Gia tộc Shinawatra giữa muôn trùng vây

Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) ngày 18-10 cho biết Panthongtae Shinawatra, con trai duy nhất của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đã chính thức bị khởi tố về tội rửa tiền. Ông Thaksin hôm 9-10 cũng phải lên tiếng phản pháo vì bị truy tố tội “khi quân phạm thượng”. Cáo buộc trên được cho là có liên quan tới vụ ông Thaksin trả lời phỏng vấn một cơ quan truyền thông Hàn Quốc năm 2015 về người đứng sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền hồi tháng 5-2014.

Những người ủng hộ nhà Shinawatra nói rằng các động thái pháp lý này là nỗ lực mới nhất của chính quyền quân sự Thái Lan nhằm đóng băng tầm ảnh hưởng của gia tộc quyền lực một thời vùng Chiang Mai, theo Reuters.

Khuấy động chính trường từ nước ngoài?

Đó là tiêu đề một bài báo đăng trên tờ The Nation hồi đầu tháng 10 sau hơn một tháng diễn ra cuộc tẩu thoát ngoạn mục của bà Yingluck Shinawatra. Đến thời điểm này, một số thành viên của gia tộc Shinawatra vẫn hoạt động chính trị mạnh mẽ. Đặc biệt, gia tộc vùng Chiang Mai vẫn còn chỗ đứng vững chắc trong giới kinh doanh, theo Straits Times. Di sản của anh em nhà Shinawatra vẫn còn lưu lại rất nhiều trên đất Thái, nổi bật nhất là phong trào “áo đỏ”. Thậm chí ông Thaksin dù sống lưu vong vẫn được xem là vị thủ tướng được công chúng Thái Lan tín nhiệm nhất trong 15 năm qua, theo khảo sát được công bố hồi đầu tháng 9 của Viện Prajadhipok, tờ The Nation cho biết.

Dù vậy, sự biến mất gây sốc của bà Yingluck đã khiến giới phân tích bắt đầu nghĩ tới hồi kết của dòng họ Shinawatra. Ông Thaksin giờ đây khó tìm đường về, trong khi tương lai của cô em gái bất định hơn bao giờ hết. Dù vẫn còn rất nhiều người ủng hộ trung thành với gia đình Shinawatra, song chưa có nhân vật nào trong dòng họ mang tầm cỡ như hai nhân vật nổi trội trên có thể tiếp tục “cuộc chơi” chính trị, bài báo của Bangkok Post bình luận. “Cuộc đào tẩu chính là hồi kết của dòng họ Shinawatra bởi điều này đồng nghĩa họ đã bỏ cuộc. Cho dù đảng phái của họ còn tồn tại và vẫn được ủng hộ, toàn bộ gia đình vẫn phải đứng sang một bên và không thể nắm giữ vai trò lãnh đạo” - nhà bình luận Thái Lan Atukkit Sawangsuk nhận xét.

Một số ý kiến tin rằng anh em nhà bà Yingluck cũng khó đủ sức ảnh hưởng để công kích chính phủ Thái Lan từ nước ngoài. Tờ The Nation bình luận bất kể hai anh em nhà Shinawatra “thiết lập căn cứ” ở nơi nào, dù là Dubai hay Vương quốc Anh, tương lai chính trị của họ có vẻ mờ nhạt. Chamnan Chanruang, một nhà khoa học chính trị ở Chiang Mai, nêu ý kiến bà Yingluck có thể không nối gót anh bà đối đầu trực diện với chính phủ Thái Lan, thay vào đó là xin tị nạn. Bên cạnh đó, nghi án rửa tiền của Ngân hàng Krung Thai có liên đới tới Panthongtae, con trai của ông Thaksin, cũng có thể ngăn anh em nhà ông Thaksin thách thức chính phủ Thái Lan, Chamnan nhận định.

Titipol Phakdeewanich, Trưởng khoa Khoa học chính trị tại ĐH Ubon Ratchathani, thì đánh giá những bình luận gần đây của Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho thấy dường như có một thỏa thuận ngầm giữa nhà Shinawatra và chính phủ quân đội. Theo đó, bà Yingluck sẽ không đưa ra bất kỳ động thái chính trị nào. Ông cũng nói thêm trong điều kiện chính trị hiện tại, quyền lực và tầm ảnh hưởng của nhà Shinawatra đã bị quân đội hạn chế. Tâm lý phản đối nhà Shinawatra cũng đang tăng lên, đặc biệt trong tầng lớp trung lưu Thái Lan. Tuy nhiên, ông Titipol cũng cho rằng anh em nhà Shinawatra sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ của họ với các đối tác quốc tế để gây sức ép chấm dứt chính quyền quân sự ở Thái Lan.

Những người thuộc phong trào “áo đỏ” cầm theo tấm biển in ảnh ông Thaksin và bà Yingluck để bày tỏ sự ủng hộ anh em nhà Shinawatra ở Bangkok năm 2011. Ảnh: AFP

Bà Yingluck phân phát thực phẩm cho người dân vùng Bắc Thái Lan trong chuyến thị sát các khu vực bị lũ lụt tàn phá hồi 3-11-2011. Ảnh: AFP

Anh rể bà Yingluck là ông Somchai Wongsawat có thể trở lại lãnh đạo đảng Pheu Thai. Ảnh: THAI PBS

Thiếu tài chính để hồi sinh

Tờ Global Times (Trung Quốc) thì cho rằng gia đình Shinawatra hiện tại thiếu một lãnh đạo chủ chốt và thiếu cả nguồn tài chính để quay lại chính trường. Cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài đều không thể tham gia chính trường Thái Lan trong ít nhất vài năm tới.

Ngoài ra, các tổ chức do nhà Shinawatra hậu thuẫn cũng không đủ tài chính để theo đuổi các cuộc vận động tranh cử rầm rộ trong tương lai. Số tiền 1,4 tỉ USD của ông Thaksin đã bị tòa án đóng băng và tịch thu hồi năm 2010, trong khi các tài khoản ngân hàng trong nước của bà Yingluck chắc chắn sẽ cùng chung số phận. Lực lượng ủng hộ nhà Shinawatra vì thế sẽ có ít nguồn quỹ hơn để phục vụ chiến dịch tranh cử trong tương lai cũng như tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận nhà Shinawatra đã rời bỏ hoàn toàn các hoạt động chính trị của Thái Lan. Gia tộc này còn sở hữu một lượng tiền lớn ở nước ngoài và vẫn tham gia các công ty được phần lớn người dân Thái Lan ủng hộ. Theo Global Times, Thái Lan trong tương lai không tránh khỏi những cuộc biểu tình nhưng ở mức độ nhỏ và các đối đầu chính trị quy mô lớn sẽ khó xảy ra. Chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đã có sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội, lại được hiến pháp cho phép trấn áp các hành vi được xem là đe dọa an ninh quốc gia.

Những người thuộc phong trào “áo đỏ” cũng như lực lượng ủng hộ nhà Shinawatra có khả năng khởi xướng những cuộc biểu tình quy mô nhỏ, song rõ ràng các cuộc biểu tình lớn gần như là bất khả thi. Hơn nữa, sau khi một số nhân vật chủ chốt bị bắt giữ, nhóm “áo đỏ” cũng đang bị chính phủ theo dõi sát sao. Các cuộc bầu cử vẫn là cách tốt nhất để các lực lượng ủng hộ nhà Shinawatra giành được ảnh hưởng chính trị.

Ba thủ tướng, một số phận

Dòng họ Shinawatra giàu có và quyền lực bậc nhất Thái Lan với hơn 10 năm nắm quyền lãnh đạo chính phủ qua ba đời thủ tướng: Ông Thaksin, ông Somchai Wongsawat (em rể) và bà Yingluck. Thế nhưng cả ba đều kết thúc sự nghiệp chính trị trong sóng gió với những án tù treo lơ lửng.

Ông Thaksin được bầu làm thủ tướng hai nhiệm kỳ liên tiếp vào năm 2001 và 2005. Tuy nhiên, đến tháng 9-2006, chính phủ của ông bị lật đổ. Vị tỉ phú 68 tuổi đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bản án tù hai năm sau khi bị kết án tham nhũng vào năm 2008. Người tiếp bước làm thủ tướng là em rể Somchai Wongsawat. Ông Somchai nhậm chức vào tháng 9-2008 nhưng chưa kịp triển khai chính sách gì thì ba tháng sau đã phải trao trả chính quyền. Tòa kết tội đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) của ông vi hiến, mua phiếu bầu và buộc giải thể. Ông Somchai bị tước quyền thủ tướng. Ông bị cấm hoạt động chính trị trong năm năm và bị cáo buộc đàn áp biểu tình hồi năm 2008. Ông đối mặt với mức án 10 năm tù, tuy nhiên đầu tháng 8-2017 tòa hình sự tối cao đã tuyên ông vô tội, theo Reuters.

Bi kịch đánh dấu “hồi kết của nhà Shinawatra” tiếp diễn với bà Yingluck. Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan nhậm chức vào năm 2011. Tháng 5-2014, quân đội đảo chính lật đổ chính phủ bà Yingluck sau các vụ biểu tình cáo buộc bà lạm quyền trong điều chuyển một quan chức an ninh hồi năm 2011. Trước đó bà còn bị cáo buộc lơ là, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chính sách dự trữ và trợ giá gạo, làm thất thoát hàng tỉ USD, theo The Guardian. Trước khi tòa tuyên án, bà đã đào thoát ra nước ngoài khi bản án năm năm tù còn treo lơ lửng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm