Hà Nội - 12 ngày đêm dưới mưa bom - Kỳ 9: Những cánh bay cảm tử

Hà Nội - 12 ngày đêm dưới mưa bom - Kỳ 9: Những cánh bay cảm tử ảnh 1

Tướng Nguyễn Đức Soát và những hồi ức 12 ngày đêm không quên. Ông là một phi công Mig xuất sắc và đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ - Ảnh: Trần Việt Văn

Định ra chỉ huy cho bọn ở đại đội bay rút lên. Lân không bay, Dân ứng cử. Sau này phải sắp xếp cẩn thận, kẻo thì hết người đánh nhau.

Đêm nào bọn F.111 cũng đánh sân bay mình. Nó bay thấp, qua cửa hầm, nghe rất chối tai... Đường băng bị ba dải bom B-52 đã cơ bản chữa xong. Tuy thế chúng mình vẫn cất hạ cánh bằng đường lăn.

Lúc 11g trưa nay Kiền và Hùng xuất kích lên đánh bọn máy bay của hải quân. Họ cất cánh được ba phút đã gặp địch. Năm phút sau Hùng báo bắn cháy một chiếc. Sau đó chỉ có Kiền hạ cánh. Chúng đánh ngay ở phía nam Hà Nội - ngay trên quê mình. Do chỉ huy sở phán đoán địch muộn, dẫn vào..., lại ở giữa đội hình địch nên mỗi đứa quần với một tốp. Kiền không bắn được địch. Thoát ly xuống dưới mây về.

Chưa có tin gì về Hùng. Lo rằng nó đã hi sinh. Hôm xếp Kiền - Hùng mình đã đắn đo mãi. Kiền linh hoạt. Nó chưa bắn rơi máy bay song ai cũng tin ở khả năng phát triển của nó. Hùng bay chắc, thông minh. Trong số năm người chuyển loại từ Mig-17 lên, mình tin Hùng và Bồng hơn cả. Hôm xưa sau khi Quý nhảy dù, chính ủy và đoàn trưởng đã nhắc mình phải nắm chắc trình độ của từng người trong đơn vị.

Hùng là người đầu tiên trong lớp năm người hạ máy bay như thế cũng hay. Nhưng mình không nghĩ thêm được là hai anh chàng có thể cay cú vì cùng xốc nổi và hăng quá. Vừa gặp địch, Hùng đã lao vào ngay mà không kịp nhìn xung quanh.

Mỗi tổn thất về vũ khí, nhất là máu xương của đồng chí lúc này, mình đều phải chịu trách nhiệm rất nặng. Phải làm thế nào để mọi người cùng bắn rơi được máy bay Mỹ mà tổn thất ít nhất là vấn đề trọng tâm bắt mình suy nghĩ lúc này.

Hãy lăn lưng vào rút kinh nghiệm.

Hãy dẫn họ đi đánh mới được.

Hùng ơi! Mình sẽ trả thù cho Hùng!

Sáng 28-12, Bộ Tổng tham mưu thông báo: trước những tổn thất nặng, Mỹ có thể kết thúc cuộc tập kích. Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nối lại Hội nghị Paris để bàn việc ký kết.

Tuy nhiên, ngày 28 Mỹ vẫn huy động trên 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu: tổng kho Văn Điển, ga Giáp Bát, Nhà máy dệt 8-3, cảng Vĩnh Tuy, cầu Đuống, các trận địa tên lửa ở Chèm, Đại Đồng (Hà Nội), một số mục tiêu ở Thường Tín, Thanh Mai, Chúc Sơn, Gốt, Mỹ Đức, Miếu Môn (Hà Tây), Chợ Bến (Hòa Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phú)...

Con trai phó thủ tướng: “Tôi không sợ...”.
Hoàng Tam Hùng là cậu em thông minh và dễ thương mà đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát yêu quý. Ít ai biết đại đội anh hùng của Nguyễn Đức Soát, chàng phi công cao lớn xuất thân con nhà nông dân, tập hợp rất nhiều phi công trẻ con nhà “quý tộc”.

Họ là con cháu của nhiều vị lãnh đạo cấp cao. Phi công Hoàng Tam Hùng là con trai của Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Hoàng Anh. Phi công Lê Thanh Quý là cháu ruột của ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Nghị, rồi con trai của ông Hoàng Quốc Việt, ông Nguyễn Duy Trinh đều xung phong vào bộ đội, làm phi công chiến đấu. Lê Thanh Quý suýt chết đêm 22, phải nhảy dù tránh quả tên lửa bắn ra từ bọn F4 chuyên “săn Mig”. Còn Hoàng Tam Hùng, ngày 28-12-1972, anh đã có một trận đánh mà những người lính bay gọi là “mẫu mực và cảm tử”.

Đại tá Bùi Xuân Cơ, lúc đó là đại đội trưởng đại đội thợ máy của trung đoàn không quân 927, vẫn rơm rớm nước mắt khi nhắc đến tên người phi công bay chiếc máy bay có số “đen” 5013 ngày hôm ấy: “Ai cũng sợ bay chiếc máy bay ấy, chuyên gia Liên Xô cũng sợ, nhưng Hùng vẫn bảo tôi: em chẳng sợ đâu, anh cứ chuẩn bị tốt cho em bay”.

Sáng ấy Hùng bay với anh Kiền. Địch đông quá, chỉ huy cho phép giải tán. Anh Kiền thoát ly nhanh theo lệnh, còn Hùng bị cả bầy nó vây. Hùng bắn rụng một chiếc RA 5C, bắn xong lại gặp nguyên bầy F4, cậu ấy bám đuôi và bắn cháy luôn một chiếc nữa. Tôi ngồi hầm chỉ huy (máy bay của tôi bay thì tôi bao giờ cũng ngồi hầm theo dõi anh em đánh) nghe rõ giọng cậu ấy hô: “Cháy rồi”. Nhưng cậu cũng trúng tên lửa của nó. Cậu ấy hi sinh anh dũng quá, mà trẻ măng, thư sinh, ngoan ngoãn. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ cậu ấy là con ông phó thủ tướng”.

Huyền thoại Vũ Xuân Thiều

Ngày đau đớn nhất chưa hết với đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát. Đêm ấy, anh mất tiếp người bạn thân nhất: trung đội trưởng trung đội bay đêm Vũ Xuân Thiều.

Đã có bao nhiêu sách báo ca ngợi chiến công đêm hôm ấy của người phi công cảm tử. Nhưng chỉ gặp lại những người bay của ngày ấy mới hiểu họ yêu mến, khâm phục và tự hào về anh đến nhường nào

Ông Vũ Xuân Đãi, thợ máy là người bảo đảm bay cho Vũ Xuân Thiều. Buổi tối hôm ấy đã báo động hai lần và đều thủ tiêu báo động, không cất cánh. Lần thứ ba lúc 20g, kíp thợ máy nhớ như in câu nói của chàng phi công Vũ Xuân Thiều khi ngồi vào buồng lái: “Bây giờ quá tam ba bận, mặt đất có cho tôi cất cánh hay không tôi cũng cất cánh, không thể chần chừ được nữa”. Thiều xin cất cánh ba lần mới được lệnh đồng ý. 30 rồi 40 phút im lặng, hơn một tiếng sau, đồng đội anh nhận tin máy bay B-52 rơi ở Sơn La. Và anh cũng hi sinh.

Tướng Trần Hanh - lúc đó là phó tư lệnh Quân chủng không quân, trực tiếp chỉ huy trận đánh đặc biệt của Vũ Xuân Thiều. Ông kể về trận đánh này “là thứ bao nhiêu không nhớ, tôi thuộc lòng từng chi tiết vì không thể quên được, và vì tôi đã nhắc lại rất nhiều lần”: “Thiều được đưa đến sân bay bí mật ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, vì các sân bay của ta đều đã bị đánh bom tan nát. Khi bọn F4 xuất hiện dày đặc để quét Mig thì chúng tôi cho Thiều cất cánh”.

Phương án đã vạch ra là bay thấp hơn mục tiêu 150-200m và chỉ có một khẩu lệnh cực ngắn. Thiều bay một mình lên Sơn La. Dẫn bay là đài Mộc Châu, thuộc trung đoàn 292. Radar của ta đã quen quy luật nhiễu của B-52, bắt rất tuyệt vời. Khi toàn bộ đội hình B-52 xuất hiện trên màn hình, mới có lệnh cho Thiều kéo lên. Thiều đã phát hiện thấy B-52. Đội hình địch dày đặc, bay sít vào nhau. Chỉ huy nhắc: “Mây đen ba cây, hai cây rưỡi, uống cả hai chai (tức bắn luôn hai tên lửa). Thoát ly về phía đông nam!”.

Sau khi bắn cả hai quả, không thấy Thiều báo cáo gì. Có khả năng anh ấy ham quá, sợ không chắc ăn nên bắn gần. Trong các phương án, không có phương án cho máy bay lao cảm tử vào B-52, nhưng chúng tôi biết cánh phi công trẻ vẫn ngầm quyết tâm với nhau như thế. Hôm sau, đã chắc chắn máy bay địch rơi, và Thiều bặt tin. Anh ấy đã hi sinh sau khi cảm tử hạ B-52

...Nguyễn Đức Soát không biết hút thuốc lá. Đêm ấy anh đang nằm ở giường trong hầm trực chiến. Chiến sĩ liên lạc vào bảo trung đoàn trưởng (Nguyễn Hồng Nhị) gọi ra hầm sở chỉ huy. Mặc quần áo đi ra, có ôtô chờ ở chân hầm, ra đến nơi thì Thiều cất cánh rồi, đã mất liên lạc. Hai anh em mở lại băng ghi âm để nghe dẫn đường tả lại nơi mà Thiều chiến đấu. Trời rét, cả hai mặc áo bông, thủ trưởng Nhị để lên bàn hộp thuốc, Soát hút một hơi ho sặc sụa... Ngồi đến 5g sáng, không ai nói với ai câu gì. Sau đó Nguyễn Hồng Nhị bảo cấp dưới đi về để triển khai đánh tiếp ngày hôm nay. Nguyễn Đức Soát hút thuốc lá từ đêm 28. Chỉ trong một ngày đêm đại đội anh mất một lúc hai máy bay, hai phi công cảm tử.

Theo THU HÀ - HỮU LONG - TUỆ HUYỀN (TTO)

------------------------------------

Kỳ tới:  Không điều gì bị lãng quên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm