Cháy nhà cao tầng, làm sao thoát chết (Kỳ 2):

Không muốn chết cháy, hãy nhớ 5 điều này

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến - Phó Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM chia sẻ 5 kỹ năng cần thiết bạn cần nhớ khi di chuyển trong đám cháy.

Đập cửa, la lớn thông báo cháy

Hầu hết các tòa nhà cao tầng hiện nay đều lắp hệ thống báo cháy tự động. Nhưng vì hiện nay nhiều tòa nhà đều lắp máy lạnh nên các căn phòng đều đóng kín cửa, khi có cháy, họ không thể nghe thấy còi báo động. Nếu bạn là người phát hiện ra cháy, cách báo cháy nhanh nhất, hiệu quả nhất là đập mạnh cửa đồng thời la lớn: “Cháy! Cháy!”.

Không nên di chuyển bằng thang máy

Khi xảy ra cháy, người dân không nên di chuyển bằng thang máy

Những ngôi nhà cao tầng thường có thang máy để việc di chuyển nhanh chóng, tiện lợi hơn. Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến - Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo không nên di chuyển bằng phương tiện này.

“Thứ nhất vì khi cháy, khói bốc lên cao, buồng thang máy dễ bị nhiễm khói độc, không gian nhỏ hẹp trong thang máy cùng việc bị nhiễm độc khói dễ khiến người ta bị ngạt thở, ngất xỉu, mất ý thức nhanh hơn.

Thứ hai khi cháy thường bị mất điện, thang máy không hoạt động, rất nguy hiểm. Thay vì đi thang máy, người dân nên di chuyển bằng cầu thang bộ, tìm cách thoát ra ngoài”.

Cúi thấp người khi di chuyển

Khi di chuyển nên cúi thấp người, bò để thoát ra ngoài vì khói, khí cháy sẽ tụ ở phía trên. Dưỡng khí tập trung phía dưới. Việc cúi thấp người giúp tranh thủ dưỡng khí, hạn chế tối đa việc hít phải khí độc, khói độc. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. 

 Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.

Trên đường di chuyển, nép sát vào tường

Trên đường thoát nạn nên nép sát vào tường.

Thứ nhất, vị trí này sẽ hạn chế thấp nhất xác suất bị la-phông, vật nặng từ trần nhà bị cháy rơi xuống.

Thứ hai, đi ở giữa dễ bị chen lấn, xô đẩy, nhiều người chưa chết vì cháy mà đã chết vì bị giẫm đạp, ngạt thở rồi.

Thứ ba, khi tường bị sụp đổ do cháy, việc nép sát tường sẽ giúp lực bị va đập nhỏ hơn so với những vị trí khác.

Phải sờ cửa xem có nóng không mới mở

Nhiều người có thói quen, thấy cửa là cuống quýt mở để chạy ra ngoài mong thoát khỏi đám cháy. Thực tế, hành động này có thể khiến người đó dễ gặp tử thần hơn. Vì lửa đã bén đến cửa, việc mở cửa sẽ khiến lửa bùng lên, ập vào thiêu cháy.

Bởi vậy, trước khi mở cửa, phải dùng tay sờ xem cửa có nóng không, thấy nóng, thấy khói bốc lên nghi ngút từ dưới cửa thì tuyệt đối không được mở, phải di chuyển sang hướng khác. Khi mở cửa, phải mở từ từ, người nép sau cánh cửa để đảm bảo an toàn tối đa.

Nếu mở cửa mà không thể thoát được thì phải đóng lại ngay, tránh cháy lan, phần nào làm chậm tốc độ cháy. Cần chèn kín các khe cửa tranh thủ dưỡng khí đợi lực lượng cứu hộ.

Không nên nhảy từ trên cao xuống qua ban công, cửa sổ khi không có những phương tiện chuyên dụng và không được lực lượng chữa cháy hướng dẫn.

Nếu phát hiện cửa sổ hướng không cháy ở vị trí thấp, có thể nhảy xuống được thì trước khi nhảy hãy vứt chăn, gối, nệm xuống trước để đỡ khi bạn nhảy xuống, tìm cách bám vào những cấu kiện xây dựng để leo xuống vị trí càng thấp càng tốt và thả người rơi tự do để chân rơi xuống trước. Thực tế, có trường hợp nhảy từ độ cao khoảng 4-5 m bị chấn thương nặng và tử vong do không biết cách.

Dùng dây thừng chuyên dụng, vòi chữa cháy, chăn mền nối lại với nhau,… một đầu buộc chặt cố định và từ từ tuột xuống đất.

Một lưu ý cần nhớ là kiểm tra chất lượng dây thừng trước khi sử dụng. Nếu dây thừng bị dão, bị mủn do thời gian, chất lượng kém thì phải thận trọng vì chưa chết vì cháy đã chết vì nhảy liều rồi!

Nếu thấy có cửa sổ nhưng vì vị trí cao, không thể nhảy xuống thì mở cửa ra để thoát khói, khí độc đồng thời la lớn, ra hiệu kêu cứu.   

Không lao vào đám cháy lấy tài sản, giấy tờ

“Đầu năm 2013, có một nữ Việt kiều về nước ăn tết, ở nhà người thân. Vụ cháy xảy ra trên tầng lầu, cả nhà đang ăn cơm ở tầng trệt. Lúc đó cả nhà đã thoát ra được rồi nhưng bà ấy chợt nhớ còn giấy tờ, hộ chiếu trong nhà nên lại lao vào đám cháy mong lấy lại. Cuối cùng, bà bị ngạt khói và thiệt mạng.

Nên nhớ còn người là còn tài sản. Con người có thể làm ra tài sản nhưng bao nhiêu tài sản cũng không thể lấy lại mạng sống con người”.

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến - Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM

Kỳ cuối: Chữa cháy hay đốt cả tòa nhà? 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm