Giết con để hốt tiền bảo hiểm

LTS: Nhân vụ chị LTN, 30 tuổi thuê người chặt chân, tay chính mình để lừa tiền bảo hiểm, báo Pháp Luật TP.HCM xin điểm lại một số vụ việc lừa đảo, gian lận bảo hiểm điển hình trên thế giới.

Mỹ và Anh là hai nước mà công nghiệp bảo hiểm rất phát triển nhưng cũng điên đầu với các siêu lừa.

Giả chết, mai danh ẩn tích

Đa số trường hợp gian lận bảo hiểm ở Anh thực hiện theo hình thức giả chết, giấu mặt để người thân nhận tiền bảo hiểm.

Ahmad Akhtary vốn là công dân Anh gốc Afghanistan. Trong một chuyến về thăm quê nhà năm 2006, người này đã làm giả thông tin rằng anh đã chết do bị thương ở đầu, theo Daily Mail. Vợ anh ta là Anne đã làm đơn yêu cầu công ty bảo hiểm Norwich Union (Anh) chi trả gần 400.000 USD tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, đầu xuôi mà đuôi chẳng lọt, sáu tháng sau khi giả chết, Ahmad không hiểu sao vẫn ra mặt làm ăn, đi lại như bình thường. Sự xuất hiện của Ahmad dĩ nhiên tới tai công ty bảo hiểm. Khi bị cảnh sát triệu tập lấy lời khai, cô vợ Anne đã thừa nhận đây là vụ lừa đảo. Vì chưa nhận được đồng nào từ công ty bảo hiểm nên hai vợ chồng này mỗi người chỉ nhận chín tháng tù giam, hoãn thi hành trong hai năm.

Trong một vụ khác, để lừa gần 57.000 USD bảo hiểm, Nelli Kellaway thông báo rằng chồng mình đã chết khi đang đi nghỉ cùng gia đình ở Nga. Kỳ công hơn, cô vợ này còn trở về Anh với một cái bình đựng tro cốt mới tinh, nói là tro cốt của chồng đang được đựng trong bình. Một thời gian sau, anh chồng Stephen Kellaway bị phát hiện đang ở Bangkok (Thái Lan) với một hộ chiếu Iceland giả. Chia sẻ sau khi bị bắt năm 2011, Stephen Kellaway thú nhận: “Cuộc sống giả dối thật căng thẳng và bất an”.

Một người tên John Darwin còn làm một cú lừa bảo hiểm xứng danh bậc thầy. Tháng 3-2002, quản giáo nhà tù và là cựu giáo viên người Anh này đã không trở về sau một kỳ nghỉ mát. Người nhà nói ông này đã mất tích và có lẽ đã chết trong một tai nạn canô. Một năm sau đó ông John Darwin được tuyên bố đã chết, nghi vì đuối nước. Vợ ông này nhận hơn 330.000 USD, trong đó có hơn 33.000 USD từ bảo hiểm nhân thọ và gần 78.000 USD trợ cấp từ nhà tù. Năm năm sau, Darwin bỗng xuất hiện khỏe mạnh tại một trụ sở cảnh sát London nhưng khai rằng đã mất hết trí nhớ của năm năm vừa qua và muốn tìm người thân. Khi ông này gặp lại hai con trai hai ngày sau đó thì bị bắt. Cảnh sát đã phát hiện ông giả vờ chết. Đúng thật ông Darwin có rơi khỏi canô nhưng đã được vợ vớt lên. Sau đó, ông trốn trong một ngôi nhà ở vùng núi tây bắc nước Anh trong bốn năm trời. Khi ngôi nhà có khách lạ đến, ông lại trốn vào một phòng ngủ bí mật. Ông còn để râu dài để thay đổi nhân dạng. Darwin sử dụng tên của một đứa trẻ đã chết là John Jones để làm hộ chiếu mới. Bằng chứng “sắt thép” nhất tố cáo vụ siêu lừa của ông chính là bức ảnh chụp hai vợ chồng vui cười tại Panama sau khi nhận được… giấy báo tử. Có vẻ vợ chồng ông đã lên kế hoạch đào thoát đến Nam Mỹ. Chẳng hiểu sao ông lại quyết định quay về đóng vai mất trí. Ông và vợ bị tuyên mỗi người sáu năm tù.

Bác sĩ “siêu lừa đảo” Farid Fata phát biểu tại buổi giới thiệu quỹ từ thiện của ông vào năm 2011. Quỹ này sau đó được phát hiện giúp Fata rửa tiền lừa đảo. Ảnh: CBS News

Bà mẹ Angela Garcia giết con để lừa tiền bảo hiểm trong phiên tòa năm 2000. Ảnh: CLEVELAND.COM

Giết con, giả bệnh

Ở Mỹ, gian lận bảo hiểm là một trong những loại hình tội phạm tài chính nghiêm trọng, gây tổn thất lớn, với thiệt hại ít nhất 80 tỉ USD mỗi năm. Ngoài ra, gian lận bảo hiểm còn gây mất mát không thể đo đếm về sức khỏe, nhân mạng con người. Năm 2014, Liên minh Chống gian lận bảo hiểm (Mỹ) đã liệt kê ra ba trường hợp lừa đảo bảo hiểm đặc biệt nghiêm trọng tại nước này.

Năm 1999, một bà mẹ 24 tuổi ở TP Cleveland (bang Ohio, Mỹ) tên Angela Garcia đã phóng hỏa giết chết hai con gái nhỏ của mình là Nyeemah (ba tuổi) và Nijah (hai tuổi) để lấy 64.000 USD tiền bảo hiểm. Theo trang tin Cleveland.com, Garcia đã đặt hai bé trong phòng ngủ, sau đó phóng hỏa ngôi nhà. Những đứa trẻ đã chết vì ngạt khói. Ban đầu các nhà điều tra cũng thiên về nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, các điều tra viên bảo hiểm đã bắt đầu nghi ngờ khi nhận thấy cơ thể Garcia không có bất cứ vết cắt, vết thâm hay bị bám bụi bẩn. Trong khi theo lời khai của Garcia, bà đã đập kính cửa sổ thoát ra qua đường cửa sổ và trượt mái hiên xuống đất. Một số vật chứng sau đó cũng tố cáo bà Garcia cố tình phóng hỏa. Người mẹ nhẫn tâm giết con bị tuyên hai án tù chung thân.

Trong một vụ việc khác, cảnh sát viên TP New York Christopher Inserra đã tự tay hủy hoại sự nghiệp của mình, bị bỏ tù vì gian lận bảo hiểm. Năm 2010, Inserra báo cáo với cơ quan rằng mình bị thương ở tay khi làm việc. Theo CBS News, Inserra nói anh ta bị đau kinh khủng quanh cùi chỏ và bắp tay dưới của tay phải, không thể gập tay. Cảnh sát New York đồng ý cho Inserra nghỉ một thời gian vẫn hưởng đủ lương. Chưa hài lòng, Inserra còn nộp đơn lên công ty bảo hiểm đòi bồi thường tai nạn lao động, kết quả lừa được 30.500 USD tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, sau đó mọi người phát hiện Inserra dù tay bị mất sức do chấn thương nhưng vẫn biểu diễn rất hăng trong ban nhạc của mình. Hình ảnh chụp lại một cuộc biểu diễn tháng 4-2011 cho thấy Inserra vung tay rất “phiêu” theo nhạc, không có dấu hiệu gì mất sức. Inserra bị tuyên 14 tháng tù giam và phải nộp lại 30.500 USD tiền bảo hiểm đã lừa được trước đó.

Năm 2014, một phụ nữ bang Michigan (Mỹ) tên Sara Ylen cũng phải lãnh một năm tù giam vì gian lận bảo hiểm, theo New York Daily News. Bà Ylen nói mình bị ung thư cổ tử cung do bị hiếp dâm ở một bãi đậu xe năm 2001 và lừa được 122.000 USD tiền bảo hiểm điều trị. Ylen đã “phù phép” xoay được hồ sơ y tế giả, có cả chữ ký của các chuyên gia ung thư ở ĐH Michigan. Cứ tưởng người phụ nữ tội nghiệp này đang chết dần vì ung thư, cộng đồng khu vực gần nơi bà sống đã quyên góp hàng ngàn USD hỗ trợ. Khi ra tòa, Ylen hầu như im lặng suốt các phiên xử, không một lời giải thích cho hành vi của mình. James Grissom, người đàn ông bị Ylen vu khống tội hiếp dâm, bị 15 năm tù. Khi được thả tự do, James Grissom đã thụ án được 10 năm.

Ép hóa trị 155 lần để lừa bảo hiểm

Ngay cả các “lương y” cũng có thể trở thành siêu lừa bảo hiểm. Bác sĩ chuyên khoa ung thư Farid Fata ở bang Michigan đã lập ra một mạng lưới lừa đảo bảo hiểm y tế thuộc hàng lớn nhất lịch sử Mỹ, theo NBC News (Mỹ). Ông này cùng các đồng bọn, vốn cũng là bác sĩ về ung thư và huyết học, đã lừa 533 bệnh nhân thực hiện hóa trị để có được chứng từ lừa 125 triệu USD bảo hiểm y tế. Nơi thực hiện các ca hóa trị này là ở ba bệnh viện mà ông Fata làm việc. Trong số 533 bệnh nhân này có nhiều bệnh nhân không hề bị ung thư. Có trường hợp một bệnh nhân không bị ung thư bị lừa làm hóa trị tới 155 lần.

Một bệnh nhân vô tình ngã bị thương ở đầu tại văn phòng ông Fata cũng bị ông này bắt đi làm hóa trị. Sau khi đạt được mục đích, ông mới cho chuyển bệnh nhân qua phòng chụp X-quang để xác định vết thương ở đầu. Hậu quả của việc điều trị chậm trễ chấn thương đầu là bệnh nhân này đã chết. Ông Fata bị tuyên 45 năm tù giam, toàn bộ tài sản bị tịch thu.

Một trường hợp khác là bác sĩ chỉnh hình Alex Panos ở New York (Mỹ). Ông đã thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật xương khớp ẩu tả, giả tạo để lấy hơn 35 triệu USD tiền bảo hiểm, Daily Mail cho biết. Tính ra mỗi ngày ông này phẫu thuật tới 20 ca, mỗi ca trung bình kéo dài bảy phút. Nhiều ca đơn giản chỉ rạch vết mổ, rồi may lại mà không phẫu thuật, uốn nắn gì. Một bệnh nhân tên Christine Steele được ông Panos phẫu thuật hai đầu gối và kết quả là không thể đi lại và làm việc bình thường. Sau khi bị phát hiện, Panos bị tuyên hơn bốn năm tù.

Nửa sau thế kỷ 20, các nước bắt đầu xác định gian lận bảo hiểm là một tội nghiêm trọng, có nhiều nỗ lực ngăn chặn và trừng phạt. Tại Mỹ, số trường hợp gian lận chiếm khoảng 1/3 các trường hợp yêu cầu chi trả bảo hiểm. Luật Mỹ quy định người nào gian lận bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm y tế có thể bị tù tối đa 10 năm. Nếu hành vi này gây tổn thương thân thể người khác, hình phạt tù có thể là 20 năm. Nếu làm người khác chết, hình phạt tù là chung thân. Ở Anh, hình phạt cho tội danh gian lận bảo hiểm tối đa là 10 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm