Giải mã ‘ác mộng’ vaccine Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc (TQ) đang hành động nhanh chóng trong tháng qua sau khi một công ty dược phẩm lớn được phát hiện đã bán hơn 250.000 liều vaccine không đạt chuẩn cho trẻ em. Thông tin này lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội khiến hàng triệu bậc phụ huynh phẫn nộ. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi sự việc trên là “nghiêm trọng và chấn động”, cam kết sẽ có những biện pháp xử phạt thích đáng. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã lên án hành vi của công ty trên là “mất nhân tính”. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm TQ (CFDA) đã vào cuộc và chủ tịch công ty, “nữ hoàng vaccine” Cao Tuấn Phương, hiện đã bị tạm giam cùng với 14 nghi phạm khác.

Bức xúc an toàn y tế: “Giọt nước tràn ly”

TQ từng nhiều lần phanh phui các vụ bê bối, các quan chức cấp cao hứa hẹn giải quyết thỏa đáng nhưng rồi đâu lại vào đấy. Ngay khi các nhân vật quan trọng bị xử lý, nhà nước đã chuẩn bị sẵn các biện pháp cần thiết để ngăn cơn giận dữ của người dân lan tỏa ra. Và dù có bắt và điều tra thêm bao nhiêu người nữa thì chính quyền vẫn rất khó có thể xoa dịu được cảm nhận chung của người dân về sự bất ổn trong xã hội khi văn hóa “làm giàu nhanh” đã đặt lợi nhuận lên trên tất cả, bất chấp cả trẻ em.

Công ty Công nghệ sinh học Changsheng, trung tâm của vụ bê bối, là nhà sản xuất vaccine bệnh dại và đậu mùa lớn thứ hai của TQ. Công ty này đã hoàn toàn giả mạo dữ liệu vaccine bệnh dại. Nguồn tin khác tiết lộ năm 2017 có đến 250.000 liều vaccine bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà của công ty không đạt tiêu chuẩn y tế. Hàng chục ngàn trong số các liều vaccine trên đã được chuyển đến các cơ quan y tế công cộng. Mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy các liều vaccine không đạt tiêu chuẩn trên trực tiếp gây ra tổn hại hoặc tử vong cho trẻ em nhưng rất có thể nhiều đứa trẻ đã không được tiêm phòng tử tế và đối diện nguy cơ nhiễm bệnh.

Giới phụ huynh TQ cực kỳ bức xúc. Một bác sĩ giấu tên có cháu gái ở tỉnh Chiết Giang cho biết người nhà của cô hoảng hốt và cảm thấy tội lỗi vì họ, giống như nhiều người TQ khác, đã chọn vaccine trong nước cho con mình thay vì hàng ngoại nhập từ châu Âu hay Mỹ. Sự việc trên đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa phụ huynh TQ với vấn đề tiêm vaccine - một trong những điều kiện bắt buộc của các trường học.

Các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt lại luôn được TQ ca ngợi đóng góp cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các nghi ngờ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe đã lên tới đỉnh điểm. Nguyên nhân chính là người dân bức xúc khi các bác sĩ kê đơn quá trớn, còn các nhà sản xuất thuốc thì tham nhũng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bậc cha mẹ ở Thượng Hải rất miễn cưỡng khi tiêm thêm vaccine ngoài những loại được nhà nước cung cấp vì tin rằng các bác sĩ đang lợi dụng họ để kiếm thêm thu nhập. Trong năm 2013, khi một báo cáo không chính thức cho biết có trẻ đã bị chết do tiêm vaccine viêm gan B, số lượng trẻ đi tiêm phòng đã tụt giảm thê thảm. Trong năm 2016, một vành đai tội phạm đã bị phát hiện lưu trữ khoảng hai triệu liều vaccine trong một nhà kho ẩm thấp không làm lạnh.

Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm và dược phẩm của TQ vẫn chưa hết nhức nhối sau vụ bê bối sữa nhiễm độc năm 2008, dẫn đến việc thu hồi hàng loạt sản phẩm, sáu ca tử vong ở trẻ sơ sinh và hơn 50.000 người khác nhập viện. Không lâu sau đó, các quan chức chính phủ đã khuyến khích người dân chuyển qua các mô hình trang trại hữu cơ.

Tiêm phòng vaccine cho trẻ tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trung Quốc đang đẩy mạnh điều tra vaccine. Ảnh: AFP

Không còn tin vào “lời hứa gió bay”

Với không ít bài học về các bê bối sức khỏe, những lời hứa hẹn của các quan chức chỉ còn là “lời nói gió bay” đối với nhiều người dân. Theo lời ông Bill Hsiao, giáo sư kinh tế học Harvard, chuyên gia về y tế công cộng, “vấn đề này có nguồn gốc sâu xa hơn”. Từ những năm 1990, TQ đã khuyến khích sản xuất các loại vaccine và thuốc hiện đại trong nước nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối nhưng hàng ngàn công ty tư nhân mọc lên lại có xu hướng bắt tay với chính quyền địa phương để đặt ra các quy định tốn kém.

Nếu chỉ vấn đề an toàn thực phẩm mà đảng còn không làm được thì đảng còn làm được gì cho người dân.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH 

GS Hsiao dẫn lại một giai thoại ở TQ rằng “để trở thành một chủ tịch tỉnh và kiếm đủ kinh phí bôi trơn các quan chức khác, điều đầu tiên bạn cần làm là mở một nhà máy thuốc lá và thứ hai là một nhà máy dược phẩm”. Ông Hsiao nhận định: “Đó là lý do vì sao có rất nhiều doanh nghiệp và nhóm lợi ích lớn xuất hiện trong ngành dược phẩm”.

Vaccine đem lại lợi nhuận rất cao. Trong năm 2016, Forbes ước tính giá trị ròng tài sản của “nữ hoàng vaccine” Cao Tuấn Phương và gia đình là 1 tỉ USD. Tham nhũng đã khiến ngành dược phẩm TQ cực kỳ khó cải cách. Năm 2007, TQ tử hình cựu giám đốc CFDA vì tội bán bản quyền sản xuất thuốc của nhà nước cho các công ty dược phẩm. Một báo cáo của chính phủ TQ cho thấy hơn 80% các công ty đã rút đơn cấp phép thuốc mới do gian lận kết quả kiểm nghiệm hoặc bị lỗi dữ liệu. 

Báo chí TQ đưa tin lực lượng bán hàng của Công ty Changsheng có ít nhất 10 cáo buộc hối lộ các nhân viên bệnh viện kể từ năm 2010. Thực trạng này là điều không ai mong muốn. Khi ông Tập trở thành tổng bí thư vào năm 2013, ông cam kết sẽ dành ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng và an toàn cho người tiêu dùng. Vào tháng 3-2010, chính phủ TQ đã công bố đề xuất cải cách lớn đối với CFDA nhằm tạo ra một cơ quan mới tập trung vào kiểm tra vấn đề dược phẩm. Ông Tập cũng đã giám sát việc thông qua luật sửa đổi quy định an toàn thực phẩm vào năm 2015 và thường xuyên khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp “mạnh nhất” đối với an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bài phát biểu của mình. Tội làm giả kết quả kiểm nghiệm thuốc hiện đã có thể bị tử hình trong một số trường hợp. TQ chưa từng quan tâm vấn đề an toàn của người tiêu dùng nhiều đến như vậy và các động thái của ông Tập đang truyền đi một thông điệp rằng ông sẽ giải quyết vấn đề này nghiêm túc hơn hẳn những người tiền nhiệm.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Nhiều vụ bê bối bị phanh phui ở TQ nhưng vẫn không có cải cách đáng kể nào để các hoạt động của chính phủ trở nên minh bạch hơn. Điều này nghĩa là những vụ bê bối trên khi được phanh phui đều đã “di căn” hoặc vô phương cứu chữa. Điều này chính xác là những gì đã xảy ra trong vụ việc lưu trữ vaccine cẩu thả năm 2016. Thông tin đã bị giấu nhẹm cho đến khi bị lộ trên tờ New York Times. Năm 2010, tổng biên tập một tờ báo của TQ đã bị sa thải vì cho in một báo cáo cáo buộc rằng những loại vaccine trên đã giết chết bốn trẻ em.

Người dân TQ có thể lên án “nữ hoàng vaccine” Cao Tuấn Phương hay công ty của bà nhưng rõ ràng là vai trò của chính phủ TQ cần phải được đề cập đến nhiều hơn nữa. Những vụ bê bối sức khỏe sẽ mãi là những vết thương trong tâm trí của người dân, nếu không điều trị đúng cách sẽ gây ra những chia rẽ sâu sắc và bất ổn xã hội. Đây là bài toán nan giải của ông Tập cũng như chính quyền TQ để có thể thuyết phục niềm tin của người dân.

Chính phủ thiếu minh bạch, thiếu giải trình

Ngay cả khi ông Tập Cận Bình vô cùng mong muốn cải cách các thể chế cồng kềnh của TQ và ngăn chặn tham nhũng địa phương, hệ thống mà ông xây dựng nên cũng không thể thực thi được những cải cách cần thiết. Mặt khác, các hình phạt nghiêm khắc với những người vi phạm luật thực phẩm và dược phẩm không phải lúc nào cũng chạm tới những quan chức quyền lực. Trong khi nhiều nông dân và nhân viên công ty bị xử tử trong vụ bê bối sữa năm 2008, viên chức phụ trách an toàn thực phẩm vào thời điểm đó, ông Tôn Hàm Trạch, lại được thăng chức phó giám đốc CFDA sau khi chỉ bị đình chỉ trong hai năm.  Tổ chức Theo dõi quyền con người (HRW) nhận xét: “Sự thiếu minh bạch trầm trọng và thiếu trách nhiệm giải trình của chính phủ đã trực tiếp gây ra những vụ bê bối như trên”.

________________________

Lược dịch và đặt lại tựa đề từ  bài viết trên trang Foreign Policy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm