Đốt rừng để... canh tác cần sa

Sau khi phát hiện ra vườn cần sa vừa nảy mầm, chúng tôi trở lại xem xét hai căn chòi gỗ. Chòi được đóng ghép khá kiên cố bằng ván gỗ, mái lợp bạt nylon màu xanh nhạt. Cách nhau khoảng 20m, cả hai chòi đều ẩn dưới lùm cây ven suối. Quanh chòi còn sót lại mấy thân cây khá lớn - vết tích của khu rừng nguyên sinh ngày nào. Đây là khoảng đất khá bằng phẳng, kéo dài từ trên đỉnh núi xuống dọc bờ suối, vừa được đốt phát quang.

Chúng tôi tiếp cận hai căn chòi này theo lối mòn, căn phía ngoài nhỏ hơn nhưng khá kiên cố, cửa ra vào được khóa kỹ. Xung quanh phơi rất nhiều quần áo, trong đó có cả trang phục của phụ nữ. Căn chòi thứ hai nằm sát rẫy cần sa. Không gian rộng hơn so với căn thứ nhất, có gian ngoài, gian trong và cả nhà bếp. Chính giữa gian ngoài đặt một bộ bàn ghế ghép bằng những tấm ván gỗ đủ chỗ cho khoảng 10 người ngồi. Bên cạnh là bếp nấu, lửa còn ấm, chứng tỏ chủ nhân của nó vừa rời chòi chưa lâu.

Gian trong thiết kế theo kiểu phòng ngủ, có cả chăn mền. Mọi dụng cụ, lương thực, thực phẩm như: dao, rựa, gạo, muối, nước mắm, dầu gội đầu, xoong nồi, rượu... phục vụ đủ cho khoảng 5 người trong nhiều ngày. Ngoài ra, ở đây còn có máy phát điện, sạc pin ĐTDĐ...

Căn chòi lớn nằm sát dòng suối, nhìn ra khu đất, thoai thoải từ trên đỉnh núi xuống, như một thung lũng rộng khoảng 70.000m2, mới phát rẫy còn trơ lại những gốc cây cháy đen ngòm. Đây là khu đất sử dụng canh tác cây cần sa, đã bị chính quyền xã Hòa Hiệp phối hợp với công an huyện Xuyên Mộc triệt phá năm ngoái.

Thế nhưng, vườn cần sa này vẫn còn để lại nhiều dấu vết cho thấy nó đang được canh tác đều đặn. Xung quanh đó, nhiều gốc cần sa đã thu hoạch hết lá vừa được nhổ lên chưa tẩu tán kịp, vương vãi khắp sườn đồi. Nhiều cây còn rất tươi mới chứng tỏ vừa được thu hoạch khoảng vài hôm trước, thậm chí có thể chỉ cách đây vài giờ.

Trong cái nắng buổi trưa như đổ lửa trên đỉnh núi Mây Tàu, mồ hôi ướt đẫm quần áo, chúng tôi đứng giữa bãi đất trống còn trơ lại những gốc cây cháy rụi, tưởng như không một loại thực vật nào có thể sống được trong mùa khô này. Không ngờ, cần sa vẫn có thể ươm mầm và phát triển một cách lạ kỳ.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 2: Bí mật vườn cần sa ảnh 2

Người đàn ông sống gần vườn cần sa khẳng định ông không biết vườn này của ai

Đi một vòng dọc theo con suối, chúng tôi đếm được có gần 500 cây cần sa giống trong các hố đất được tưới nước và bón phân khá công phu, diện tích mới trồng này ước chừng khoảng 300m2. Mỗi hố đào như vậy trồng được 2 cây, đã bén rễ và phát triển khá nhanh. Có những cây non đã phát triển đến khoảng 12cm và đã trổ nhánh. Chỉ cần 2 tháng trong mùa mưa sắp tới, mỗi cây có thể cao từ 1,5m đến 1,75m và cho ra lượng sản phẩm lá rất lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây cần sa nằm trong danh mục cấm vì gây nghiện cho con người nhưng nó còn có thể làm thức ăn nuôi heo và gia cầm rất hiệu quả. Sau nhiều lần được chính quyền, công an vận động, nhổ bỏ và thiêu hủy với diện tích hơn 20.000m2 thì khu vực này vẫn được ươm mầm cần sa để trồng số lượng lớn. Chắc chắn nơi đây không chỉ trồng cần sa để chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ai là chủ nhân của hơn 20.000 m2 trồng cần sa?

Thời gian qua, đỉnh Mây Tàu được mệnh danh là “Tam giác vàng” của khu vực Đông Nam bộ, các cơ quan chức năng đã phát hiện khối lượng cây cần sa rất lớn nơi đây. Điển hình là vào tháng 6-2009, một số người đi rừng phát hiện trên đỉnh Mây Tàu có một thửa đất lớn canh tác một loại cây gì rất lạ, được một số đối tượng bảo vệ nghiêm ngặt.

Cơ quan chức năng xác định đó là cây cần sa. Khi đoàn kiểm tra lên đến nơi, ai nấy đều bất ngờ khi được “mục sở thị” khoảng 20.000m2 trồng cần sa, có thửa cây đã cao đến gần 1,8m. Thửa đất rộng mênh mông khoảng 70.000m2, cùng hai căn chòi kiên cố này không ai đứng ra nhận, trở thành “vô chủ” một cách bí ẩn. Theo một số người dân, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra hay người lạ xuất hiện thì chủ nhân của khu rẫy biến mất rất nhanh, khi nào lực lượng rút, họ mới xuất hiện. Do đó lúc nào trong chòi cũng có đầy đủ vật dụng và lương thực, thực phẩm.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 2: Bí mật vườn cần sa ảnh 3

Dọc ven suối, phóng viên phát hiện hàng trăm luống cần sa con

Người lạ vào khu vực này rất nguy hiểm, trên đường leo lên đỉnh núi chúng tôi đã gặp không ít cặp mắt nghi ngờ xoi mói của những thanh niên ngồi rải rác bên bìa rừng. Họ xuất hiện ở đây để làm gì trong khi rừng đã bị tàn phá hết; dụng cụ khai thác gỗ cũng không mang theo? Đây là thời điểm mùa khô nên họ không thể đứng giữa cái nóng như thiêu đốt để canh tác rẫy mì.

Khi thấy chúng tôi gom một ít cây cần sa và nhổ những cây non vừa ươm mầm gói lại để đưa xuống núi, một thanh niên tiến lại gần. Với vẻ mặt hậm hực anh ta hỏi: “Đây là cây gì mà các anh đưa về?”. Quá bất ngờ, chúng tôi trả lời: “Đây là thảo dược, chúng tôi đưa về làm thuốc”.

Nghe vậy, đám thanh niên nói nhỏ với nhau điều gì đó rồi bỏ đi. Một người đàn ông khoảng 45 tuổi tên Nghĩa ở trong một lán gỗ cách khu vực trồng cần sa khoảng 150m nói vu vơ: “Tôi không biết thế nào là cây cần sa, và hai căn chòi đó giờ cũng không biết của ai?!

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 2: Bí mật vườn cần sa ảnh 4

Bên trong chòi, cơm nước vẫn còn nóng hổi

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra  tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong năm 2009, toàn lực lượng phá 11.256 vụ án, bắt giữ hơn 16.000 đối tượng, thu 213kg heroin, 24,05kg thuốc phiện, hơn 1,4 tấn cần sa các loại, 5.865,03g và 520.152 viên ma túy tổng hợp, thu giữ tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2009, cả nước có trên 146.731 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. 

(Còn tiếp)

Theo Lê Bình - Hồng Cường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm