Facebook đang thách thức các ‘đế chế’ công nghệ

12 năm sau khi được sáng lập, Facebook giờ đây đã là một “đế chế” lớn mạnh với dân số hơn 1,6 tỉ “công dân mạng”, trong đó hơn một tỉ người sử dụng Facebook hơn 20 phút mỗi ngày. Theo tạp chí The Economist, tại các nước phương Tây, Facebook chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các ứng dụng mạng xã hội cài đặt trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng của Facebook chiếm đến 30% lượng sử dụng Internet của người Mỹ. Facebook giờ đây cũng đã trở thành công ty cổ phần “đắt giá” thứ sáu thế giới với tổng giá trị ước đoán vào khoảng 325 tỉ USD.

Những đế chế xây dựng bằng dữ liệu

Nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc 31 tuổi của Facebook, Mark Zuckerberg, vẫn còn ấp ủ những tham vọng lớn hơn nữa cho “đứa con” của mình. Anh đã lên kế hoạch phủ sóng Internet đến những quốc gia nghèo khó bằng các máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời. Zuckerberg cũng mở hướng đầu tư vào phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) và các dạng thức thực tế ảo (VR). Những dự tính mở rộng sức mạnh công nghệ này của Facebook chắc chắn sẽ thách thức những “đế chế” công nghệ khác hiện đã khẳng định chỗ đứng trên thế giới, mà nổi bật trong đó là Google.

Cả Facebook và Google đều đang làm giàu bằng cách xây dựng những dịch vụ thu hút nhiều người dùng, sau đó bán những phân tích về thông tin người dùng cho các hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, mỗi gã khổng lồ công nghệ lại có một cách tiếp cận riêng đối với người dùng của mình. Nếu như Google tập hợp lượng dữ liệu khổng lồ về thế giới với vai trò như một “siêu từ điển” thì Facebook lại là nơi kết nối người dùng với bạn bè của họ. Nếu như Google là công cụ để làm việc thì Facebook chủ yếu là công cụ để “giết thời gian”.

Tuy nhiên, những chiến thuật và vị thế áp đảo của Facebook và Google lại đang có sự giống nhau rất lớn. Cả hai đều khẳng định vị thế và làm giàu trên thế giới mạng nhờ vào lượng dữ kiện khổng lồ không ai sánh nổi. Điều này cho phép cả hai gã khổng lồ trên thế giới mạng đưa ra những quyết định đầu tư táo bạo và sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để mua lại những đối thủ tiềm năng của mình. Nếu như Google từng mua lại YouTube với giá kỷ lục 1,65 tỉ USD vào năm 2006 thì Facebook trong năm 2014 cũng làm chấn động thị trường công nghệ bằng thương vụ mua lại ứng dụng tin nhắn WhatsApp với giá 19 tỉ USD. Cả hai đều nhắm đến mục đích tối thượng là tăng số người dùng và tăng số lượng dữ liệu. Đây cũng là động lực để Google và Facebook trở thành “hai người” năng nổ nhất trong công nghệ phủ sóng Internet toàn cầu. Facebook đang phát triển các máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời để kết nối Internet tại các nước nghèo. Trong khi đó Google lại đang gấp rút hiện thực hóa dự án dùng khinh khí cầu phủ sóng Wi-Fi trên toàn thế giới.

Mark Zuckerberg đang xây dựng Facebook thành một đế chế khổng lồ. Ảnh: THE ECONOMIST

Mark Zuckerberg trong buổi ra mắt kính  thực tế ảo Oculus.  Ảnh: REUTERS

 

Microsoft trình làng kính HoloLens với công nghệ tương tác thực tế AR. Ảnh: TECHNO STREAM

Chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo

Facebook hiện nay đang xem việc phát triển AI như một phần lời giải cho bài toán tăng khả năng thu thập dữ liệu, tạo ra thêm các dịch vụ mới và các cách thức mới để tăng lợi nhuận. Theo đó, việc các phần mềm tự học cách hoạt động dựa trên dữ liệu sẽ tạo ra sự chủ động nhiều hơn là chờ được lập trình. Facebook đã sử dụng AI để nhận diện người trong hình ảnh, lựa chọn hiển thị những dòng trạng thái và thông tin quảng cáo nào cho mỗi người dùng. Công ty mạng xã hội này cũng đang phát triển các ứng dụng tin nhắn hội thoại và hỗ trợ nhắn tin thông minh có khả năng tương tác với người dùng. Năm 2014, công ty này cũng chi hơn 2 tỉ USD để mua lại Oculus - công ty phát triển công nghệ VR. Công nghệ này được dự đoán sẽ là tương lai của phương thức liên lạc sau thời đại của điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, Facebook sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của Google trong những lĩnh vực này. Google cũng đang sử dụng công nghệ AI để cải thiện các dịch vụ mạng của mình, phát triển công nghệ xe tự điều khiển. Cũng sở hữu nguồn lực dồi dào và kho dữ liệu khổng lồ, Google có khả năng thu hút những nhà nghiên cứu về AI sáng giá nhất và những công ty khởi nghiệp tiềm năng nhất về phía mình.

Không chỉ riêng Google, vẫn còn nhiều gã khổng lồ về công nghệ khác đang thách thức các tham vọng của Mark Zuckerberg. Facebook hiện vẫn bị Amazon, Apple, Google và Microsoft bỏ xa về công nghệ nhận mệnh lệnh bằng giọng nói. Các ứng dụng tin nhắn hội thoại thông minh và công nghệ VR cũng đang được nghiên cứu tiên phong bởi Microsoft. Tập đoàn do tỉ phú Bill Gate sáng lập đã cho trình làng trong năm 2016 kính thực tế ảo HoloLens, sản phẩm được The Economist đánh giá là ấn tượng nhất trong những năm gần đây của Microsoft. Google cũng không hề kém cạnh khi quyết định đầu tư vào công ty khởi nghiệp Magic Leap. Công ty ít tên tuổi này đang phát triển công nghệ tương tác thực tế (AR) - công nghệ được đánh giá là bước phát triển tiếp theo của VR.

Tờ The Economist đánh giá cuộc chạy đua sát nút giữa những gã khổng lồ này cho thấy các công nghệ mà họ theo đuổi phát triển sẽ “lột xác” cách thức mà con người giao tiếp với nhau, truy cập dữ liệu và nhìn nhận thế giới trong tương lai. Công nghệ AI sẽ cho phép các dịch vụ và thiết bị đoán trước được nhu cầu của người dùng, như ứng dụng của Google hiện nay đã có khả năng gợi ý cách thức phản hồi thư điện tử. Các giao diện đối thoại cũng sẽ cho phép người dùng tìm kiếm thông tin và hoàn thành công việc chỉ bằng cách gõ chữ hay đọc khẩu lệnh. Trí thông minh nhân tạo còn có thể tích hợp vào vô số sản phẩm khác như xe hơi, thiết bị điện hay cả các vật dụng đeo trên người như giày thông minh, đồng hồ thông minh… Thông tin sẽ không chỉ gói gọn trong một trang sách hay một màn hình trước mắt, mà sẽ được “vẽ” lên không khí thông qua các thiết bị kính thực tế ảo. Tất cả điều này sẽ tạo ra những dạng thức giao tiếp, hợp tác và sáng tạo hoàn toàn mới.

Những công nghệ mà Facebook và đối thủ của mình đang chạy đua phát triển có thể sẽ định hình cuộc sống tương lai của con người. Kẻ chiến thắng trong cuộc đua này sẽ không những củng cố vị thế đế chế của mình mà còn xây dựng một “hệ sinh thái” toàn cầu mà mình là bá chủ.

Kiềm chế sức mạnh độc quyền

Tầm nhìn đầy tham vọng của những gã khổng lồ như Facebook, Google hay Microsoft có thể tạo ra những lo ngại lớn về sự riêng tư và cả sự an toàn của người dùng. Việc thu thập một lượng thông tin cá nhân khổng lồ và phân tích hành vi người dùng không quá khác với hành động giám sát “nhất cử nhất động” của những người sử dụng. Tờ The Economist bình luận sự “bành trướng” của các đế chế này sẽ bị phản tác dụng nếu như người dùng không cảm thấy được “đền bù” xứng đáng cho việc tiết lộ thông tin cá nhân hay sự an toàn của họ không được đảm bảo.

Viễn cảnh độc quyền cũng khiến nhiều người lo ngại. Với sự bá chủ về công nghệ của một công ty, người dùng sẽ bị nhốt trong một “hệ sinh thái” mạng đóng và không sử dụng được các dịch vụ khác. Cơ quan quản lý thông tin và truyền thông của Ấn Độ mới đây đã không đồng ý với kế hoạch phủ sóng Internet miễn phí của Facebook. Nước này nhận thấy việc cho phép một công ty duy nhất là “người gác cổng” cho mạng Internet của cả nước là “quá rủi ro”. Cơ quan kiểm soát cạnh tranh của Đức cũng đang mở điều tra cách thức Facebook sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Trong tương lai, khi “đế chế” của Facebook càng mở rộng quy mô, những nỗ lực của các cơ quan chính quyền tìm cách kiểm soát quyền lực của công ty này sẽ càng lớn. Facebook sẽ phải nỗ lực tìm cách cân bằng giữa tham vọng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỉ người dùng, kiếm ra lợi nhuận khổng lồ và tránh được những phản ứng ngược mà họ không mong muốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm